CNY vào SDR tác động ra sao đến tỷ giá VND/USD?

LINH CHI| 10/12/2015 01:43

Chính sách tỷ giá của Việt Nam bị tác động lớn khi đồng USD, Nhân dân tệ (CNY) thay đổi về giá trị.

CNY vào SDR tác động ra sao đến tỷ giá VND/USD?

Chính sách tỷ giá của Việt Nam bị tác động lớn khi đồng USD, Nhân dân tệ (CNY) thay đổi về giá trị. 

Đọc E-paper

Trong năm 2015, kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều thông tin tích cực từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, tăng trưởng GDP cao nhất 5 năm, lãi suất cho vay giảm thấp, tỷ giá khá ổn định, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 3%.

Đặc biệt, năm 2015 đánh dấu những bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các khu vực kinh tế quan trọng như TPP, FTA, AEC...

Tuy nhiên, sau giai đoạn ổn định về tình hình tài chính, dường như yếu tố tỷ giá lại có phần biến động mạnh vào thời điểm cuối năm. Đáng chú ý, chỉ riêng 4 ngày đầu tháng 12, tỷ giá có lúc tăng giảm nhưng nhìn chung, xu hướng tăng trở lại.

Từ đây, một số ý kiến cho rằng, biểu hiện căng thẳng liên quan đến tỷ giá đã không hẳn chỉ từ yếu tố tâm lý mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là yếu tố bên ngoài.

Trước hết, theo nhận định của HSBC Việt Nam, thâm hụt thương mại nới rộng phản ánh nhập khẩu vượt xa xuất khẩu. Sau 11 tháng đầu, cân đối này đã thể hiện rõ, tạo khác biệt lớn so với năm 2014.

Đây cũng chính là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá. Xuất khẩu của Việt Nam, theo báo cáo HSBC, có thể sẽ ở trạng thái "uể oải" suốt quý 1/2016, sau khi tốc độ tăng trưởng kém đi trong 11 tháng của năm 2015 - đầu năm nay; đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang ở mức thấp trong bốn tháng qua.

Xu hướng này đang gợi nhớ lại một quan điểm từng có trong năm 2012 - 2013 rằng, tỷ giá USD/VND được bình ổn một phần do kinh tế khó khăn và nhu cầu nhập khẩu hạn chế. Về tổng thể, báo cáo của HSBC dự báo năm 2016 sẽ có áp lực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá.

Ở góc độ cân đối, một số ý kiến đồng tình quan điểm mà HSBC đưa ra nhưng cho rằng đó chỉ là một phần của vấn đề.

Một số phân tích liên quan đến đồng CNY Trung Quốc đã được đưa ra minh chứng cho việc nhìn sâu hơn vào tỷ giá đang thể hiện. Đó là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, mức độ suy giảm này đang đặt ra nhiều nghi vấn.

Đặc biệt, những động thái gần đây cho thấy các nhà điều hành nước này đang dùng nhiều biện pháp để kích thích tăng trưởng thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ.

Tuy mức độ cắt giảm lãi suất/tỷ lệ dự trữ bắt buộc "mỗi lần một chút" nhưng với tần suất liên tục thì có thể thấy Trung Quốc đang theo đuổi bằng được mục tiêu tăng trưởng được đánh giá sẽ là mức tăng lý tưởng cho nền kinh tế này trong giai đoạn phát triển mới.

Hiện tại, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa bộc lộ đầy đủ hiệu quả cũng như hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ liên tục trong giai đoạn vừa qua mang lại.

Đồng thời, nhiều nhận định cho rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ chưa dừng việc cắt giảm dự trữ bắt buộc, hệ quả của chính sách này đồng nghĩa với xác suất khá cao là đồng CNY sẽ mất giá thêm trong tương lai.

Chưa kể đến yếu tố Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ bắt đầu nâng lãi suất cơ bản trong cuộc họp tháng này khiến cho đồng USD mạnh lên và gây áp lực lên đồng CNY.

Trở lại với quyết định đưa đồng CNY vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào đầu tháng 12, có một vấn đề cần lưu ý là lộ trình để các ngân hàng trung ương cơ cấu lại rổ các đồng tiền dự trữ, các nhà đầu tư chuyển đổi sang các tài sản được định giá bằng đồng CNY sẽ không diễn ra tức thời.

Do vậy, đây không được coi là yếu tố trọng yếu làm giảm mức độ mất giá của đồng CNY trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, có khả năng đồng CNY sẽ mất giá dần dần.

Những phân tích trên đưa đến một hàm ý quan trọng cho chính sách tỷ giá của Việt Nam. Đó là mức độ tương quan giữa cặp tỷ giá USD/VND và USD/CNY ngày càng cao sau đợt biến động tỷ giá vào tháng 8/2015.

Đó là lý do giới phân tích cho rằng trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải chuẩn bị cho việc mất giá từ từ của đồng CNY bằng cách đưa ra mức độ giảm giá kỳ vọng của tiền đồng để các chủ thể trong nền kinh tế có sự chuẩn bị cũng như để các đối tượng liên quan ít chịu rủi ro nhất bởi những biến động bất ngờ.

Bởi dự báo trung bình đối với tỷ giá USD/CNY của các định chế tài chính vào cuối năm 2016 là 6,8, như vậy, đồng CNY có thể mất giá thêm khoảng 6,3% so với hiện tại.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra một hướng dẫn cụ thể nào về chính sách điều hành tỷ giá trong năm 2016, có thể là do muốn chờ đợi thêm biến động thị trường sau cuộc họp của FED. Dù vậy, khả năng tiền đồng sẽ mất giá tiếp trong năm 2016 là rất cao...

>Bloomberg: Lịch sử quốc tế hóa đồng CNY của Trung Quốc

>IMF đưa đồng CNY vào giỏ tiền tệ quốc tế

>Sau CNY, đồng KRW của Hàn Quốc sẽ vào giỏ SDR?

>CNY vào SDR, tỷ giá VND/USD có tăng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CNY vào SDR tác động ra sao đến tỷ giá VND/USD?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO