Doanh nghiệp nhà nước và đợt thoái vốn mới

LÊ PHAN| 15/06/2017 03:37

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020.

Doanh nghiệp nhà nước và đợt thoái vốn mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng kế hoạch thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản và quỹ đầu tư.  

Đọc E-paper

Tính đến tháng 10/2016, cả nước còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tiến độ cổ phần hóa các DNNN và thoái vốn diễn ra khá chậm. Cụ thể đến hết quý I vừa qua, DNNN mới hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, nghĩa là chậm hơn 2 năm.

Thời gian qua, các tổng công ty, tập đoàn tích cực thoái vốn khỏi các ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tuy nhiên tiến độ rất chậm. Các DNNN đầu tư vào các ngành này trong thời điểm giá cao, nay nhiều cổ phiếu thậm chí đã rớt về dưới mệnh giá nên việc thoái vốn phải chấp nhận lỗ, vì vậy nhiều lãnh đạo DNNN chần chừ do sợ trách nhiệm.

Chính vì vậy, vào cuối năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN phải sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, kèm theo danh sách và chủ trương, lộ trình thoái vốn.

Theo đó, có 240 DNNN cần phải sắp xếp, trong đó có 103 doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Và gần nhất là Quyết định số 707/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020, cho thấy quyết tâm tiếp tục cải cách DNNN của Chính phủ.

Chứng khoán ủng hộ

Đang có khá nhiều yếu tố thuận lợi cho công cuộc cổ phần hóa và thoái vốn đối với DNNN. Trước hết là nền kinh tế ổn định, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát khá tốt. Vào cuối tháng 4 vừa qua, Hãng Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực.

Điều ấy sẽ giúp tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là khi tỷ giá USD/VND ổn định trong bối cảnh các quốc gia lân cận phá giá mạnh đồng nội tệ so với USD trong thời gian qua. Định hướng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và tiếp tục mở rộng các hiệp định thương mại cũng sẽ tăng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó giúp tăng nguồn lực tham gia cổ phần hóa và thoái vốn DNNN.

>>Cổ phần hóa DNNN: Bên mặn, bên ngọt

Điều quan trọng nữa là Chính phủ vẫn cam kết đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các ngành không quan trọng. Đây là động thái cần thiết trong thời điểm hiện nay, nhất là khi ngân sách đang gặp khó khăn. Với xu hướng nợ công tăng, thâm hụt ngân sách ở mức cao trong khi tăng trưởng kinh tế có nguy cơ sụt giảm nhưng chính sách tài khóa bị hạn chế, do đó Chính phủ buộc phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn để giảm áp lực lên ngân sách và chính sách tài khóa.

Thị trường chứng khoán đang tăng trưởng ấn tượng kể từ đầu năm đến nay và dường như đang có xu hướng đi lên cũng sẽ giúp thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường này, tạo điều kiện cho Chính phủ dễ dàng hơn trong việc cổ phần hóa và thoái vốn các DNNN. Thực tế là nhu cầu của giới đầu tư đối với các DNNN thoái vốn đã mạnh lên trong thời gian qua, do nhiều DNNN có được lợi thế về quỹ đất, kinh nghiệm vận hành và những ưu thế khác.

Nhiều ẩn số

Đối với những doanh nghiệp làm ăn tốt thì dễ dàng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng thường thì Nhà nước lại muốn giữ các doanh nghiệp này, trong khi đối với các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nền tảng thiếu ổn định thì việc thoái vốn sẽ chậm hơn do ít nhà đầu tư muốn tham gia, ngoại trừ những doanh nghiệp có quỹ đất lớn và đẹp. Vì vậy, việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp kém hiệu quả này có thể diễn ra chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành kế hoạch thoái vốn.

Điều căn cơ nữa là bộ máy quản trị sau khi cổ phần hóa hoặc thoái vốn liệu có cải tổ hay không. Nếu Chính phủ vẫn nắm cổ phần chủ yếu và giữ nguyên ban điều hành thì khó có thể thu hút nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài, vì chủ các dòng vốn đầu tư đều muốn nắm quyền điều hành chủ chốt để tái cấu trúc bộ máy, thay đổi ban quản trị và đem lại luồng sinh khí mới cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

>>Đại diện vốn nhà nước là ai?

Với định hướng Chính phủ sẽ rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp và xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan thì việc cổ phần hóa và thoái vốn cũng có thể gặp cản trở từ ban điều hành hiện tại của các doanh nghiệp, do lo ngại phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Một yếu tố nữa là khi mức độ mở cửa thương mại, đầu tư của Việt Nam ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực theo các hiệp định thương mại tự do đã ký thì nhà đầu tư nước ngoài có thêm lựa chọn thành lập doanh nghiệp 100% vốn chứ không nhất thiết phải mua lại hoặc góp vốn vào một doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DNNN làm ăn kém hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp nhà nước và đợt thoái vốn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO