Chứng khoán bị bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài lại rút vốn ròng

KHÁNH PHƯƠNG| 02/11/2018 08:23

Trải qua 7 phiên đi xuống liên tiếp là những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây, với chỉ số VN-Index rớt một mạch từ 971,6 điểm ngày 17/10 xuống còn 900,8 điểm tính đến ngày 26/10, tức đã bị "thổi bay" 70 điểm, tương đương 7,2%. Trong "cơn bão" ấy, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại bán ròng mạnh mẽ.

Chứng khoán bị bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài lại rút vốn ròng

Khi khối ngoại liên tiếp bán ròng

Tâm lý nghi ngờ, người bán dứt khoát, người mua cẩn trọng không dám tham gia, e ngại bẫy tăng giá, những bình luận và dự báo bi quan là những gì đang diễn ra trên thị trường hiện nay, khiến thị trường đang ở vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất. Theo một dự báo dựa trên phân tích kỹ thuật, mốc 900 điểm nếu bị phá vỡ thì nguy cơ về lại 650 điểm là có thể xảy ra, khi mà xu hướng tăng dài hạn đã chính thức bị gãy.

Trong bối cảnh trên, việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng và các quỹ đầu tư thoái vốn như càng "xát thêm muối" vào vết thương của thị trường, khiến những nhà đầu tư nội có tâm lý vững vàng nhất cũng phải nghĩ về một viễn cảnh không mấy tốt đẹp đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đã từng là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 và quý I vừa qua.

Link bài viết

Bất chấp những bình luận tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, những dự báo đầy lạc quan đối với chứng khoán Việt Nam trước khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm sau, sự ổn định về tiền tệ và tăng trưởng kinh tế ổn định, nhà đầu tư nước ngoài lại một lần nữa quay lại bán ròng liên tục trong lúc thị trường chứng khoán đang có đợt suy giảm khá nhanh, càng gây thêm áp lực bán tháo và sự hoảng loạn lên thị trường.

Thống kê cho thấy khối ngoại đã có đến 6 phiên bán ròng trong số 8 phiên gần đây, đáng lưu ý là có đến 5 phiên bán ròng liên tiếp trong số 6 phiên vừa qua. Tổng giá trị bán ròng trong 8 phiên là gần 750 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu tháng 10 đến phiên ngày 26/10, cho thấy dù khối ngoại đang mua ròng 9.421 tỷ đồng, tuy nhiên nếu loại trừ con số đột biến mua ròng thỏa thuận tại cổ phiếu Masan là 10.8881 tỷ đồng từ cổ đông chiến lược ngày 2/10, thì tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường lên đến 1.455 tỷ đồng, riêng trên sàn HoSE bị bán ròng hơn 1.280 tỷ đồng.

Động thái bán ròng trên không chỉ đến từ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, mà những tổ chức lớn, các quỹ đầu tư cũng tham gia tích cực khi liên tiếp thoái bớt vốn gần đây. Từ 20 - 26/10 là tuần thứ 4 bán ròng liên tiếp của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), với tổng giá trị tài sản ròng chỉ còn 323,4 triệu USD, giảm 18,7 triệu USD so với tuần trước đó. Trong 3 tuần trước đó, giá trị tài sản ròng của quỹ này cũng đã giảm đến 34,7 triệu USD, trong khi con số nhà đầu tư rút vốn là 10,5 triệu USD.

Không chỉ quỹ VNM, quỹ Pyn Elite Fund cũng đã liên tiếp thoái vốn danh mục đầu tư trong những phiên vừa qua. Như trong ngày 11/10, quỹ này đã bán qua sàn hơn 2 triệu cổ phiếu Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) và hơn 1,5 triệu cổ phiếu Công ty Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA). Sau đó một ngày, quỹ này lại bán qua sàn tiếp hơn 1 triệu cổ phiếu AAA, ước tính thu về hơn 43,4 tỷ đồng từ 2 đợt thoái vốn này.

Giao dịch của khối ngoại luôn bị tác động từ diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, do đó khi các thị trường này điều chỉnh thì việc khối ngoại quay lại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không có gì lạ, khi mà chứng khoán Việt không thể nằm ngoài xu hướng giảm chung của chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Vì sao?

Việc khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trở lại có lẽ chịu sự ảnh hưởng từ sự suy giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ, khi các chỉ số chính như Dow Jones và S&P 500 đã xóa sạch thành quả tăng điểm từ đầu năm đến nay, trong khi chỉ số Nasdaq cũng đã rơi vào vùng điều chỉnh, tức giảm 10% kể từ mức đỉnh cao gần nhất.

Giao dịch của khối ngoại luôn bị tác động từ diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, do đó khi các thị trường này điều chỉnh thì việc khối ngoại quay lại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không có gì lạ, khi mà chứng khoán Việt không thể nằm ngoài xu hướng giảm chung của chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, dù tỷ giá những ngày qua vẫn tiếp tục thể hiện sự ổn định, nhưng những áp lực trước đây lại đang quay trở lại. Thứ nhất là đồng USD đang mạnh trở lại trên thị trường quốc tế khi liên tiếp tăng nhanh gần đây. Thứ hai là đồng nhân dân tệ lại suy yếu trở lại sau khi Trung Quốc giảm mạnh tỷ giá niêm yết cách nay 2 tuần.

Cả 2 yếu tố này đều gây áp lực giảm giá lên tiền đồng, do đó với những lo ngại về khả năng tiền đồng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm giá so với USD càng khiến khối ngoại bán ròng là tất yếu, để hạn chế phần nào nguy cơ thiệt hại từ rủi ro tỷ giá.

Trong khi đó, căng thăng ngoại giao giữa Mỹ và Arab Saudi xung quanh vụ nhà báo Khashoggi bị ám sát, cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ sắp tới, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rơi vào thế bế tắc, khủng hoảng chính trị tại Ý và lệnh tái trừng phạt Iran sắp có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới, thì các nhà đầu tư chứng khoán lựa chọn tạm thời thoát ra để quan sát thêm diễn biến mới có vẻ phù hợp trong giai đoạn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán bị bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài lại rút vốn ròng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO