Đầu tư vào CP ngành khoáng sản: Những điểm cần lưu ý

30/06/2012 06:38

Cổ phiếu ngành khoáng sản (KS) thường xuyên nằm trong danh mục của giới đầu tư. Ngoài các yếu tố cơ bản về tình hình hoạt động kinh doanh thì nhà đầu tư cần quan tâm đến những vấn đề gì của ngành KS?

Đầu tư vào CP ngành khoáng sản: Những điểm cần lưu ý

Cổ phiếu ngành khoáng sản (KS) thường xuyên nằm trong danh mục của giới đầu tư. Ngoài các yếu tố cơ bản về tình hình hoạt động kinh doanh thì nhà đầu tư cần quan tâm đến những vấn đề gì của ngành KS?

Trái với đợt sóng của nhóm CP KS từng làm mưa làm gió trên sàn, doanh thu và lợi nhuận của ngành KS quý I/2012 tiếp tục giảm. Với 17 DN KS niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh thì chỉ có 3 DN tạo ra 75% lợi nhuận ngành, tỉ lệ nợ/tổng tài sản bình quân đạt 34%.

3 DN tạo ra 75% lợi nhuận ngành

Nổi bật trong số những DN này là Khoáng sản Hà Giang (HGM) niêm yết trên sàn HNX. Năm 2011, với kết quả lợi nhuận ở mức cao, lãi ròng gấp 2,6 lần so với năm trước, đạt hơn 149 tỉ đồng, HGM quyết định trả cổ tức 80% trong năm 2011 thay vì mức tối thiểu 25% như đã đặt ra trong kế hoạch. Mức chia cổ tức tổng cộng đến 80% này có thể được xem là dẫn đầu trong số các DN đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán.

Các nhà đầu tư đã từng chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của Khoáng sản Bình Định (BMC) niêm yết trên sàn HSX. BMC công bố báo cáo tài chính quý IV/2011 với lợi nhuận trước thuế gấp 3,6 lần cùng kỳ, đạt 33,7 tỉ đồng nhờ việc mở rộng thêm thị trường mới vào châu Âu ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2011 BMC thực hiện được 309 tỉ đồng doanh thu thuần, gấp 2,9 lần năm trước; lãi sau thuế cũng gấp 3,9 lần với 91.3 tỉ đồng. Do vậy, HĐQT BMC đã quyết định tăng cổ tức từ 22% lên 50%.

Thực tế cũng cho thấy đà tăng giá bán đầu ra đã góp phần không nhỏ vào lợi nhuận vượt trội của các DN KS. Năm 2010, Trung Quốc, cung cấp 90% sản lượng antimony thế giới, thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu antimony. Vì thế, nguồn cung antimony trở nên khan hiếm và giá đã tăng 2,5 lần. HGM, công ty ty duy nhất ở VN có thể sản xuất antimony thành phẩm, bỗng nhiên được lợi từ chính sách thắt chặt xuất khẩu antimony của Trung Quốc…

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, tiềm năng của DN KS còn nằm ở những dự án vừa được cấp phép. Mới đây, trong giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, BMC cho rằng, cổ phiếu BMC tăng trần liên tục có thể là do nhà đầu tư dựa trên thông tin công ty được cấp phép khai thác khoáng vật nặng titan-zircon trên diện tích 150 ha (Phù Cát, Bình Định). Ngoài ra, việc Bộ Tài chính hạ mức thuế xuất khẩu từ 15% xuống 10% (từ ngày 1/1/2011) đối với xỉ titan cũng giúp BMC xuất khẩu hết lượng xỉ titan tồn kho từ năm ngoái.

Tiêu chí lựa chọn

Vậy có nên đầu tư vào CP KS? Và những tiêu chí nên quan tâm khi lựa chọn DN KS? Theo ông Nguyễn Văn Thành - nhà đầu tư trên sàn CK ABCS thì những ngoài những yếu tố tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận từ cổ tức…, nhà đầu tư nên chú ý những điểm sau:

Giấy phép khai thác: Đây chính là yếu tố sống còn của các DN khai thác KS. Có 2 loại giấy phép mà các DN đang sở hữu: Giấy phép được cấp phép bởi UBND tỉnh thành; Giấy phép khai thác được cấp bởi Bộ. Theo dự báo nguồn tiền của các DN KS sẽ bị sụt giảm, bởi các DN hiện đang khai thác sẽ được phép tiếp tục khai thác cho đến hết thời hạn quy định trong giấy phép. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khoáng sản sửa đổi, những DN này sẽ phải nộp tiền cấp quyền khai thác KS đổi với phần trữ lượng chưa khai thác. Như vậy, nhiều khả năng dòng tiền của các DN hiện đang khai thác sẽ bị giảm trong thời gian sắp tới.

Ưu thế về mặt giá trị kinh tế của mỏ: Thực tế cho thấy, việc sở hữu nhiều mỏ KS có quy mô và trữ lượng mỏ lớn, vị trí giao thông thuận lợi và đặc biệt là các loại KS có giá trị cao ít bị thay thế như vàng, antimony… sẽ tạo lợi thế cho DN về các mặt như chi phí đầu tư, hiệu quả hoạt động so với các mỏ có quy mô và trữ lượng nhỏ, vị trí không thuận lợi hay giá trị loại KS thấp.

Các yếu tố tác động đến nguyên vật liệu đầu vào: Do KS là nguồn nguyên vật liệu đầu vào của rất nhiều ngành công nghiệp quan trọng trên thế giới, diễn biến giá cả của các mặt hàng KS sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hay của từng ngành. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến tốc động tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vì đây đang là thị trường chiếm 65% sản lượng KS xuất khẩu của VN.

Trên đây chỉ là những yếu tố phân tích cơ bản, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần quan tâm tới sức khỏe, sức mạnh tài chính, khả năng mở rộng… và đặc biệt là trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của ban lãnh đạo của từng DN, trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư vào ngành KS…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư vào CP ngành khoáng sản: Những điểm cần lưu ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO