Để tái cấu trúc ngân hàng thành công

LÊ PHAN| 02/08/2016 08:43

Sự thất bại của Tập đoàn Thiên Thanh khi tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng và sau đó bị NHNN mua lại với giá 0 đồng cho thấy việc tái cấu trúc một ngân hàng luôn đầy rẫy những khó khăn.

Để tái cấu trúc ngân hàng thành công

Sự thất bại của Tập đoàn Thiên Thanh khi tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng và sau đó bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng cho thấy việc tái cấu trúc một ngân hàng đầy rẫy những khó khăn.  

Đọc E-paper

Công cuộc tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó có 1 ngân hàng hợp nhất vào công ty tài chính, 3 ngân hàng hợp nhất tự nguyện, 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng và 6 ngân hàng buộc sáp nhập vào một tổ chức tín dụng lớn hơn, giúp rút gọn số lượng các ngân hàng, tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém.

Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của Ngân hàng Đại Tín từ việc được Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng, sau đó lại bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng do không thể khắc phục được những yếu kém mà tiếp tục chìm sâu vào các sai phạm.

Từ vụ việc của Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh cho thấy, việc tái cấu trúc một ngân hàng chưa bao giờ là dễ dàng.

Ai muốn tham gia tái cấu trúc ngân hàng?

Ngoại trừ NHNN với mục tiêu ổn định hệ thống, còn lại các nhà đầu tư khi tham gia tái cấu trúc một ngân hàng đều có chung mục tiêu lợi nhuận. Trong tình hình ngân hàng gặp khó khăn, giá cổ phiếu sụt giảm xuống mức thấp, các nhà đầu tư có thể đàm phán mua lại với giá thấp, tham gia điều hành và tái cơ cấu lại hoạt động, tiến đến hòa vốn rồi có lãi trở lại, sau đó có thể tiếp tục sở hữu và điều hành hoặc bán lại cho một tổ chức khác với giá cao hơn.

Một số tổ chức tín dụng khác khi tham gia tái cấu trúc ngân hàng thì nhắm đến mục tiêu M&A theo chiều ngang để mở rộng quy mô và mạng lưới hoạt động, nhằm đạt được lợi ích kinh tế. 

Trường hợp SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất hợp nhất hay 6 ngân hàng yếu kém sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn là một dạng của M&A theo chiều ngang. Tuy nhiên, trong đó có những cuộc thâu tóm mang tính thù nghịch như trường hợp của Ngân hàng Phương Nam thâu tóm Sacombank.

Cũng có những tổ chức kinh tế, tập đoàn tham gia tái cấu trúc ngân hàng nhằm mục tiêu M&A theo chiều dọc để biến ngân hàng thành một trong những mắt xích cung cấp vốn hoặc phục vụ các mục tiêu riêng.

Thiên Thanh thâu tóm Đại Tín vào năm 2013 là một ví dụ điển hình, theo đó tập đoàn này tham gia tái cơ cấu và đổi tên Ngân hàng Đại Tín thành Ngân hàng Xây dựng nhằm cung cấp vốn và phục vụ riêng cho ngành xây dựng, từ đó mở rộng thị trường đầu ra cho vật liệu xây dựng của Thiên Thanh.

Thuận lợi thì ít, khó khăn nhiều

Đối với các nhà đầu tư chưa từng hoạt động trong ngành ngân hàng, việc thiếu kinh nghiệm quản trị, điều hành trong lĩnh vực này là một thách thức lớn nhất. Để vực dậy một ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, yếu kém là rất khó trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt và yêu cầu đổi mới nhanh chóng như hiện nay.

Thêm vào đó, các tổ chức này dễ sa vào cạm bẫy, những hoạt động mà NHNN không cho phép, như tài trợ, đầu tư vốn quá mức cho các công ty sân sau, hoặc rút tiền từ ngân hàng để phục vụ những mục tiêu riêng.

Thậm chí đối với những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm hoạt động trong ngành ngân hàng thì việc phải tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém cũng không thật sự dễ dàng. Với mục tiêu trọng tâm phải tập trung xử lý những vấn đề, hậu quả của ngân hàng yếu kém trước đây để lại, dễ dẫn đến lơ là làm ra lợi nhuận cho tổ chức đó.

Việc Sacombank bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thiệt hại của Phương Nam, hay BIDV phải gánh những khoản lỗ của MHB trước đây đã phần nào kìm hãm sự tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập là điều có thể thấy được.

Để tái cơ cấu ngân hàng thành công

Yếu tố đầu tiên là cần phải có "tiền tươi thóc thật", cần phải có nguồn vốn thật sự rót vào nhằm giải quyết một số yếu kém trước mắt của ngân hàng cần tái cơ cấu, đảm bảo khả năng tiếp tục hoạt động của ngân hàng nhằm tiến đến hòa vốn và sau đó sinh lời trở lại. Cần phải giám sát và hạn chế tình trạng "lấy mỡ nó rán nó", tức nhà đầu tư vay vốn để mua lại ngân hàng và sau đó tìm cách rút vốn từ ngân hàng này để hoàn trả lại các khoản vay trước đó.

Thứ hai, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém có thể cần có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, do các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực tài chính còn hạn chế, kinh nghiệm quản trị, điều hành ngân hàng hiện đại còn yếu. Việc để các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu một ngân hàng nào đó dễ vướng phải quy định sở hữu chéo, hoặc dễ biến ngân hàng thành công cụ nhằm phục vụ mục đích riêng.

Trong khi đó, đối với việc để các ngân hàng trong nước tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ hơn đang gặp yếu kém sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động và khả năng sinh lời của các ngân hàng này, vốn đang còn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc xử lý nợ xấu hiện nay.

Các ngân hàng đã nhiều năm không chi trả được cổ tức cho cổ đông do phải để dành lợi nhuận để tăng vốn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh doanh và các chỉ tiêu an toàn, nay nếu phải gánh thêm những ngân hàng với tài sản thấp sẽ có thể kéo chân, kìm hãm hoạt động của các ngân hàng tốt trong một thời gian dài.

Các ngân hàng với nền tảng công nghệ, văn hóa doanh nghiệp và phân khúc thị trường, khách hàng khác nhau sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để hợp nhất, sáp nhập đạt được kết quả như kỳ vọng, 2 tổ chức riêng rẽ trở thành 1 thực thể thống nhất thật sự.

Ngược lại, với nguồn vốn thực từ các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia giải quyết các thiệt hại và xây dựng lại hoạt động ngân hàng, như làm lại từ đầu, khắc phục các hậu quả sẽ nhanh hơn và tạo đà để các ngân hàng được tái cấu trúc sớm xây dựng lại nền tảng để đẩy mạnh kinh doanh, phục hồi trong thời gian sớm nhất.

>Nhu cầu nhân lực của ngân hàng tăng mạnh

>Ngành ngân hàng: Thay "tướng" mùa đại hội cổ đông

>Mở rộng quy mô ngành ngân hàng: Mừng nhiều hơn lo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để tái cấu trúc ngân hàng thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO