Chứng khoán giảm có thể làm tăng nợ xấu ngân hàng, vì sao?

GIA LÊ| 22/11/2018 08:28

Nợ xấu ngân hàng đang nóng trở lại với số liệu nợ xấu tại các tổ chức tín dụng theo báo cáo tài chính đã tăng vọt trong 9 tháng qua.

Chứng khoán giảm có thể làm tăng nợ xấu ngân hàng, vì sao?

Cũng cần lưu ý, việc thị trường chứng khoán sụt giảm sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nợ tại các ngân hàng. Vì sao lại như vậy?

Số liệu nợ xấu được đề cập gần đây là 486.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 6,67% vào cuối tháng 6/2018. Dù tỷ lệ này đã giảm so với mức 7,7% vào cuối năm 2017, tuy nhiên có ý kiến cho rằng con số này mới chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các tổ chức tín dụng chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế.

Trong khi đó, với thị trường chứng khoán sụt giảm gần đây, nguy cơ nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ còn tăng. Do khi diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều doanh nghiệp dễ dàng phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, tái cơ cấu nợ ngân hàng. Ngược lại, một khi thị trường sụt giảm trở lại, việc phát hành cổ phiếu sẽ gặp khó khăn hơn, do đó những doanh nghiệp nào có kế hoạch giảm nợ ngân hàng có thể sẽ phải trì hoãn.

Link bài viết

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp, công ty hiện nay đang vay vốn tại ngân hàng với tài sản thế chấp là cổ phiếu của chính công ty mình hoặc cổ phiếu sở hữu tại những công ty khác. Một khi giá cổ phiếu giảm, tài sản đảm bảo suy giảm giá trị, buộc người vay phải bổ sung tài sản đảm bảo, nếu không ngân hàng có thể bán giải chấp cổ phiếu và đánh giá lại chất lượng nợ của khoản vay này.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản cũng thường có mối liên thông khá chặt chẽ. Cụ thể khi giá cổ phiếu bắt đầu đi xuống, chứng khoán rơi vào xu hướng giảm giá thì sau đó giá bất động sản sẽ suy giảm theo. Điều này được hiểu như là khi các cổ phiếu rớt giá do doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong hoạt động, dòng tiền suy yếu dẫn đến phải thanh lý, bán bớt bất động sản đang nắm giữ.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì sẽ giảm giá sản phẩm trong các khu nhà ở và từ đó sẽ kéo giá trên thị trường bất động sản rớt trở lại. Trong khi đó, cá nhân khi đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán cũng sẽ buộc phải bán bất động sản đang sở hữu để bù đắp các khoản thua lỗ trên thị trường chứng khoán, từ đó càng gây áp lực giảm giá lên thị trường bất động sản.

Và một khi thị trường bất động sản rớt giá và rơi vào trạng thái đóng băng, nợ xấu của ngân hàng có nguy cơ tăng mạnh, vì hầu hết các khoản vay hiện nay đều có tài sản thế chấp bằng bất động sản. Trong khi đó, các khoản vay kinh doanh bất động sản cũng đứng trước nguy cơ chuyển thành nợ xấu, không chỉ là các khoản vay cá nhân để mua nhà, mà chính các chủ đầu tư dự án cũng có nguy cơ thua lỗ khi giá bất động sản giảm và không thể hoàn trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Dù theo chia sẻ của một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước gần đây, vào cuối tháng 10, dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán trong hệ thống vẫn chiếm tỷ trọng thấp, dưới 10% mỗi loại, riêng tín dụng bất động sản nếu cộng cả tín dụng tiêu dùng mua và sửa chữa nhà ở, cũng chỉ hơn chục phần trăm mà thôi, tuy nhiên theo giới chuyên gia thì con số dư nợ cho vay bất động sản thật sự vẫn là một ẩn số. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán giảm có thể làm tăng nợ xấu ngân hàng, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO