Cổ phiếu HPG: Có nên giữ khi giá thấp?

HÀ LINH| 27/04/2016 08:38

Dù kinh doanh tốt trong năm 2015, song năm 2016, do nhận định thị trường còn khó khăn nên HPG thận trọng đặt kế hoạch kinh doanh tăng nhẹ so với 2016.

Cổ phiếu HPG: Có nên giữ khi giá thấp?

Cách đây gần 1 tháng, trong ĐHĐCĐ của Thép Hòa Phát (HPG), Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã phát biểu rằng "giá trị của HPG đang thấp hơn giá trị thực".  

Đọc E-paper

Ông nói điều này để trấn an cổ đông dù cổ phiếu Hòa Phát ở mức thấp nhưng cơ hội để đầu tư vào cổ phiếu này là rất lớn trong tương lai. Cụ thể hơn, sau khi kiểm toán, doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 27.864 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.990 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.504 tỷ đồng.

Về lý thuyết, do thị trường bất động sản ấm lên nên sản lượng sản xuất thép tăng, tạo đà tăng trưởng cho cổ phiếu này là có thực. Thậm chí, việc sản xuất thép luôn đóng góp 79% doanh thu và 82% lợi nhuận tại HPG nên người đứng đầu Công ty có cơ sở để khẳng định quyền lợi của cổ đông tham gia vào HPG.

Với những gì đạt được, thực tế nhiều cổ đông hào hứng khi kết quả kinh doanh năm qua của Hòa Phát tốt hơn, dù thị trường khó khăn. Song, một cổ đông băn khoăn về chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 quá "khiêm tốn" so với quy mô vốn, mức tăng trưởng cao và đang mở rộng đầu tư nhiều dự án ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, sản xuất thép, bất động sản...

Thêm nữa, một số cổ đông cũng bày tỏ lo ngại, giá cổ phiếu HPG liên tục giảm sâu trong 2 năm gần đây và bị "cú sốc" lao dốc hồi đầu năm.

Khi Hòa Phát công bố tin tốt về kết quả kinh doanh năm 2015, giá HPG mới hồi phục, hiện giao dịch ở mức trên 30.000 đồng/cp. Từ đây, nhiều cổ đông mong muốn Ban lãnh đạo Hòa Phát có giải pháp đẩy giá cổ phiếu lên cao. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh thấp hơn sẽ gây tâm lý lo sợ cho nhà đầu tư về triển vọng cổ phiếu HPG tăng trở lại...

Thực ra, những băn khoăn lo lắng của cổ đông cũng có cơ sở vì gần đây, nhiều DN làm ăn tốt nhưng giá cổ phiếu không thể tăng tương ứng, gây thiệt thòi cho nhà đầu tư.

Đối với cổ phiếu HPG cũng vậy, dù kinh doanh tốt trong năm 2015, song năm 2016, do nhận định thị trường còn khó khăn, nên HPG thận trọng đặt kế hoạch kinh doanh tăng nhẹ so với 2016. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý đối với cổ phiếu này là cổ tức luôn duy trì ở mức cao, khoảng 30% (tương đương 2015).

Chưa kể, HPG đã công bố kế hoạch thâm nhập thị trường tôn mạ tại phía Bắc bằng việc xây một nhà máy mới sản xuất tôn mạ với tổng công suất là 400.000 tấn/năm và mức vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Sản phẩm sẽ gồm: tôn tẩy gỉ, tôn cán nguội, tôn mạ lạnh, mạ kẽm và sơn màu. Sản phẩm sẽ được tiêu thụ tại thị trường phía Bắc.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán HSC, dự án này gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (P1) khởi công xây dựng trong tháng 5 năm nay và dự kiến hoàn thiện và bán những sản phẩm đầu tiên vào đầu năm 2018, sau 18 tháng xây dựng. Công suất của P1 là khoảng 200.000 tấn/năm với chi phí đầu tư khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (P2) sẽ khởi công xây dựng khi P1 đã hoạt động trong một thời gian. Công ty cho biết, 50 - 80% vốn đầu tư cho dự án này là vốn nội bộ trong khi đó phần còn lại 20 - 50% sẽ là từ vốn vay.

Quan điểm ngành cho thấy tiềm năng tại thị trường phía Bắc - nhu cầu đối với toàn bộ phân khúc tôn là khoảng 2,5 - 2,8 triệu tấn/năm. Trong khi đó, công suất thiết kế trong nước là 3,2 - 3,5 triệu tấn/năm. Như vậy, có sự dư cung trong phân khúc này.

Đối với các nhà sản xuất thép quy mô lớn, thị trường có HSG, NKG, Đông Á với lợi thế kinh tế về quy mô chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, trong khu vực phía Bắc, chỉ có hai nhà sản xuất là Tôn mạ VN Steel Thăng Long VN với công suất chỉ là 50.000 TPA và Thép Việt Mỹ (đang trong quá trình xây dựng).

Phần lớn các nhà máy tôn lớn nằm tại khu vực phía Nam và đây cũng chính là khu vực có mức cầu lớn nhất. Tuy nhiên, cầu đối với các sản phẩm tôn tại miền Bắc gần đây đã tăng lên nhờ những thay đổi trong thói quen sử dụng tôn là vật liệu xây dựng nhà. Đồng thời là sự gia tăng các nhà máy FDI tại đây, ưu tiên của HPG đối với phân khúc sản phẩm mới này sẽ là bắt đầu từ thị trường phía Bắc.

So với công suất tôn hiện tại của HSG, quy mô sản xuất tôn của HPG còn hạn chế - Công suất của P1 chỉ là 200.000 TPA, là mức khá nhỏ so với công suất hiện tại của HSG là 1,22 triệu tấn/năm. Rõ ràng, đây sẽ mức công suất lớn đối với thị trường phía Bắc.

Trong khi đó, HSG cũng đang xây dựng một nhà máy tôn tại Nghệ An. Do đó, từ năm 2018 trở đi, tổng công suất tôn của khu vực phía Bắc sẽ tăng lên đáng kể vào khoảng 1 triệu tấn với sự tham gia sản xuất tại miền Bắc từ HPG, HSG, Tôn mạ VN Steel Thăng Long và Thép Mỹ Việt.

Sau khi hoàn thành, dự án này giúp HPG mở rộng thị phần trong ngành thép bằng cách giới thiệu các sản phẩm mới. Giới phân tích tin HPG sẽ trở thành một đơn vị cung cấp tôn chủ chốt trong 2 - 3 năm tới đối với thị trường phía Bắc.

Sự mở rộng này cũng giúp HPG tích hợp hệ thống chuỗi giá trị trong sản xuất các sản phẩm ống thép, là sản phẩm truyền thống chủ chốt thứ hai của HPG. Theo đó, mua vào cổ phiếu HPG là điều mà nhà đầu tư nên cân nhắc.

>Cổ phiếu BTW: Có còn hấp dẫn?

>STK và VGG: Ai lợi thế hơn khi TPP có hiệu lực?

>Cổ phiếu REE: Sự chững lại nhất thời?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu HPG: Có nên giữ khi giá thấp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO