Điểm mặt cổ phiếu tăng giá khủng

XUÂN HÒA| 05/03/2014 09:30

Đi cùng đà tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán từ sau Tết là sự trỗi dậy của một số cổ phiếu. Đó là các cổ phiếu như thế nào?

Điểm mặt cổ phiếu tăng giá khủng

Đi cùng đà tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán từ sau Tết là sự trỗi dậy của một số cổ phiếu. Đó là các cổ phiếu như thế nào?

Đọc E-paper

Ảnh: Quỳ Hòa

Dẫn đầu nhóm tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) là cổ phiếu KST của Công ty CP Viễn thông Tin học Điện tử. Theo thống kê, cổ phiếu này đã tăng 82,9%, từ 4.100 đồng/cổ phiếu (27/1) lên 7.500 đồng (26/2). Tuy nhiên, đây là cổ phiếu kém thanh khoản vì trong 15 phiên gần đây, chỉ có 7 phiên được giao dịch, với lượng giao dịch trung bình chưa tới 12.000 cổ phiếu/phiên.

Xét hoạt động kinh doanh, từ năm 2010, KST đều duy trì tăng trưởng nhẹ về doanh thu và đạt trên 100 tỷ đồng/năm. Tính ra doanh thu của KST đang gấp khoảng 4 lần vốn chủ sở hữu. Nhưng lợi nhuận thuần ở KST thấp, chỉ chiếm hơn 3% doanh thu.

Các cổ phiếu tăng trên 80% trong tháng 2 còn là PHH của Công ty CP Hồng Hà Dầu Khí, NAG của Công ty CP Nagawaka Việt Nam. Dù tăng giá dữ dội nhưng như KST, cổ phiếu PHH và NAG vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá.

Kinh doanh của 2 đơn vị này khá mờ nhạt khi lợi nhuận của NAG chưa tới 1,5 tỷ đồng dù doanh thu năm 2013 đạt 216,1 tỷ đồng. PHH đạt lợi nhuận năm 2013 gần 13 tỷ đồng nhưng con số này chỉ chiếm khoảng 1,5% doanh thu.

Ở sàn TP.HCM, cổ phiếu tăng nhiều nhất thuộc về SGT của Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn. Tuy nhiên, dù tăng 66,7% nhưng giá cổ phiếu SGT vẫn đang giao dịch ở mức 4.000 đồng. Đây còn là cổ phiếu có thanh khoản cực thấp.

Năm 2013, SGT nổi đình nổi đám với việc muốn hủy niêm yết và trước tình trạng thua lỗ 2 năm liên tiếp, SGT từng phải tạm ngừng giao dịch trong gần 3 tháng (23/7 - 7/10/2013). Hiện tại, cổ phiếu này đang trong diện cổ phiếu bị kiểm soát đặc biệt (chỉ giao dịch phiên chiều) và thị trường vẫn chưa có thông tin về kết quả kinh doanh năm 2013 của SGT.

Tương tự SGT, cổ phiếu MHC của Công ty CP Hàng hải Hà Nội tuy tăng 65,1% trong tháng qua nhưng giá cổ phiếu MHC vẫn chỉ đang ở mức 7.500 đồng. MHC cũng là cổ phiếu đang bị kiểm soát. Nhưng điểm chú ý là MHC trải qua một năm 2013 khá đặc biệt. Theo báo cáo tài chính mới nhất, MHC thua lỗ trong kinh doanh năm 2013.

Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận từ liên doanh liên kết hơn 25 tỷ đồng mà MHC thoát lỗ, đạt lợi nhuận cả năm gần gấp đôi kế hoạch và gấp 5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp chính là khoản lợi nhuận từ Công ty Vận tải xếp dỡ Hải An.

Cổ phiếu tăng mạnh trên 60% trong tháng qua còn phải kể đến NBB của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy và FDC của Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM. Với đà tăng này, cổ phiếu NBB đã gần chạm đến 30.000 đồng còn cổ phiếu FDC đạt mức 34.000 đồng - mức giá mà kể từ tháng 7/2010, FDC mới lấy lại được.

Yếu tố hấp dẫn giá cổ phiếu FDC được nhìn nhận đến từ kết quả kinh doanh ấn tượng. Tổng kết năm 2013, FDC đạt lãi hơn 254,5 tỷ đồng, gần bằng 40% doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận 40 tỷ đồng mà Công ty đặt ra. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý IV/2013, lợi nhuận khủng của FDC đều nhờ nguồn lãi chuyển nhượng vốn.

Cụ thể là Fedico đã chuyển nhượng hết 79,95% vốn ở Công ty Ngoại thương và Phát triển đầu tư Địa ốc Châu Lục và thu về 323,8 tỷ đồng. Ngoài ra, FDC còn ghi nhận lãi từ đầu tư cổ phiếu hơn 82 tỷ đồng.

Nhìn vào số liệu, NBB không có con số tốt để hỗ trợ lực tăng giá mạnh như FDC. Bằng chứng là lợi nhuận năm 2013 của NBB chỉ bằng 15% của năm 2012. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp thì tình hình kinh doanh của NBB trong năm 2014 sẽ triển vọng hơn.

Năm 2014, NBB dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ phần còn lại của dự án căn hộ Carina (Q. 8, TP.HCM), phần còn lại của dự án đất nền ở Bạc Liêu, một phần dự án đất nền tại Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Đồng thời, NBB sẽ thoái vốn tại một số dự án không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của NBB như phần vốn ở Công ty CP khoáng sản Quảng Ngãi (nắm 90% vốn), phần vốn tại dự án BOT Cầu Rạch Miễu, Thủy điện Đá Đen (Phú Yên...).

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ước tính tiền thu từ bất động sản trong năm 2014 của NBB sẽ khoảng 389 tỷ đồng. Riêng các nguồn thu từ chuyển nhượng vốn ước khoảng 118 tỷ đồng. VDSC đưa ra các con số này dựa trên thực tế hoạt động ở NBB. NBB dự kiến bán ra 57 căn hộ ở Carina, 220 nền ở Sơn Tịnh trong năm nay.

Về giá trị các khoản góp vốn, theo báo cáo tài chính mới nhất, giá trị vốn góp đầu tư ngày 31/12/2013 của NBB ở Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu là 41,5 tỷ đồng. Riêng lợi thế về vốn góp tại Khoáng sản Quảng Ngãi là công ty này đang sở hữu dự án khai thác mỏ titan sa khoáng Mộ Đức và dự án mỏ nước khoáng Trà Bồng.

Mỏ titan sa khoáng đã được phê duyệt quy hoạch, chỉ chờ phê duyệt đầu tư nên theo các nhà phân tích, NBB có thể sẽ chuyển nhượng "được giá”.

Trong tương lai, với lợi thế quỹ đất lớn (849 ha), với thực tế NBB đã cơ cấu được nợ theo hướng giãn thời gian thanh toán các khoản nợ trái phiếu và vay dài hạn, với chiến lược điều chỉnh lại chính sách bán hàng và định vị lại sản phẩm, chiến lược sẽ hợp tác thêm với các đơn vị bất động sản khác... giới đầu tư có cơ sở để tin tưởng vào tiềm năng phát triển xa hơn ở NBB.

Không phủ nhận đà tăng giá cổ phiếu từ sau Tết có yếu tố đầu cơ lướt sóng nhưng ông Lê Công Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC nhận định, ít nhiều nhà đầu tư đã biết đưa thêm yếu tố nền tảng cơ bản vào trong các quyết định lựa chọn cổ phiếu đầu tư.

Vì thế, bên cạnh các cổ phiếu nóng kể trên, Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Hoa Sen Group (HSG), Vingroup (VIC), Masan (MSN), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)... cũng là các cổ phiếu nóng. Đây không chỉ nóng về giá mà còn nóng về mức độ săn lùng, về giao dịch sôi động cũng như nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả giới đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm mặt cổ phiếu tăng giá khủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO