Cổ phiếu ngân hàng: Ngoái đầu nhìn lại

HOÀNG VŨ| 14/03/2012 06:57

Đã lâu rồi, cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) mới lại đồng loạt nổi sóng trên diện rộng như hồi 2006-2007. Đâu là yếu tố giúp nhóm CP “vua” này trở lại mạnh mẽ như vậy?

Cổ phiếu ngân hàng: Ngoái đầu nhìn lại

Đã lâu rồi, cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) mới lại đồng loạt nổi sóng trên diện rộng như hồi 2006-2007. Đâu là yếu tố giúp nhóm CP “vua” này trở lại mạnh mẽ như vậy?

Thông tin cũ, cách nhìn mới

Con số lãi trước thuế năm 2011 đạt gần 8.400 tỷ đồng của VietinBank (CTG) là một trong những điểm sáng nhất của ngành NH. Tuy nhiên, việc Habubank (HBB) lỗ 41,7 tỷ đồng trong quý IV vừa rồi lại tạo ra sắc thái ngược lại, ít nhiều gây lo lắng cho nhà đầu tư (NĐT).

HBB thực chất cũng chỉ lỗ trong quý cuối cùng của năm 2011, còn lũy kế cả năm vẫn lãi trước thuế hơn 430 tỷ đồng. Trong nửa cuối tháng 2, HBB đã tăng giá từ 4.200 đồng/CP lên 6.300 đồng/CP, tỷ lệ tăng 50%.

Trong cùng khoảng thời gian này, EIB “chỉ” tăng 30%, MBB (của NH TMCP Quân Đội) tăng khoảng 28%, kém hơn hẳn so với HBB. Đặt lên bàn cân về thương hiệu, quy mô hoạt động thì khó có thể nói HBB có thể sánh bằng EIB hay MBB.

Qua đây, có thể thấy tình hình kinh doanh của các NH không phải là vấn đề bây giờ thị trường mới nhận diện mà đã có từ rất lâu. Hay như việc CP NH được định giá thấp, thanh khoản tốt, thích hợp cho đầu tư lâu dài cũng không phải điều gì đó mới mẻ với những nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Những điều quen thuộc như vậy chỉ giúp CP định hình cục diện, thay vì đóng vai trò như chất xúc tác để tạo ra những đợt tăng khủng. Không khó để nhận diện những chất xúc tác chính khiến CP NH nổi sóng.

Những thông tin liên quan đến vấn đề “thâu tóm cổ phần” giữa Eximbank và Sacombank cũng là chất xúc tác cho thị trường. Thông tin này không phải là mới, kể cả tin đồn lẫn chính thức mà đã có từ năm trước, hệ quả chính là việc STB tăng giá 50% trong 6 tháng cuối năm nhưng lại được phát triển ngày một ly kỳ hơn.

Kèm theo đó, thị trường chứng khoán nổi sóng trong những tháng đầu năm 2012 nên tác dụng đem lại đã tăng lên gấp bội. Ở đây, không nói đến vấn đề đúng sai hay kết quả như thế nào, nhưng khi hưng phấn, thì một thông tin nào đó dù chỉ bình thường, cũ kỹ, cũng có thể được suy diễn là tốt.

Việc STB và EIB nằm trong nhóm “ngũ bá”, tức 5 CP chiếm tỷ trọng lớn nhất 10% trong rổ tính chỉ số VN30 của HOSE. Điều này sẽ thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư theo chỉ số của thị trường và được gia tăng sức cầu.

Ngoài ra, MBB cũng đang lọt vào rổ mô phỏng chỉ số chứng khoán của một số quỹ ETF cũng khiến cho lực cầu tăng khủng.

Nghe tin, nhìn tiền

Đầu tuần trước, trong bản tin giữa ngày, Công ty Chứng khoán Kim Eng đưa ra nhận định: “NH SHB bất ngờ được gia tăng hạn mức tín dụng từ 15% lên 17%. Tin này sẽ là một nhân tố thúc đẩy động lực giá lên đối với cổ phiếu NH này trong ngắn hạn”.

Có thể nói, đây là một nhận định rất phù hợp với tâm lý chung hiện nay của NĐT. CP NH đang trở thành tâm điểm của thị trường, những người khi đã không mua được giá rẻ ngay từ đầu, thì mua ngay về sau sẽ buộc phải tìm những thông tin có tính chất hỗ trợ mang tính chất “cơ bản, có nền tảng” để hướng đến sự ổn định.

Mặt khác, nhiều NĐT cũng thay đổi suy nghĩ, thay vì tìm thông tin về “đội lái”, hay yếu tố làm giá, giờ đây chọn những thông tin cơ bản có thể xem là cách đầu tư ổn định, lâu dài. Mà CP NH luôn là một trong những điển hình cho hoạt động đầu tư dài hạn.

Một điều khá lý thú ở đây là khi đặt ra câu hỏi “sóng CP NH sẽ mạnh đến đâu?”, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường đều tỏ ra e dè. Câu trả lời thường được đưa ra là “sóng mạnh, tiền nhiều, chưa biết đỉnh”.

Thực tế, nếu nhìn vào dòng tiền tham gia CP NH và các mức định giá như hiện nay, nói CP NH rẻ cũng đúng, mà đắt cũng chẳng sai. Tính từ tháng 6 năm ngoái, cho đến hết tháng 2 này STB tăng giá 100%, từ mức 10.000 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP, một tỷ lệ tăng rất khủng.

Tuy nhiên, khi hưng phấn, nhiều NĐT còn kỳ vọng STB có thể tăng đến... 40.000 đồng/CP.

Như vậy, dựa vào giá và kỳ vọng, e rằng khó bắt mạch được sóng của CP NH, mà nên xem xét thực tế hơn, đó chính là yếu tố dòng tiền. Đối với NĐT, dòng tiền tăng sẽ khiến áp lực chốt lời giảm, đồng thời kéo thêm những dòng tiền mới.

Như vậy, người mua nếu không kỳ vọng CP tăng mạnh thì cũng có thể an tâm rằng, với thanh khoản như vậy, khi cần chốt lời hoặc cắt lỗ cũng không khó khăn. Một phần nào đó, nếu dòng tiền vẫn được duy trì thì chí ít diễn biến của CP cũng sẽ ổn định.

Như vậy, khi dòng tiền tham gia thị trường chung vẫn ổn định nói chung và vẫn hoạt động mạnh trên nhóm CP NH nói riêng, khả năng sinh lãi của NĐT vẫn còn.

Tuy nhiên, không thể kỳ vọng mãi vào việc mua CP chờ đến ngày T+4 để chốt lời, vì CP rồi cũng phải có đỉnh và khả năng sau những đợt sóng mạnh sẽ là một thời kỳ tích lũy hoặc điều chỉnh. Và như vậy, NĐT cần phải tinh ý xác định khả năng nào sẽ xảy ra để có thể hành động chính xác.

Nếu nhận định thời kỳ phân phối đỉnh và có khả năng giảm mạnh, việc bán lập tức là điều đương nhiên. Tuy nhiên, nếu chỉ là đợt tích luỹ để hình thành mặt bằng giá mới thì cần phải phân tích và chờ đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu ngân hàng: Ngoái đầu nhìn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO