Chứng khoán giảm mạnh trong "tháng 10 tồi tệ" và cú nảy của "con mèo chết"

GIA LÊ| 01/11/2018 08:20

Thị trường chứng khoán đang trải qua một tháng 10 tồi tệ, như để khẳng định danh tiếng "tháng 10 chết chóc" và thường khởi đầu cho các cuộc khủng hoảng của thị trường trong quá khứ là không hề sai.

Chứng khoán giảm mạnh trong

Với việc xu hướng tăng của nhiều chỉ số đã bị đứt gãy thì những khó khăn sẽ còn nhiều hơn cho giai đoạn tới, theo đó sự đảo chiều và xu hướng giảm trở lại là điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trong bất kỳ xu hướng điều chỉnh nào đều có những giai đoạn thị trường bật tăng trở lại, khiến không ít nhà đầu tư mạnh dạn rót tiền vào. Những phiên tăng sốc như vậy thường được gọi dưới cái tên khá châm biếm là "cú nảy của con mèo chết" (Dead Cat Bounce - DCB).

Bởi vì dù có những giai đoạn phục hồi như vậy nhưng chỉ có tính ngắn ngủi, còn về tổng thể thị trường vẫn trong giai đoạn giảm dài hạn, khi các ngưỡng kháng cự kỹ thuật hoàn toàn không hề bị phá vỡ, mà các nhà phân tích thường xem giá bình quân 200 ngày như là cột mốc để phân tách thị trường đang trong xu hướng tăng hay giảm.

Về cơ bản, giai đoạn đầu của mô hình DCB bao gồm một xu hướng giá giảm mạnh, trung bình khoảng 31% và thường đi kèm với một khoảng trống giá (Gap) lớn theo xu hướng giảm. Xu hướng giá giảm mạnh này thường được gây ra bởi một sự kiện có tác động lớn trong dài hạn. Giai đoạn kế tiếp thị trường có thể nảy lên trở lại để có thể lấp đầy một phần hoặc hoàn toàn khoảng Gap đó.

Link bài viết

Cú nảy này có thể đạt trung bình 28% độ cao giá của đoạn giảm trước và thường kéo dài trong khoảng 23 ngày. Tuy nhiên không nhất thiết các đợt giảm giá mạnh đều sẽ có xuất hiện cú nảy này. Giai đoạn thứ 3 của mô hình DCB sẽ tiếp tục chứng kiến giá rớt mạnh trở lại, với đáy mới sẽ thấp hơn 18% dưới đáy của đợt giảm trong giai đoạn đầu.

Đó là diễn biến thường thấy của một mô hình DCB chuẩn với độ biến động lớn, tuy nhiên cũng không ít mô hình DCB nhỏ hơn và diễn ra nhiều lần trong một xu hướng tổng thể, với độ tăng giảm và thời gian biến động cũng có thể nhanh hơn, khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp.

Hiện tại, nhiều thị trường chứng khoán đã rơi vào xu thế giảm với giá trị bị bốc hơi từ 20 - 25% so với mức đỉnh cao gần nhất, theo đó ngày càng tiến gần đến điểm nảy lại theo mô hình DCB của giới phân tích. Và yếu tố mạnh nhất ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu trong xu thế giảm lần này là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như nỗi lo ngại về lãi suất tăng trước chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước, mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang đi đầu.

Cách giao dịch phù hợp nhất trong mô hình DCB được giới nghiên cứu khuyến nghị là nên đi theo xu hướng bán ra, sau khi nhận thấy thị trường nảy trở lại từ đáy của đợt giảm giá thứ nhất, và đặc biệt bán mạnh khi thị trường tiến dần đến việc lấp đầy khoảng Gap đã tạo ra.

Xu thế mua vào không được khuyến khích trong giai đoạn này, vì rủi ro trong mô hình DCB là không chắc chắn và sự hồi phục có thể đạt được đến đâu và kéo dài được bao lâu. Đối với các nhà đầu tư bán khống thì nên đóng vị thế khi cú nảy đã hoàn thành và chạm trở lại mức đáy của đợt giảm đầu tiên.

Dù nhiều người biết về mô hình DCB, tuy nhiên mỗi khi thị trường hồi lại sau những đợt giảm giá mạnh, không ít nhà đầu tư vì không kiềm chế được lòng tham nên vẫn tham gia bắt đáy với hy vọng lướt sóng kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn. Tuy nhiên đa phần không thoát ra kịp, phải nhận lấy rủi ro và thậm chí không kịp cắt lỗ khi có những cổ phiếu mất thanh khoản ngay khi vừa về tài khoản. Đối với những thị trường còn cơ chế T+ như Việt Nam thì rủi ro này lại càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán giảm mạnh trong "tháng 10 tồi tệ" và cú nảy của "con mèo chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO