Chừng nào có quỹ mở vốn lớn?

MINH TRIỆU| 25/05/2013 09:26

Những quỹ mở đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường nhưng vốn chỉ mới khoảng 50 tỷ đồng, và ai cũng nhìn thấy đây là một con số khá nhỏ so với quy mô của một quỹ đầu tư bình thường.

Chừng nào có quỹ mở vốn lớn?

Những quỹ mở đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường nhưng vốn chỉ mới khoảng 50 tỷ đồng, và ai cũng nhìn thấy đây là một con số khá nhỏ so với quy mô của một quỹ đầu tư bình thường.

Đọc E-paper

Chưa biết chưa muốn bỏ tiền

Hiện tại, dù nhà đầu tư (NĐT) không dồi dào về vốn như 6 - 7 năm trước nhưng khoảng chục NĐT lớn góp vốn lại để được con số 50 tỷ đồng cũng không phải là điều quá khó. Nhưng vấn đề nhiều khi không phải là chuyện nhiều hay ít tiền.

Một NĐT đã tham gia bỏ tiền vào quỹ mở cho biết do khá lạ lẫm với quỹ mở nên ban đầu anh chỉ góp thử 2 triệu đồng, mà đây cũng là một người có khá nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán.

Cứ giả sử mỗi người góp vốn 2 triệu đồng thì để đạt được con số 50 tỷ đồng thì cũng cần đến 25.000 người. Trong khi đó, một công ty niêm yết vốn cũng vài trăm tỷ đồng, thì số lượng cổ đông chỉ vài nghìn.

Dù đây chỉ là những ước tính, nhưng rõ ràng, nếu NĐT chưa quen, chưa thích và đặc biệt là chưa tin và chưa hiểu thì dù chỉ góp vốn ít nhưng cũng không dễ gì bỏ vào. Cũng theo NĐT trên, anh không quan tâm lắm đến việc khi nào lấy lại được số vốn 2 triệu đồng, cứ xem như "học phí” để tìm hiểu về quỹ mở.

Những quỹ mở đầu tiên được thành lập đều tập trung vào trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ nhằm đảm bảo thanh khoản cũng như hạn chế rủi ro, sẽ dẫn đến lợi nhuận chỉ ổn định ở một mức nào đó và khó đột biến.

Vậy nên nhu cầu vốn lớn để có thể xoay vòng vốn, hoặc đầu tư có chiến lược, bài bản và thời gian dài là điều bắt buộc nhưng để giải quyết vấn đề lại không dễ.

Gọi được vốn cho một quỹ 50 tỷ đồng, tương đương 2,5 triệu USD đã không đơn giản, nên việc thành lập một quỹ có vốn khoảng 25-50 triệu USD càng khó gấp bội, mà thực ra thì số vốn này cũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí là nhỏ. Một số ETF, cũng hoạt động theo hình thức quỹ mở, vốn lên đến hàng trăm triệu USD.

Từng bước giải quyết

Thực ra, để đảm bảo được về mặt con số thì việc có những quỹ mở vốn vài trăm tỷ đồng trong thời gian tới không khó. Với những công ty quản lý quỹ trực thuộc các tập đoàn tài chính lớn, ngân hàng hay bảo hiểm thì điều này càng đơn giản hơn nữa. Chẳng hạn, việc một số tập đoàn bảo hiểm, đều có bộ phận đầu tư về trái phiếu, nhất là trái phiếu chính phủ.

Vậy nên, chỉ cần các tập đoàn mẹ "điều chuyển" một phần vốn cho các quỹ mở mà mình mới thành lập thì có thể lập tức giải quyết vấn đề vốn, 500 hay thậm chí 1.000 tỷ đồng cũng không phải là cái mốc quá khó để đạt được.

Nhưng sẽ rất "khó coi" nếu có hiện tượng tập đoàn A có công ty quản lý quỹ A1 lập ra quỹ mở A2 mà vốn góp vào phần lớn lại thuộc về A. Việc này chẳng khác nào tự mình thành lập quỹ rồi bỏ vốn của mình, xem như chia nhỏ số vốn và thậm chí còn tốn kém chi phí mà không có được nguồn thu từ bên ngoài.

Mục đích cuối cùng vẫn phải là thu hút được vốn từ các NĐT ngoài vì nhiều nguồn vốn thì mới có thể kết hợp với nhau tạo ra giá trị cộng hưởng.

Như vậy, các quỹ mở tiếp theo sẽ gặp không ít thách thức trong việc chào bán chứng chỉ quỹ để gia tăng quy mô vốn, trong ngắn hạn thì vốn có thể phải nâng lên con số hàng trăm tỷ đồng. Đây thậm chí là điều bắt buộc vì nếu các quỹ mở mà vốn chỉ vài chục tỷ đồng thì tìm đâu ra điểm khác biệt để mà thu hút NĐT.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề có thể khiến NĐT lấn cấn là với những quỹ mở chuyên đầu tư trái phiếu thì lợi nhuận nhiều khi không hấp dẫn bằng cổ phiếu, chỉ cần một phiên cổ phiếu tăng trần tại sàn HNX thì lợi nhuận đã đạt 10% trong khi quỹ mở cả năm cũng chỉ lãi ở mức này hoặc hơn đôi chút.

Không thể một sớm một chiều mà NĐT có thể thay đổi suy nghĩ, sẵn sàng để một phần tiền của mình vào quỹ mở để đảm bảo an toàn. Mà phải có nhiều người suy nghĩ như vậy thì vốn quỹ mở mới tăng được, từ đó mới có các quỹ mở vốn lớn.

Vậy nên, trong ngắn hạn, khả năng xuất hiện đồng loạt những quỹ mở vốn lớn là khó xảy ra, thay vào đó quy mô sẽ tăng tiến từ từ, thậm chí là khá chậm. Nhưng chậm mà chắc còn hơn nhanh mà kém hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chừng nào có quỹ mở vốn lớn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO