Chứng khoán tăng điểm: Buồn nhiều hơn vui

27/07/2009 00:05

Chỉ có thể là chứng khoán trong nước đã kéo nhau xuống quá đà, và chỉ chờ một sự “châm ngòi” dù là rất nhỏ, là bùng phát trở lại. Nhưng... tăng mà chẳng đáng vui"

Chứng khoán tăng điểm: Buồn nhiều hơn vui

"Chỉ có thể là chứng khoán trong nước đã kéo nhau xuống quá đà, và chỉ chờ một sự “châm ngòi” dù là rất nhỏ, là bùng phát trở lại. Nhưng... tăng mà chẳng đáng vui" - ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Văn về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán hai ngày giao dịch cuối tuần qua.

Tăng điểm bất ngờ

Mốc đánh dấu sự đảo chiều của chứng khoán trong tuần qua là buổi sáng ngày thứ Năm 23/7. Mở đầu phiên giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn giảm đến 1,8%. Nhưng sau một giờ giao dịch thì đột ngột tất cả các mã chứng khoán đồng loạt tăng mạnh, và VN-Index đóng cửa với mức tăng 3,5%.

Chứng khoán tăng mà chẳng đáng vui

Sang ngày thứ Sáu 24/7 thì xảy ra một hiện tượng hiếm thấy, toàn bộ các cổ phiếu trên sàn tăng điểm, và 99% tăng trần.

Điều đáng nói là ngay đầu giờ sáng 24/7, các nhận định của chuyên gia đều tỏ ra rất dè dặt, thậm chí bi quan.

Tại sao không chuyên gia nào dự báo được sự bùng nổ của giá chứng khoán trong hai ngày cuối tuần qua? Đơn giản là họ chẳng tìm thấy lý do nào.

Trong hai ngày đó, không có yếu tố kinh tế vĩ mô nào được công bố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hai thành phố lớn nhất nước đã được công bố từ cuối tuần trước và hoàn toàn nằm trong dự báo. Trong 2 ngày chứng khoán bùng phát, CPI của cả nước chưa được công bố.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp vẫn đang được công bố dần. Trong lúc những con số lợi nhuận ấn tượng được đưa ra thì chứng khoán vẫn đang đi xuống. Trong 2 ngày chứng khoán bùng phát, không có thêm con số quan trọng nào được công bố.

Đi tìm các lý giải

Cũng có một số lý giải, cho dù không thật sự làm cho người nghe phải tâm phục khẩu phục.

Thứ nhất, một số phân tích kỹ thuật đã cho thấy dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán trong mấy tháng qua đã đẩy giá chứng khoán lên cao vào đầu tháng 6, với cao điểm là VN-Index đạt 512 điểm vào ngày 12/6. Đến khi VN-Index mất 100 điểm sau hơn 1 tháng, đã có một số chuyên gia phân tích kỹ thuật đã nhận định là chứng khoán sẽ phải đi lên. Tuy nhiên, vào lúc các đồ thị nói là chứng khoán phải đi lên, thì giá vẫn đi xuống. Còn thời điểm giá đảo chiều đi lên, các chuyên gia đều không dự báo được.

Thứ hai, liệu lý do có thể là thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, bác bỏ tin đồn về việc phát hành tín phiếu bắt buộc, là nguyên nhân để chứng khoán đi lên? Thông tin này đã được đưa ra, những ngay sau đó thì chứng khoán vẫn giảm giá.

Thứ ba, chứng khoán thế giới đang ở thời kỳ tăng điểm mạnh. Các tập đoàn lớn liên tiếp đưa ra những báo cáo lợi nhuận mà hầu hết là tốt hơn dự báo. Chỉ số Dow Jones tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng, vượt qua ngưỡng “nhạy cảm” 9.000 điểm. Nhưng vào những ngày đầu tuần khi Dow Jones tăng điểm thì chứng khoán trong nước vẫn ảm đạm. Kể cả khi chứng khoán trong nước đi lên theo Dow Jones, thì cũng chỉ là nhờ tác động tâm lý.

Như vậy, chỉ có thể là chứng khoán trong nước đã kéo nhau xuống quá đà, và chỉ chờ một sự “châm ngòi” dù là rất nhỏ, là bùng phát trở lại.

Tăng mà chẳng đáng vui

Về vĩ mô, chứng khoán là nơi thể hiện phản ứng thị trường với các yếu tố vĩ mô: kiểm soát lạm phát, điều hành tỉ giá, cân đối cung cầu tiền tệ, ngân sách, tài khoản vãng lai…

Nhưng nếu không có yếu tố vĩ mô nào mới, mà thị trường vẫn biến động mạnh? Thì lần sau khi có một chính sách mới, phản ứng của thị trường cũng chẳng được tin cậy nữa.
Về vi mô, chứng khoán là nơi đánh giá tốt nhất kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể hạ giá bán hàng, bán trả chậm để tăng doanh số, thị trường phải biết.

Một doanh nghiệp cắt giảm chi phí nghiên cứu, đào tạo, marketing để tăng lợi nhuận ngắn hạn, thị trường cũng phải nhận ra. Một doanh nghiệp đối xử thế nào để người giỏi lần lượt ra đi, cũng không thể che mắt thị trường. Nhưng nếu thị trường đồng loạt tăng rồi đồng loạt giảm theo các cơn sóng, doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp yếu kém đều tăng giảm như nhau, tác dụng đánh giá của thị trường đã mất.

Các cổ đông của doanh nghiệp dựa vào giá chứng khoán để tưởng thưởng (hoặc trừng phạt) đội ngũ quản lý. Nhưng nếu chứng khoán đồng loạt lên, rồi đồng loạt xuống theo từng làn sóng, những giám đốc dở nhất cũng được thưởng, và những người giỏi nhất cũng có thể bị phạt.

Chứng khoán cũng là nơi để các nhà đầu tư chọn đầu tư vào những doanh nghiệp tốt và rút lui khỏi những doanh nghiệp không tốt. Tuy nhiên, khi thị trường chạy đua theo kiểu “bầy đàn”, ý nghĩa lựa chọn đầu tư của thị trường chứng khoán đã mất.

Có một điểm khác biệt giữa “nhà đầu tư chứng khoán” và “người chơi chứng khoán”. Các nhà đầu tư thật sự thì không thích bị bất ngờ. Họ mong muốn sự ổn định và dự báo được. Đó là điều làm cho sự tăng điểm bất ngờ của chứng khoán tuần qua chẳng đáng vui.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán tăng điểm: Buồn nhiều hơn vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO