Động lực cho cổ phiếu ngân hàng năm 2017

13/02/2017 01:32

Nới room và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là hai tin đồn đã tạo nhiều đợt sóng cho cổ phiếu ngân hàng trong năm 2016.

Động lực cho cổ phiếu ngân hàng năm 2017

Diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng những ngày đầu năm liệu có mở ra một triển vọng tích cực trong năm 2017, hay chỉ là con sóng ngắn hạn dựa trên các tin đồn như trước đây?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2/2017, chỉ số nhóm ngân hàng tăng 13,4% so với đầu năm và là đầu kéo chính cho mức tăng 5,3% của VN-Index. Dòng tiền vào ồ ạt giúp khối lượng giao dịch bình quân của nhóm này đạt 12,8 triệu cổ phiếu/ngày, tăng 37,4% so với tháng 12/2016, trong khi khối lượng giao dịch bình quân của HSX giảm 23,7% trong so sánh cùng kỳ.

Tin đồn nào sẽ trở thành hiện thực?

Nới room và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 2 tin đồn đã tạo nhiều đợt sóng cho cổ phiếu ngân hàng trong năm 2016. Đối với câu chuyện nới room, nhiều nhà đầu tư cho rằng đó chỉ là chuyện sớm hay muộn trong năm 2017i. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết Việt Nam sẽ cố gắng nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng sớm nhất trong năm nay nhằm đẩy nhanh tiến trình cải tổ hệ thống ngân hàng, thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kỳ vọng này càng được củng cố dựa trên thực tế chỉ còn 7 tháng nữa là đến thời hạn áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm (ngày 1/9/2017). Theo đó, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) đang rất cấp bách, nhất là tại 3 ngân hàng gốc quốc doanh.

Do nguồn vốn trong nước có hạn và phải tuân thủ các quy định hạn chế sở hữu chéo, các ngân hàng có xu hướng tìm kiếm nguồn vốn ngoại hoặc phát hành trái phiếu.

Vietinbank đã chạm trần sở hữu nước ngoài, trong khi BIDV không còn dư địa để tăng vốn cấp 2. Riêng Vietcombank có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn nhưng quá trình bán vốn cho nước ngoài đang kéo dài do chưa thỏa thuận được về giá.

>>Đầu tư chứng khoán: Cơ hội từ nhóm cổ phiếu bị định giá thấp

Nếu quá trình tăng vốn của 10 ngân hàng thí điểm Basel II không được suôn sẻ, có khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải lùi thời gian hoàn thành thí điểm sang năm 2018. Đây cũng là tin đồn mới xuất hiện từ đầu năm nay và có ảnh hưởng tích cực đến cổ phiếu ngân hàng bởi giới đầu tư đánh giá việc sớm áp dụng Basel II sẽ làm tăng chi phí vốn và hạn chế tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng này.

Đối với tin đồn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo ước tính của một công ty chứng khoán, giả sử tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tiền đồng giảm từ mức 3% xuống còn 1,5% thì lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể tăng thêm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay đang khá thấp, lại phải gánh luôn nhiệm vụ chống đô la hóa và khuyến khích cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.

Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng khó giải quyết được các mục tiêu ngắn hạn của NHNN là tăng tín dụng và giảm lãi suất cho vay, mà ngược lại, nó có thể phát đi thông điệp không phù hợp, gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá. Do đó, người viết cho rằng có rất ít khả năng tin đồn này trở thành hiện thực.

Cơ hội chia lại thị phần bán lẻ

Đánh giá một cách tổng thể, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng hiện vẫn còn ngổn ngang với kho nợ xấu chưa được xử lý thực chất và còn nhiều ngân hàng có vấn đề cần được NHNN giám sát chặt chẽ. Mặc dù vậy, sự phân hóa trong ngành ngày càng rõ nét. Vẫn có nhiều ngân hàng đã nhanh chóng xử lý các vấn đề nội bộ và đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong 4 ngân hàng thương mại đình đám nhất khu vực phía Nam trước đây, hiện chỉ có ACB là có những tín hiệu phục hồi rõ nét sau cú sốc “bầu Kiên” năm 2012.

3 ngân hàng còn lại là Sacombank, DongA Bank và Eximbank đều đang khá chật vật trong quá trình tái cơ cấu. Tăng trưởng cho vay của Sacombank chỉ đạt 7% trong năm 2016, trong khi Eximbank tăng 2,5%. Những xáo trộn trong cơ cấu sở hữu và ban điều hành có thể đã có ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kinh doanh của các ngân hàng này.

Nhưng đây cũng chính là cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh gia tăng thị phần, đặc biệt là thị phần ngân hàng bán lẻ. Vietcombank công bố tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tín dụng cá nhân đã tăng mạnh 39% và 48,8% trong năm 2016, trong khi tổng tín dụng chỉ tăng 18,9%.

Tương tự, mức tăng trưởng của tín dụng SME và tín dụng cá nhân tại Vietinbank lần lượt là 29% và 35%, trong khi tổng tín dụng tăng 18%. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của VPBank, VIB, OCB, Techcombank trong 2 năm gần đây cũng phần nào nhờ hưởng lợi từ sự chững lại của các đại gia cũ.

Triển vọng lợi nhuận và xử lý nợ xấu trong năm 2017

Đứng đầu chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) toàn hệ thống trong năm 2016 hiện là VietinBank với tổng LNTT đạt 8.530 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố LNTT năm 2016 với mức tăng trưởng vượt bậc như ACB (tăng 26,8%), Vietcombank (tăng 24,7%), MB (tăng 13,3%).

Nhiều ngân hàng khác mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2016 nhưng LNTT lũy kế 9 tháng cũng tăng trưởng tốt như Techcombank, LienVietPostbank, VPBank.

>>Sức hấp dẫn của cổ phiếu FMCG

Đa số các ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng nêu trên đều gắn liền với kết quả xử lý nợ xấu tích cực, tỷ lệ nợ xấu giảm. Đi đầu trong xử lý nợ xấu là Vietcombank - ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Các công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận của Vietcombank sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017 nhờ mảng bán lẻ với biên lãi suất cao, trong khi chi phí dự phòng sẽ giảm mạnh do không còn trích lập dự phòng trái phiếu VAMC.

Vietinbank cũng đặt mục tiêu xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2017. Ngân hàng này, cùng với Vietcombank, MB và ACB, đang được các chuyên gia phân tích đánh giá cao với kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2017 và chất lượng tài sản tốt. Một số ngân hàng mới niêm yết hoặc sắp niêm yết như VIB, HDBank, OCB cũng hứa hẹn sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong năm nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Động lực cho cổ phiếu ngân hàng năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO