Có nên mua lại cổ phiếu dệt may, thủy sản?

HOÀNG LONG| 22/08/2015 03:02

Những thông tin về tiến trình đàm phán TPP luôn có tác động nhất định đến giá cổ phiếu các ngành có liên quan như dệt may và thủy sản trong năm nay.

Có nên mua lại cổ phiếu dệt may, thủy sản?

Những thông tin về tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) luôn có tác động nhất định đến giá cổ phiếu các ngành có liên quan như dệt may và thủy sản trong năm nay.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, diễn biến trong tháng 7 của nhóm cổ phiếu này cho thấy sự tham gia rõ nét của dòng tiền đầu cơ khi các cổ phiếu như TCM, TNG, VHC, HVG... đều đồng loạt tăng mạnh sau đó quay đầu sụt giảm trong tháng 7 với giao dịch có phần đột biến so với mức trung bình các tháng gần đây.

Chỉ trong hai ngày đầu tháng 8, HVG đã giảm 10,0%, TCM 9%, TNG 8,4%, FMC 4,9% và VHC 4,2%. Với diễn biến này, các cổ phiếu nói trên có lẽ sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể bước tiếp.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu 2015 vào khoảng 1,7 tỷ USD (+5%), trong đó kim ngạch quý III dự báo đạt gần 452 triệu USD và quý IV là gần 496 triệu USD. Đồng thời, hiệp hội này nhận định ngành thủy sản Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ các hiệp định FTA hơn là TPP.

Cụ thể, Hàn Quốc cam kết sẽ miễn thuế cho 2.000-10.000 tấn tôm Việt Nam từ 2016 và đến năm 2022 là 16.000 tấn, tôm và cá tra xuất sang Nga-Belarus-Khazastan cũng sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10%.

Đối với ngành này, giới phân tích đánh giá cao những doanh nghiệp (DN) có vùng nuôi lớn và khả năng tự cung ứng tốt như VHC (65% nhu cầu nguyên liệu), HVG (65-70% nhu cầu nguyên liệu) và FMC (10% nhu cầu nguyên liệu và dự kiến đến năm 2020, sẽ tăng lên 19%).

Tương tự, đối với DN dệt may, năng lực sản xuất và số lượng đơn hàng ổn định cũng là yếu tố quyết định. TNG vừa vận hành giai đoạn 1 nhà máy Đại Từ, công suất 35 chuyền may trong tháng 2, TCM cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy Vĩnh Long 9,6 triệu sản phẩm/năm tại KCN Hòa Phú, Vĩnh Long trong tháng 6.

GMC đang có kế hoạch nâng công suất nhà máy An Phú (Hóc Môn) từ 15 chuyền lên 17 chuyền vào 2016 và lên 18 chuyền trong 2018; nhà máy Hà Lam cũng có thể mở rộng công suất lên 16 chuyền (+50%) trong năm nay và lên 20 chuyền trong ba năm tới.

Công suất mở rộng sẽ cho phép DN nắm bắt sự tăng trưởng về nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu hàng dệt may ngay cả khi TPP bị trì hoãn.

Việc cổ phiếu giảm sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở góc độ khác, các nhà phân tích của VDSC tin rằng, những phản ứng tiêu cực có phần thái quá của thị trường đối với thông tin đàm phán TPP có thể sẽ mở ra cơ hội mua giá thấp cho những nhà đầu tư trung và dài hạn.

Với những nhận định lạc quan về triển vọng trong 6 tháng cuối năm 2015 và 2016, ngành dệt may và thủy sản vẫn là những nhóm ngành hấp dẫn để đầu tư, tất nhiên là với một mức giá hợp lý.

Nhìn chung, đối với các DN dệt may có thị trường xuất khẩu chính là các nước trong TPP, EU và Hàn Quốc, giới chuyên môn khuyên nên để ý đến DN có quy mô sản xuất lớn, công nghệ tốt và có dự án đầu tư mở rộng sắp hoàn thành.

Lý do, những DN này có triển vọng tăng trưởng tốt hơn nhờ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn và các yêu cầu khắt khe về chất lượng và xuất xứ sản phẩm.

Thêm vào đó, do đặc thù của ngành dệt may là sử dụng nhiều nhân công, nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn DN có năng lực quản lý sản xuất tốt, thể hiện qua khả năng sắp xếp và cải tiến các khâu sản xuất để cải thiện năng suất và gia tăng biên lợi nhuận.

Còn đối với nhóm ngành thủy sản, cần lựa chọn DN có mô hình khép kín hoặc có quy trình chuyên nghiệp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm từ con giống đến đầu ra cuối cùng.

Đặc biệt, DN có kế hoạch nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi cũng như đầu tư mở rộng khả năng sản xuất và tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm...

>5 tháng đầu 2015, ngành dệt may chi 712 triệu USD nhập khẩu bông

>Dệt may thay mô hình đón chào TPP

>Xuất khẩu thủy sản: Tôm vui để buồn cho cá

>Siết trọng tải, doanh nghiệp thủy sản gặp khó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có nên mua lại cổ phiếu dệt may, thủy sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO