Chuyến thăm của Tổng thống Obama có tác động đến TTCK?

Ý NHI| 25/05/2016 01:36

Sau 2 lần thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và G.W. Bush, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có những đợt tăng mạnh. Liệu điều ấy có lặp lại với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama?

Chuyến thăm của Tổng thống Obama có tác động đến TTCK?

Sau hai lần thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và G.W. Bush, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có những đợt tăng mạnh. Liệu điều ấy có lặp lại với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama? 

Đọc E-paper

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào ngày 17/11/2000 khi TTCK Việt Nam còn rất sơ khai và chỉ có chỉ số mô phỏng là VN-Index. Vậy nhưng, sau khoảng một tháng của chuyến thăm lịch sử ấy thì VN-Index đã có mức tăng hơn 17%, lên gần 200 điểm.

Trong chuyến công du Việt Nam năm 2006, ngày 20/11, Tổng thống G.W. Bush đã đến thăm Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và gặp gỡ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Tại đây, Tổng thống đã gõ chiêng mở cửa phiên giao dịch, đã kích thích sức mua mạnh mẽ trên thị trường nên VN-Index đã có một tháng tăng hơn 30%. Một thời gian sau, thị trường vẫn tiếp tục tăng và VN-Index tạo đỉnh cao nhất, ở mức 1.170,67 điểm trước khi suy giảm gần 5 năm do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Với chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Obama, nhiều nhà đầu tư tin tưởng thị trường phá đỉnh trung hạn 640 điểm - đỉnh của năm 2015.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Toàn - cố vấn kinh tế - tài chính - đầu tư VinaWealth Fund Management JSC (VinaCapital Group) cho biết: "Hiện tại chỉ số VN-Index đang giữ ở ngưỡng 616 điểm nhưng để lặp lại lịch sử thị trường chứng khoán tạo sóng đỉnh điểm có lẽ sẽ rất khó xảy ra và thời điểm này cũng có nhiều điều khác biệt so với hai lần trước. Do chính sách kinh tế của Việt Nam không có gì mới trong ngắn hạn trong khi TTCK tăng trưởng dựa vào chính sách kinh tế nội tại là chủ yếu".

Theo ông Toàn, năm 2006, Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO và nền kinh tế có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thu hút FDI, còn hiện nay, tâm lý thị trường thận trọng do tỷ lệ margin khá cao, nhiều cổ phiếu đang vào vùng giá "quá mua".

Giá dầu khó có thể bứt phá qua mức 50 USD/thùng, dẫn đến tâm lý chốt lời ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa mạnh nhất thị trường này. Bên cạnh đó, những khó khăn chưa xử lý xong liên quan đến kinh tế do hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và cá chết tại miền Trung có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng GDP và chỉ số CPI trong năm nay.

>>Tổng thống Obama: Mỹ bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam

Ông Toàn cho biết thêm: "Việc Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang phát triển rất tốt và sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thương mại giữa Việt Nam với các nước sẽ tiếp tục tăng. TPP được ký kết càng thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (hiện tại là 45 tỷ USD), trong đó, dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, và ngược lại. Lúc đó sự cân bằng về thương mại với các nước trong khu vực ASEAN+3 sẽ được nâng lên, giúp giảm rủi ro về nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ hàng hóa (hiện tại thương mại với Trung Quốc chiếm tỷ trọng quá cao). Đây cũng chính là thông tin tích cực đối với nhà đầu tư, vì vậy, TTCK chắc chắn sẽ tăng điểm. Tuy nhiên, vùng điểm 640 - 650 đang là ngưỡng cản rất chắc với VN-Index (chỉ duy nhất năm 2006 vượt qua được) và chắc chắn áp lực bán ra sẽ rất mạnh tại khu vực này. Bên cạnh đó, GPD quý II được công bố vào cuối tháng 6 và dự báo sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong khi CPI tăng cao hơn cùng kỳ rất nhiều. Chính vì thế, dự báo thời gian tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không được lâu".

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, năm 2016, động cơ tăng trưởng không có gì thay đổi và những ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, cảng biển, logistics, các công ty xuất khẩu thủy sản như Hùng Vương (HVG), Vĩnh Hoàn (VHC), dệt may như Thành Công (TCM), xuất khẩu gỗ Đức Thành (GDT), gỗ Trường Thành (TTF), bất động sản công nghiệp như đô thị Kinh Bắc (KBC), Tân Tạo (ITA), Long Hậu (LHG), Sonadezi Long Thành (SZL) sẽ vẫn là những ngành được hưởng lợi.

Có thể nói, chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama là chuyến thăm lịch sử làm mối quan hệ giữa Việt Nam - Mỹ trở nên toàn diện hơn và giúp mang lại luồng gió mới cho một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, TTCK chỉ phản ứng tích cực ngắn hạn trước sự kiện này và sự tăng trưởng sẽ tùy thuộc vào những nỗ lực nội tại.

>>Chủ tịch CNAS: Việt Nam là một cơ hội Washington không nên bỏ qua

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyến thăm của Tổng thống Obama có tác động đến TTCK?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO