Có “quá độ” ngân hàng bán lẻ”?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân, Đại học Libre de Bruxelles (Bỉ)| 09/09/2010 06:06

Gần 70% lợi nhuận của ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng. Vì thế, một sự thay đổi nhỏ trong chính sách cũng làm thay đổi nguồn lợi nhuận này.

Có “quá độ” ngân hàng bán lẻ”?

Gần 70% lợi nhuận của ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng. Vì thế, một sự thay đổi nhỏ trong chính sách cũng làm thay đổi nguồn lợi nhuận này. Thực tế đã kiểm chứng việc siết lại tăng trưởng tín dụng cũng như tác động của Thông tư 13 về yêu cầu tăng tỷ lệ an toàn vốn, khiến nhiều ngân hàng khó đạt chỉ tiêu lợi nhuận, và trong tương lai, mức sinh lời của khu vực NH cũng có thể sẽ giảm.

Vậy nên chăng các ngân hàng (NH) nên giảm tín dụng để tăng cường các mảng khác? Nhìn lại cơ cấu 30% lợi nhuận còn lại của các NH (ngoại trừ tín dụng), thì nguồn thu có thể đến từ chứng khoán, vàng và các mảng dịch vụ. Nhưng chứng khoán bấp bênh và sàn vàng đóng cửa khiến các NH nội địa đang đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ NH bán lẻ. Vì vậy, giai đoạn 2009-2010 đã chứng kiến cuộc đua chiến lược “NH bán lẻ”.

Các NH Việt Nam đang chạy đua phát triển mảng dịch vụ bán lẻ - Ảnh Quý Hòa

Nghịch lý là trong khi chỉ chưa đến 10% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ NH bán lẻ, thì có đến gần 50% trong tổng số 102 NH đang phải chạy “marathon” trong lĩnh vực này. Đó là chưa tính đến số lượng các NH Việt Nam dường như đang quá nhiều, thừa lượng thiếu chất.

Chiến lược NH bán lẻ của các NH quốc tế như HSBC, ANZ... một phần nào đó có thể được xem là quảng bá thương hiệu. Bởi vì, cơ cấu lợi nhuận lớn của các NH ngoại vẫn đến từ các hoạt động kinh doanh ngoại tệ và ngân quỹ. Trong khi đó, với các NH Việt Nam lúc này, nguồn thu của dịch vụ NH bán lẻ quyết định một phần sự sống còn.

Chính vì có sự mất cân đối giữa NH nội và ngoại, cũng như độ lệch giữa cung và cầu trong dịch vụ NH bán lẻ, đã khiến các NH càng phải chạy đua giành thị phần khiến thị trường NH bán lẻ đang phát triển “hỗn loạn”.

Sự hỗn loạn được minh chứng bằng việc các NH nội địa mở rộng chi nhánh liên tục trong 2 năm qua. Những NH cổ phầân thương mại trong nhóm “top” như ACB, Sacombank, Techcombank, Đông Á, ABBank... cũng liên tục mở rộng chi nhánh và nỗ lực biến dịch vụ NH bán lẻ thành các “siêu thị tài chính” đa chủng loại, từ tiết kiệm, thanh toán, các loại hình cho vay tiêu dùng, đến ngay cả tư vấn tài chính và đầu tư cho những khách hàng cá nhân, VIP.

Không thể phủ định tổng doanh thu NH bán lẻ tại Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 10%, trong khi với các nước đang phát triển là khoảng 50%, nhưng việc phát triển chưa bắt kịp với nhu cầu khiến thực trạng thừa cung, có thể không phải trong ngắn hạn đang xảy ra. Nhưng dường như các NH cũng không thể làm gì khác ngoài việc phải dùng vốn huy động (bắt đầu tư giai đoạn các NH tăng vốn theo chỉ tiêu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay) vào việc “giải ngân” các chi nhánh, phục vụ chiến lược bán lẻ.

Từ đây hình thành nên một bối cảnh “quá độ” của NH bán lẻ: tín dụng thắt chặt, bán lẻ phải tăng cường, khi bán lẻ tăng cường, cung lại quá cầu. Liệu sẽ có một cuộc “tái cấu trúc” nghiễm nhiên không chủ đích của các NH để hoàn tất “độ trễ”, tiến đến một nền dịch vụ NH bán lẻ hiện đại? Khó mà đưa ra một lời đáp cụ thể, nhưng có thể chắc rằng, 25 NH hiện tại, chưa tăng đủ vốn 3.000 tỷ đồng, sau khi tăng xong sẽ nhanh chóng “phình nở” trong sân chơi bán lẻ, và như vậy, tiếp tục gây áp lực lên câu chuyện “thừa cung”.

Bài học về số lượng và chất lượng các NH và dịch vụ NH bán lẻ ở Thái Lan đã cho thấy, nếu theo cách hiểu lượng, chất hài hòa, thì nên chăng, số lượng NH cần được tinh giản và chất lượng sẽ phải được tăng cường. Mua bán sáp nhập (M&A) hoặc phải phá sản là “liều thuốc” tinh lọc thị trường.

Nhưng M&A trong bổi cảnh này cũng không dễ dàng khi NH Việt Nam đã không còn là lựa chọn duy nhất của các NH nước ngoài với những cam kết của WTO, và cổ phiếu NH cũng đã trở nên kém hấp dẫn. Chẳng hạn, ANZ đã thoái vốn khỏi Sacombank, giá các cổ phiếu NH niêm yết đã giảm khoảng 30%, giá các NH chưa niêm yết như NH Kiên Long, Nam Á giao dịch dưới cả mệnh giá.

Như vậy, hơn lúc nào hết, câu chuyện NH bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục, ít nhất trong 12 tháng tới, là chuyện “lỡ đà phải tiến” của các NH. Từ đây, trở lại với bài toán đau đầu của các NH: làm sao để tạo nên chiến lược khác biệt để tăng lợi thế cạnh tranh cho chính mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có “quá độ” ngân hàng bán lẻ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO