Đầu tư chứng khoán: BĐS mạo hiểm, ngân hàng làm trụ cột

LAM ANH| 15/05/2015 03:21

Việc thúc đẩy giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) có thể tạo "sóng" ở nhóm cổ phiếu NH và bất động sản (BĐS).

Đầu tư chứng khoán: BĐS mạo hiểm, ngân hàng làm trụ cột

Việc thúc đẩy giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) có thể tạo "sóng" ở nhóm cổ phiếu NH và bất động sản (BĐS).

Đọc E-paper

Đầu tư mạo hiểm với bất động sản

Theo thống kê, có đến 71% cổ phiếu BĐS đang giao dịch với P/B dưới 1,0 lần, trong đó, có hơn 23% số cổ phiếu có P/B nhỏ hơn 0,5 lần. Điều này cho thấy giá cổ phiếu BĐS đã sát hơn với kết quả kinh doanh (KQKD) của các doanh nghiệp (DN).

Từ kết quả sàng lọc có thể thấy phần lớn các cơ hội đầu tư tiềm năng đều nằm ở ngành BĐS. Đặc điểm chung của các DN này là KQKD những năm gần đây không tích cực do ảnh hưởng thị trường chung và chi phí lãi vay cao.

Để cải thiện dòng tiền và tình hình tài chính, nhìn chung các DN này đều chọn giải pháp giống nhau: chuyển nhượng một số dự án tiềm năng cho các nhà đầu tư khác, phát hành thêm vốn cổ phần để trả nợ, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, thu hẹp diện tích căn hộ, nền đất và hạ giá bán.

Trong nhóm này, dễ nhận thấy một số DN có triển vọng đảo chiều về KQKD khá rõ nét, như TDH, NBB, BCI và HQC với các dự án sẵn sàng để kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng có một vài DN chưa có sự hồi phục rõ ràng nhưng có khả năng ghi nhận lợi nhuận đột biến và vực dậy tình hình tài chính nhờ việc chuyển nhượng vốn tại các dự án lớn như: QCG với dự án Phước Kiển và dự án 39 Bến Văn Đồn, SJS với dự án Nam An Khánh, VPH với dự án Lacasa và KDC Nhơn Đức, ITC với Intresco Plaza, và LCG với dự án nhiên liệu sinh học (ethanol).

Theo các chuyên gia, khả năng tăng giá cổ phiếu chủ yếu được dẫn dắt bởi sự cải thiện KQKD nên sẽ không nhiều yếu tố đột biến, nhưng bù lại rủi ro suy giảm được hạn chế. Các cổ phiếu triển vọng trong nhóm này bao gồm VIC, KDH, NBB, TDH. Ngoài ra, BCI và NTL cũng là những cổ phiếu có thể xem xét.

Mặt khác, khá nhiều DN có quy mô vốn và quỹ đất lớn nhưng đang giao dịch với P/B thấp (0,5 - 0,8 lần), như ITA, QCG, LCG, SJS, ITC, VPH. Trong trường hợp các DN này có thể chuyển nhượng lại phần vốn tại các dự án lớn cho nhà đầu tư khác, có thể tác động mạnh đến giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, chiến lược này chỉ phù hợp với nhà đầu tư (NĐT) có khả năng chịu rủi ro cao hoặc nắm giữ lâu dài. Đồng thời, NĐT được cảnh báo chỉ nên phân bổ một tỷ trọng nhỏ trong danh mục cho các cổ phiếu nói trên ở vùng giá thấp. Song cổ phiếu BĐS được đánh giá sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2015 này.

Trụ cột cổ phiếu ngân hàng

Nhìn lại quá trình giao dịch của cổ phiếu ngành NH trong 2 năm 2013 và 2014, phần lớn đi ngang hoặc giảm. Chỉ gần đây mới có những phục hồi ấn tượng với kỳ vọng vào những kết quả ban đầu của quá trình tái cấu trúc ngành NH.

Nhìn chung, lợi nhuận của ngành năm 2015 phụ thuộc khá nhiều vào kết quả xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu BĐS trong tương quan với sự trung thực về nợ xấu của các NH.

Cuối quý III/2014, nợ xấu BĐS được công bố vào khoảng 4%, chiếm gần 50% tổng nợ xấu toàn hệ thống. Việc cải thiện tiêu thụ là nhân tố tiên quyết giúp DN BĐS có dòng tiền dương để trả nợ.

Kỳ vọng với nhiều chính sách hỗ trợ, sự hồi phục của thị trường BĐS sẽ giúp các NHTM đẩy mạnh tiến độ giải quyết nợ xấu. Ngoài ra, giới phân tích có một quan điểm chung khi cho rằng xu hướng tăng thu phí dịch vụ cũng sẽ góp phần ngày càng tăng thu nhập ngoài lãi của khối NH.

Như vậy, dù cho những khó khăn nhất đã ở phía sau, song cổ phiếu NH sẽ không tăng cao mà luôn có những khoảng dừng và điều chỉnh. Quan ngại về sự minh bạch và chất lượng tài sản đối với giá của cổ phiếu NH, theo đó, giao dịch ngắn hạn cổ phiếu NH, theo chuyên viên phân tích chứng khoán, cần chấp nhận mức sinh lời vừa phải, trong khi đó, NĐT dài hạn chỉ nên mua vào những phiên điều chỉnh khi các chỉ số định giá ở vào mức hấp dẫn. Lựa chọn hàng đầu trong nhóm cổ phiếu NH năm 2015 là VCB, MBB, tiếp theo là ACB và BID.

Đánh giá về việc đầu tư cổ phiếu BĐS và NH, một lãnh đạo của Công ty Chứng khoán KIS cho rằng, kinh tế Việt Nam vừa thoát đáy và bước vào giai đoạn hồi phục. Ở góc độ DN, môi trường lãi suất thấp cũng sẽ khuyến khích DN đầu tư thêm máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng và tích trữ nguyên vật liệu.

Đồng thời, những DN đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn cũng tiết kiệm được đáng kể chi phí khi lãi suất giảm. Trên nền tảng đó, các ngành kinh doanh nhạy cảm với chu kỳ kinh tế sẽ được hưởng lợi. NĐT có thể nắm bắt cơ hội để gia nhập thị trường, tạo giá trị đầu tư.

Cùng quan điểm tích cực, song lãnh đạo của VDSC cho biết thêm, rủi ro chung của việc đầu tư vào các cổ phiếu chu kỳ là KQKD của DN có thể không cải thiện đáng kể hoặc sẽ hồi phục chậm. Do đó, cách đầu tư này sẽ phù hợp hơn với NĐT có khả năng nắm giữ trong trung và dài hạn hoặc khả năng chịu đựng rủi ro cao.

Thực tế, NĐT có khả năng chịu đựng rủi ro trung bình hoặc thấp cũng có thể phân bổ một phần danh mục đầu tư vào nhóm cổ phiếu này. Cuối cùng, thời điểm hợp lý để bán ra các cổ phiếu này là khi P/E trailing hoặc P/B trở về mức trung bình 5 năm gần nhất...

>Cổ phiếu ngân hàng: Sóng cộng hưởng
>Không coi nhẹ cổ phiếu ngân hàng
>Cổ phiếu bất động sản: Kỳ vọng sớm hơn dấu hiệu
>Cổ phiếu bất động sản đang "ấm" lên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư chứng khoán: BĐS mạo hiểm, ngân hàng làm trụ cột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO