Cơn bạo bệnh mang tên thanh khoản

MINH TRIỆU| 08/08/2013 08:18

Có những cổ phiếu hiện đang ở trạng thái nguy kịch không phải do giảm giá hay kết quả kinh doanh yếu kém mà bắt nguồn từ việc thanh khoản đã giảm về mức cự tiểu, thậm chí tê liệt. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ trở thành "bạo bệnh" và việc chữa trị sẽ rất khó khăn, thậm chí... vô vọng.

Cơn bạo bệnh  mang tên thanh khoản

Có những cổ phiếu hiện đang ở trạng thái nguy kịch không phải do giảm giá hay kết quả kinh doanh yếu kém mà bắt nguồn từ việc thanh khoản đã giảm về mức cự tiểu, thậm chí tê liệt. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ trở thành "bạo bệnh" và việc chữa trị sẽ rất khó khăn, thậm chí... vô vọng.

Đọc E-paper

Khi thị trường ngày một rủi ro, khắc nghiệt hơn trước, thì sự tập trung của dòng tiền sẽ ở những cổ phiếu có thanh khoản tốt. Ít nhất những cổ phiếu này cũng đảm bảo cho nhà đầu tư (NĐT) khả năng thu hồi vốn nếu có tín hiệu gì đó không thuận lợi trên thị trường hay tại chính cổ phiếu đó.

Công ty CP Du lịch - Dịch vụ Hội An hiện đang niêm yết cổ phiếu tại HOSE với mã chứng khoán HOT. Dù có cái tên ấn tượng nhưng HOT hiện có giá khoảng 23.000 đồng/cổ phiếu thường xuyên không có giao dịch. Mà ngay cả khi có giao dịch thì khối lượng cũng không đáng kể, có thể nói thanh khoản của HOT ở trạng thái đóng băng.

Có phiên giao dịch, bên bán cung hàng giá trần, thì bên mua lại đặt mua giá sàn, kết quả là chẳng có cổ phiếu nào khớp. HOT hiện có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm, Công ty lãi hơn 13 tỷ đồng, tình hình kinh doanh tương đối ổn, ngành nghề của công ty cũng có sức hấp dẫn nhất định.

Theo công bố trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn tại HOT vào khoảng 90%, điều đó cũng đồng nghĩa với lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường của HOT khá ít ỏi. HOT không phải là trường hợp cá biệt, có tiềm năng trong hoạt động, chỉ gặp vấn đề về thanh khoản.

Những cổ phiếu dạng này, trong ngắn hạn có thể vẫn không có vấn đề gì, nhưng nếu nhìn về dài hạn thì không phải là không có những rủi ro. Chẳng hạn nếu những cổ đông hiện tại muốn thoái vốn thì sao? Nếu là cổ đông lớn, có thể bán cổ phiếu lô lớn cho các NĐT khác, nhưng cổ đông nhỏ muốn bán ra thông qua phương thức khớp lệnh trên thị trường là không dễ.

Bởi lẽ, một NĐT thông thường, nhìn vào một cổ phiếu, dù tiềm năng đến đâu nhưng không có thanh khoản thì cũng khó lòng yên tâm mua vào. Chưa kể, nếu sau này, nếu cần phát hành, huy động vốn từ công chúng, thì như thế nào?

Tính thanh khoản của cổ phiếu, trong một phạm vi nào đó, cũng tỷ lệ thuận với tính đại chúng của công ty. Vậy làm sao NĐT có thể sẵn sàng mua vào một cổ phiếu có tính đại chúng thấp?

Sáu tháng đầu năm 2012, Công ty CP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông (SVT) lỗ hơn 1 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm 2013, hoạt động có khởi sắc hơn đôi chút với mức lãi xấp xỉ 1,5 tỷ đồng. SVT là cổ phiếu rất đỗi bình thường trên sàn HOSE, không nằm trong diện kiểm soát hay cảnh báo.

Nhưng các giao dịch của SVT cũng rất nghèo nàn, đan xen với vài phiên không có giao dịch là vài phiên khớp được vài trăm cổ phiếu. Có những phiên cổ phiếu này tăng trần nhưng khối lượng giao dịch cũng ở mức "cực tiểu", tức 10 cổ phiếu (1 lô cổ phiếu tại HOSE tương đương 10 cổ phiếu).

Tên tuổi làng nhàng, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật nên việc SVT rơi vào quên lãng cũng là điều dễ hiểu. Mới hôm đầu tháng 8, Công ty CP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải công bố thông tin chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%.

Điều này cho thấy TCO ít nhất cũng có dòng tiền và hoạt động ổn định, nhưng cổ phiếu này lại thường xuyên mất thanh khoản. Cũng như SVT, TCO cũng là một cái tên khá chìm trên sàn.

Điều đáng xem xét hơn là những hiện tượng "hụt" thanh khoản rất bất ngờ. Trước tháng 7, Công ty CP Liên doanh Sana WMT (ASA) có thanh khoản đều đặn với vài chục ngàn cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.

Nhưng kể từ ngày 5/7 cho đến hết tháng 7, ASA không có một giao dịch nào. ASA đã công bố báo cáo tài chính quý II có lãi, báo cáo quản trị đầy đủ. Tại sao người mua kẻ bán đối với ASA lại đột ngột "nghỉ chơi" một cách đồng loạt như vậy?

Có thể lý giải thanh khoản giảm bắt nguồn từ thị trường, từ quan điểm, thị hiếu của NĐT. Nhưng trong một chừng mực nào đó nó cũng cho thấy một sự buông xuôi của doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ, các DN vẫn có nhiều cách để đảm bảo sự hiện diện của mình trong mắt các NĐT.

Nếu các DN chủ động công bố thông tin, lãnh đạo DN chủ trương minh bạch thì không có lý gì cổ đông lại không chú ý. Nhưng tại nhiều cổ phiếu có thanh khoản kém, những động thái, có thể nói là không khó để thực hiện, đã không xảy ra.

Theo thời gian, sự thanh lọc của thị trường sẽ không chỉ dừng ở những DN yếu kém mà sẽ đi đến những DN không chịu, hoặc không biết cách cởi mở để tiếp cận với thị trường.

Nói cách khác thì chính các DN này đã lãng phí cơ hội khi niêm yết, đó là tiếp cận với NĐT nên phải nhận lấy hậu quả. Duy trì thanh khoản của cổ phiếu không khó, thậm chí khá dễ, nhưng nếu cổ phiếu đã ở trạng thái tê liệt thanh khoản, thì việc lấy lại những gì đã mất là không đơn giản chút nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơn bạo bệnh mang tên thanh khoản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO