Đẩy nhanh lộ trình không tiền mặt

Hồng Nga| 13/06/2019 03:47

Thanh toán không tiền mặt sẽ là phương thức thanh toán chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch ở Việt Nam, các cơ quan quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp… đã tích cực vào cuộc.

Đẩy nhanh lộ trình không tiền mặt

Tín hiệu khả quan

Hiện nay, mảng không dùng tiền mặt trên thế giới đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 13% một năm, trong đó ở châu Á tăng tới 30%. Kênh thẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 67%, và các kênh thanh toán được yêu thích nhất là mobile, sau đó là Internet.

Tại Việt Nam, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, việc mở và sử dụng tài khoản cá nhân đã tăng mạnh trong thời gian qua. Tính đến cuối tháng 3/2019 đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018. Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi trong dân và là điều kiện tiên quyết để tạo mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 3/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,83%). Nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Không chỉ thế, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động tính đến tháng 3/2019 đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với hơn 924 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, kết quả thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt cho thấy Việt Nam thực sự đang bắt nhịp và đi theo xu hướng thế giới.

VIB-2542-1560398104.jpg

Để có kết quả như trên, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư các ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, tích hợp hệ thống mang đến các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng thiết bị số, qua đó, tạo tiện lợi, rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí, tăng trải nghiệm… cho người dùng.

Chẳng hạn như tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), tập trung phát triển thanh toán điện tử qua thẻ và tài khoản thanh toán tích hợp ngân hàng số. VIB đã đưa vào sử dụng ứng dụng MyVIB phục vụ khách hàng chuyển khoản, thanh toán hóa đơn... trực tuyến và tức thì 24/7. Ngân hàng này cũng sử dụng nhiều công nghệ được phát triển trên nền tảng ngân hàng số như QR Code, quản lý thẻ Real Time...

Tháng 5 vừa qua, VIB đưa về Việt Nam công nghệ thẻ ảo, cùng với mã PIN điện tử Green PIN. Với các tính năng này, chủ thẻ VIB có thể giao dịch trực tuyến ngay khi được thông báo chấp nhận thẻ với sự hỗ trợ của ngân hàng số mà không cần chờ nhận thẻ vật lý hay mã PIN trên giấy.

Bộ đôi công nghệ này giúp đáp ứng nhanh nhất nhu cầu dùng thẻ của khách hàng, giảm thời gian chờ để bắt đầu giao dịch từ 5 ngày xuống chỉ còn 3-5 phút. Bên cạnh đó, để khách hàng sử dụng lâu dài các hình thức thanh toán không tiền mặt, VIB chú trọng việc triển khai những sản phẩm độc đáo với nhiều lợi ích thiết thực trong dài hạn.

Cũng trong xu thế đó, VPBank ra mắt công cụ BizPay - một giải pháp thanh toán hữu ích cho cả người mua và người bán, giải quyết tiến độ thanh toán lẫn hỗ trợ được doanh nghiệp về quản lý, giúp đồng bộ số liệu, tiết kiệm thời gian trong khâu quản lý tài chính, quản lý công nợ.

Việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đã mang lại những tín hiệu khả quan trong thanh toán không tiền mặt. Cụ thể, lượng khách hàng sử dụng thẻ VIB và giao dịch qua MyVIB tăng trưởng rất ấn tượng. Và VIB trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu về doanh số chi tiêu thẻ tín dụng MasterCard với mức tăng trưởng 300% so với 2017, cao gấp hai lần tỷ lệ tăng trưởng trung bình của thị trường, 60% khách hàng cá nhân sử dụng kênh thanh toán điện tử, 77% giao dịch của khách hàng cá nhân được thông qua MyVIB.

Tăng cường thanh toán không tiền mặt

Phát biểu tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” tổ chức tại TP.HCM ngày 11/6/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực trong công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao kiến thức tài chính, ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân.

Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 và đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông cùng các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiển phát sinh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn để mở rộng phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tiếp tục ứng dụng công nghệ mạnh mẽ vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên di động làm mục tiêu chính. Phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngân hàng.

Ở góc độ của ngân hàng thương mại, bà Trần Thu Hương - Giám đốc Khối Bán lẻ kiêm Giám đốc Chiến lược của Ngân hàng Quốc tế VIB đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch ở Việt Nam. Theo đó, có hai yếu tố quan trọng để thúc đẩy thanh toán tiền mặt là cung và cầu.

Cung là từ phía Chính phủ tạo điều kiện bằng các hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty Fintech, Bigtech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt. Khi có được các hành lang pháp lý và các chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý, các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Còn về phía cầu chính là ý thức của người dân. Bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng trong việc đưa nhiều kênh thanh toán không tiền mặt tới người tiêu dùng, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực và sát sao triển khai, kêu gọi các ngân hàng đồng loạt vào cuộc để tạo ra hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao ý thức người dân. "Vì hiểu biết của người dân càng cao thì những giải pháp tiên tiến của các ngân hàng và các công ty công nghệ cho hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ được người dân đón nhận dễ dàng hơn”, bà Trần Thu Hương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy nhanh lộ trình không tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO