"Đau đầu" chọn kênh đầu tư

THÙY CHI| 13/07/2016 01:34

Việc đầu tư vàng luôn rủi ro so với những kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản (BĐS), chứng khoán.

Tuần qua, bất chấp giá vàng tăng cao, nhiều người đổ xô đi mua vàng vì sợ mất cơ hội. Tuy nhiên, đến ngày 8/7 giá vàng mất đi gấp đôi giá trị tăng của những ngày trước đó. Điều này chứng tỏ việc đầu tư vàng luôn rủi ro so với những kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản (BĐS), chứng khoán.  

Đọc E-paper

Ngày 8/7, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco giảm 4,5 USD, tương đương 0,32%, xuống mức 1.355,4 USD/oz. Tại thị trường trong nước, giá vàng DOJI niêm yết ở mức 36,3 - 36,8 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 500.000 - 900.000 đồng/lượng so với ngày 7/6. Cũng trong ngày này, giá vàng SJC niêm yết ở mức 36,5 - 37,2 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng chiều mua vào và 700.000 đồng chiều bán ra. Nếu so với thời điểm tăng đỉnh vào ngày 6/7, giá vàng "rớt" gần 3 triệu đồng/lượng.

Trước sự giảm giá liên tiếp, nhiều người bắt đầu thừa nhận giá vàng tăng nhanh trong mấy phiên gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý. Theo đó, họ liên tục bán vàng ra để cắt lỗ, sau khi mua vào với giá gần đỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người kiên trì coi vàng là nơi trú ẩn an toàn nhất trong khi nền kinh tế chưa phát triển ổn định. Theo đó, họ vẫn cố mua vàng khi giá biến động, chờ đợi cơ hội giá vàng lên cao để hưởng chênh lệch. Bởi họ cho rằng, việc đầu tư vào BĐS và chứng khoán thời điểm này cũng không phải lợi thế, thậm chí có người còn tin rằng giá BĐS lúc này đang quá cao, thanh khoản không tốt bằng vàng và lợi nhuận cũng thấp hơn.

Còn thị trường chứng khoán (TTCK) giảm giá khủng ở tất cả các chỉ số ngay sau khi Brexit diễn ra khiến nhà đầu tư thêm một lần nữa chứng kiến sự rủi ro của chứng khoán. Như vậy, chỉ còn mỗi kênh tiết kiệm là an toàn, nhưng đây là kênh dành cho những người có tiền nhàn rỗi, không thích mạo hiểm. Đối với nhà đầu tư thì sẵn sàng rút tiền gửi trong ngân hàng để kinh doanh khi gặp thời.

Với diễn biến này, giới chuyên môn thừa nhận không thể tác động đến những nhà đầu tư vàng trong thời điểm hiện tại. Thế nhưng, giới này đưa ra một số so sánh giữa các kênh đầu tư để thấy cái được và mất ở mỗi lĩnh vực.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, thị trường vàng đang bị làm giá và phát triển một cách méo mó, cung tăng nhanh so với cầu. Thị trường BĐS vừa rồi cầu có tăng lên một chút nhưng cung chưa tăng kịp nên giá tăng. Điều nguy hiểm là giá tăng thì đầu cơ nhảy vào thị trường tạo ra lượng cầu ảo. Giới phân tích đang lo ngại thị trường BĐS sẽ sớm rơi vào tình trạng giá cao của năm 2007 - 2008, tức là lại diễn trò "đuổi nhau" kéo dài và nếu không cảnh giác sẽ xuất hiện bong bóng BĐS.

"Bong bóng diễn ra khi đường cầu và đường cung không còn cắt nhau nữa và tài sản thế chấp tại ngân hàng thương mại sẽ bị mất giá, đẩy ngân hàng và nền kinh tế rơi vào khủng hoảng chỉ vì BĐS. Theo đó, người mua BĐS phải cân nhắc rất kỹ thời điểm và giá cả”, TS. Nghĩa chia sẻ.

>>5 cách để là nhà đầu tư bất động sản thành công

Riêng TTCK, theo giới phân tích là "trong ấm, ngoài lạnh". Lý do, tín dụng cho kênh BĐS và cho vay sản xuất, kinh doanh có phần chậm lại là những nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán. So với cùng kỳ năm ngoái, dòng tiền cũng không có sự chi phối mạnh bởi các cơ hội đầu tư khác (đầu tư mua cổ phần thoái vốn từ SCIC, BĐS...).

Nhưng nước nâng thuyền thì cũng có thể lật thuyền, dòng tiền có thể nâng chỉ số cũng có thể nhấn chìm chỉ số khi nó rút đi. Theo quan sát, sự sôi nổi của giao dịch có thể vẫn được duy trì trong tháng 7 nhưng sau đó, nhu cầu vốn lưu động tăng lên từ tháng 8 có thể hút lượng vốn nhàn rỗi về khu vực sản xuất.

Tính đến hết quý II, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 1/3 mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thường thì các tháng cuối năm mới là cao điểm tăng trưởng tín dụng. Khi nhu cầu vay vốn cho sản xuất tăng lên, mặc nhiên dư địa tín dụng cho hoạt động phi sản xuất sẽ bị thu hẹp. Hơn nữa, rủi ro lạm phát có thể buộc NHNN thận trọng hơn trong việc điều tiết cung tiền trong 6 tháng cuối năm. Cuối cùng, nguy cơ tỷ giá leo thang trở lại là yếu tố có thể thay đổi xu hướng bơm ròng thanh khoản hiện tại của NHNN vào cuối năm.

Như vậy, ở 2 kênh đầu tư lớn không có nhiều điểm sáng nên vàng trở thành kênh đầu tư hiệu quả với một số người. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thị trường vàng mang tính may rủi rất lớn. Do đó, vàng có thể giúp cho người này có lãi nhưng lại lấy đi rất nhiều tiền từ nhà đầu tư khác.

Trường hợp này đã được chứng minh trong mấy ngày vừa qua khi mà thị trường bị nhiễu thông tin bởi dân đầu cơ, người kinh doanh vàng. Theo quan sát của một chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) vàng đã tính toán rất kỹ, cố tình tạo thông tin ảo để bán được lượng vàng lớn với giá cao ngất ngưởng. Sau đó, chờ đợi sự can thiệp của NHNN để kéo giá vàng xuống, thu về giá thấp, hưởng chênh lệch tới vài triệu đồng/lượng.

Thậm chí, có nhiều DN kinh doanh vàng còn cố tình phát đi thông tin trên một số phương tiện truyền thông là giá vàng đang có xu hướng tăng nên các nhà đầu tư và người dân có thể mua vào thời điểm này, đợi giá lên mức đỉnh 45 triệu đồng/lượng bán chốt lời. Thực tế không có lý do nào có thể lý giải được giá vàng sẽ tăng nhanh như vậy, ngoại trừ lý do Brexit. Theo đó, những thông tin được đưa ra nhằm kích thích nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, của một số người có tiền để dành.

Như vậy, với những người "chậm chân" chắc chắn mua vàng sẽ lỗ, và khó tính toán thắng DN đầu tư kinh doanh vàng. Chưa kể hiện giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 1 triệu đồng/lượng nên rất có thể còn tiếp tục giảm. Vì thế, người có tiền nên cân nhắc tổng hợp tất cả các yếu tố trước khi "xuống tiền" vào bất kỳ kênh đầu tư nào để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất có thể.

>>Đầu tư vàng: Cơ hội không dành cho người đến sau

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Đau đầu" chọn kênh đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO