Công cụ nào để ổn định lãi suất?

KHÁNH PHƯƠNG| 23/02/2017 08:28

Những áp lực của thị trường ngoại hối ngay từ đầu năm 2017 đã gây nên lo ngại sẽ tác động đến lãi suất VND.

Công cụ nào để ổn định lãi suất?

Những áp lực của thị trường ngoại hối ngay từ đầu năm 2017 đã gây nên lo ngại sẽ tác động đến lãi suất VND, và thực tế lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại sau khi giảm mạnh liên tiếp trong 10 ngày đầu tháng 2. 

Đọc E-paper

Nhiều dự báo từ cuối năm ngoái cho rằng lạm phát và tỷ giá sẽ là những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng lãi suất trong năm 2017. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có những yếu tố có thể hỗ trợ ổn định lãi suất trong năm 2017, bên cạnh một số công cụ, chính sách mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa sử dụng trong thời gian qua.

Định hướng lãi suất thị trường

Nhìn chung mặt bằng lãi suất năm 2016 đã giảm so với năm 2015. Giai đoạn này NHNN chủ yếu định hướng thị trường thông qua mức lãi suất huy động trên thị trường 1 của nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, mà chưa cần sử dụng đến các lãi suất điều hành chủ chốt.

Có 2 loại lãi suất chủ chốt mà NHNN thời gian qua ít sử dụng là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu. Hiện tại lãi suất tái cấp vốn đang ở mức 6,5%, trong khi lãi suất chiết khấu ở mức 4,5% và đã được áp dụng từ ngày 18/3/2014 đến nay, tức là đã duy trì gần 3 năm.

Đã từng có giai đọan lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu được sử dụng để định hướng mặt bằng lãi suất trên thị trường cùng với trần lãi suất huy động, nhất là trong khoảng mặt bằng lãi suất ở mức cao giai đoạn 2011 - 2012.

Về cơ bản lãi suất tái cấp vốn là mức lãi suất NHNN áp dụng cho các NHTM vay lại thông qua cầm cố các hồ sơ tín dụng còn trong hạn, trong khi lãi suất chiết khấu được áp dụng khi các NHTM muốn bán lại hay cầm cố các giấy tờ có giá như tín phiếu, trái phiếu chính phủ. Đây được xem là 2 kênh phổ biến mà các NHTM thường sử dụng để nhận thêm vốn từ NHNN trong những thời điểm nhu cầu vốn tăng lên.

>>Top 10 thương hiệu ngân hàng trị giá 171 tỷ USD

Báo cáo tài chính cho thấy vẫn có những ngân hàng vay tái cấp vốn từ NHNN, cụ thể như số dư nợ vay theo hồ sơ tín dụng của Vietcombank cuối năm 2016 là 3.903,8 tỷ đồng, tăng 1.582,2 tỷ so với năm 2015, hay như Ngân hàng Quốc tế số dư vay theo hồ sơ tín dụng cuối năm 2015 là 8.472 tỷ đồng nhưng 2016 đã về 0.

Theo Thông tư 15/2012/TT-NHNN quy định về việc NHNN tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với các tổ chức tín dụng thì thời hạn cho vay tái cấp vốn dưới 12 tháng. Với mặt bằng lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng hiện nay phổ biến từ 6,9 - 7,5% thì những ngân hàng nào tận dụng được nguồn vốn vay này sẽ có lợi về chi phí, trong khi mức lãi suất chiết khấu 4,5% thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại nhiều ngân hàng.

Như vậy, NHNN có thể giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu để định hướng mặt bằng lãi suất thị trường ổn định hoặc thậm chí kéo lãi suất đi xuống để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cần biết rằng lãi suất tái cấp vốn đã có lúc lên tới 15% và lãi suất chiết khấu lên tới 13% trong năm 2011, tuy nhiên sau đó đã giảm dần cùng với trần lãi suất để định hướng, kéo mặt bằng lãi suất thị trường đi xuống.

Tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt và giảm dự trữ bắt buộc

Theo Thông tư 18/2015/TT-NHNN, thì các NHTM có thể vay tái cấp vốn NHNN trên cơ sở trái phiếu đặc biệt VAMC, với giá trị lên đến 70% tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt, nhưng nếu là tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu thì có thể được vay tái cấp vốn lên tới 100% mệnh giá trái phiếu đặc biệt. Đáng lưu ý là lãi suất tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt VAMC hiện thấp hơn 2% mức lãi suất tái cấp vốn thông thường, tức ở mức 4,5%.

Như vậy, các NHTM khi cần vốn có thể cầm trái phiếu đặc biệt đến NHNN và vay tái cấp vốn với lãi suất khá ưu đãi. Với giá trị trái phiếu đặc biệt VAMC hơn 230 nghìn tỷ đồng (cập nhật đến 22/12/2016), thì nguồn tái cấp vốn qua kênh này là rất lớn. Từ năm 2015 trở lại đây, NHNN cũng đã tăng tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC để tái tạo nguồn cũng như hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất.

Nếu lãi suất tái cấp vốn giảm xuống từ mức 6,5% như hiện nay, thì dĩ nhiên lãi suất tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC cũng sẽ giảm theo, đảm bảo chênh lệch duy trì ở mức 2%, và khi đó các NHTM có thể tiếp cận nguồn vốn qua kênh này với chi phí rẻ hơn, do đó càng tạo điều kiện để không gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động từ thị trường 1.

>>Điều hành lãi suất: Vừa “đồng thuận” vừa “thả phanh”?

NHNN vẫn còn công cụ đã lâu không sử dụng là dự trữ bắt buộc. Trong năm 2016 cũng râm ran có những tin đồn về việc giảm dự trữ bắt buộc, tuy nhiên với tình hình tăng trưởng huy động vốn của toàn ngành ở mức cao trong bối cảnh lãi suất ổn định, thì NHNN chưa phải sử dụng đến công cụ này. Tuy nhiên, nếu áp lực tăng lãi suất quá lớn thì việc giảm dự trữ bắt buộc có thể được coi là lựa chọn cần thiết.

Hiện tại dự trữ bắt buộc VND đối với kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% và trên 12 tháng là 1%, được duy trì từ tháng 3/2009 đến nay. Như đã nói, đây là công cụ NHNN rất hiếm khi sử dụng để điều hành lãi suất. Tuy nhiên vào tháng 12/2015, NHNN có ban hành Thông tư 23/2015/TT-NHNN về việc có thể xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0% đối với các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt hoặc đang thực hiện phương án cơ cấu lại.

Và hiện tại NHNN đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 40% đến dưới 70% thì được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường; nếu từ 70% trở lên thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng một phần hai mươi 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công cụ nào để ổn định lãi suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO