Chứng khoán và nỗi lo giảm điểm

KHÁNH PHƯƠNG| 06/03/2019 08:29

Sau đợt tăng mạnh kể từ sau Tết đến nay, TTCK đang có dấu hiệu suy yếu trở lại khi không thể chinh phục ngưỡng 1.000 điểm. Theo đó, tâm lý chốt lời của nhà đầu tư ngày càng tăng...

Chứng khoán và nỗi lo giảm điểm

Gặp khó trước mốc 1.000 điểm

Khi các nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể chinh phục trở lại mốc 1.000 điểm trong đợt phục hồi này, thì thực tế cho thấy đây vẫn là mốc kháng cự "khó chịu" đối với thị trường. Trong ngày 25/2, VN-Index "hừng hực khí thế” hướng đến phiên thứ 6 tăng điểm liên tiếp và có lúc đạt tới mức cao nhất trong ngày là 999,90 điểm, tuy nhiên đã không thể chạm đến mốc 1.000 điểm và sau đó rớt trở lại.

Việc không bứt phá thành công ngưỡng kháng cự và cũng không giữ được mức cao đã khiến VN-Index điều chỉnh giảm ngay phiên sau đó, trước áp lực bán chốt lời tăng lên. Tuy nhiên mức giảm hơn 7 điểm trong ngày 26/2 chưa là gì so với mức lao dốc gần 25 điểm trong phiên 28/2, ngày mà Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã kết thúc theo một kịch bản không ai mong muốn, khi lãnh đạo hai nước không đạt được thỏa thuận nào và kết thúc sớm hội nghị so với kế hoạch.

Nỗi lo điều chỉnh đang lớn dần là điều có thể nhận thấy trong tâm lý thị trường hiện nay, khi mà áp lực chốt lời có dấu hiệu gia tăng, thể hiện qua những phiên thanh khoản tăng vọt nhưng điểm số dần suy yếu, thậm chí có phiên lao dốc mạnh. Ngược lại, những nhà đầu tư đã sớm thoát khỏi thị trường sẽ chưa vội tham gia trở lại, mà có tâm lý chờ đợi chỉ số nói chung và giá cổ phiếu nói riêng sẽ trở lại mức phù hợp, do đó lực mua ít nhiều bị ảnh hưởng.

Thực tế những phiên tăng điểm càng về cuối tháng 2 chủ yếu chỉ nhờ vào việc kéo cổ phiếu vốn hóa lớn, dẫn đến hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" trở nên phổ biến, do đó đà tăng khó bền vững nếu xu hướng trên tiếp tục là điều có thể thấy trước. Bởi vì một khi các cổ phiếu trụ này suy yếu, thị trường tất yếu phải điều chỉnh và tâm lý bi quan quay trở lại.

Tính đến phiên ngày 1/3, khối ngoại đã có 4 phiên bán ròng liên tiếp, với tổng giá trị bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng, riêng mã VGC đã bị bán ròng xấp xỉ 963 tỷ đồng. Động thái của khối ngoại càng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý thị trường vốn đang dễ tổn thương trong giai đoạn hiện nay.

Dù trong phiên cuối tuần qua, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 14 điểm, lấy lại được phần nào giá trị bốc hơi" sau phiên lao dốc mạnh trước đó, nhưng thanh khoản "tụt áp" mạnh khi khối lượng giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt xấp xỉ 170 triệu cổ phiếu, giảm hơn 24% so với phiên trước đó và không còn duy trì được trên mốc 200 triệu cổ phiếu/ phiên. Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang e ngại và nghi ngờ về bẫy tăng giá. Và nếu điều đó trở thành sự thật thì đợt điều chỉnh có thể sẽ chưa sớm kết thúc.

Nhiều yếu tố tiêu cực

Ngoài áp lực chốt lời, dĩ nhiên hiện tại thị trường phải gánh chịu nhiều yếu tố tiêu cực khác. Đầu tiên là thị trường chứng khoán Mỹ sau giai đoạn tăng mạnh suốt hai tháng qua đã có dấu hiệu chốt lời, với những phiên đi xuống liên tiếp trong tuần qua.

Mặc dù Mỹ đã quyết định dỡ bỏ thời hạn nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, mà dự kiến được thực hiện từ đầu tháng 3 này, nhưng thông tin tích cực đó dường như đã phản ánh đầy đủ vào thị trường trong đợt tăng giá vừa qua và giờ không còn tác động nữa.

Trong khi đó, căng thẳng địa - chính trị lại bùng phát trở lại, lần này là đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir, khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng.

Như đã nói, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc mà không đạt được kết quả cũng gây thất vọng, khi các dự báo trước đó đều khá lạc quan. Thực tế là sự kiện này ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam còn hơn Hàn Quốc, khi chỉ số VN-Index có mức giảm trong ngày còn lớn hơn các chỉ số chứng khoán Hàn Quốc và gần như giảm lớn nhất trong khu vực.

Một yếu tố quan trọng khác là nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng trong những phiên vừa qua. Tính đến phiên ngày 1/3, khối ngoại đã có 4 phiên bán ròng liên tiếp, với tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng, riêng mã VGC đã bị bán ròng xấp xỉ 963 tỷ đồng. Động thái của khối ngoại càng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý thị trường vốn đang dễ tổn thương trong giai đoạn hiện nay.

Cũng cần lưu ý thời điểm 31/3 là hạn chót để các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính kiểm toán, do đó từ nay đến cuối tháng cũng là giai đoạn nhạy cảm khi quá khứ cho thấy số liệu kiểm toán thường có sự chênh lệch khá lớn với báo cáo doanh nghiệp công bố trước đó. Vì vậy, các nhà đầu tư càng có lý do để thận trọng và chờ đợi kết quả rõ ràng hơn.

Dù vậy, với mùa họp đại hội cổ đông đã bắt đầu cùng với kế hoạch, chiến lược kinh doanh năm 2019 đang dần hé lộ, thị trường ít nhất cũng còn cơ sở để bám víu trong hai tháng tới. Do đó, xu hướng điều chỉnh nếu xảy ra cũng kỳ vọng không giảm quá sâu, mà thiên về khả năng củng cố để lấy đà vượt 1.000 điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán và nỗi lo giảm điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO