Chạy đua nước rút tăng tín dụng

LINH CHI| 29/11/2013 00:36

Tăng trưởng tín dụng năm nay khó hoàn thành được mục tiêu đề ra là 12% khi dư nợ toàn ngành chỉ mới đạt xấp xỉ 7%.

Chạy đua nước rút tăng tín dụng

Tăng trưởng tín dụng năm nay khó hoàn thành được mục tiêu đề ra là 12% khi dư nợ toàn ngành chỉ mới đạt xấp xỉ 7%.

Đọc E-paper

Khấp khởi mừng

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng (NH) TMCP Nam Á (NamA Bank), cho rằng, tín dụng năm sau sẽ có cơ hội tăng trưởng hơn so với năm 2013. Lý do là những DN khó khăn và không còn khả năng để chống cự đã bị loại trong năm nay.

Vì thế, các DN đủ sức vượt qua khó khăn sẽ là những khách hàng tiềm năng để cho vay trong năm tới. Lãi suất cho vay cũng giảm thêm, tuy không nhiều nhưng với lạm phát mục tiêu năm sau vẫn sẽ không quá 7% như năm nay, thì khả năng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ để kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, khả năng "room" tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế, nhưng có thể chỉ được xem là cơ sở để kiểm soát năng lực tăng trưởng của từng NH và không quá cứng nhắc nếu xét thấy có cơ sở và năng lực thực hiện.

Trong năm 2013, hạn mức tăng trưởng của tín dụng của NamA Bank cũng được NHNN cho phép nâng lên từ 9% lên 30%. Nhưng đến gần hết tháng 10, tăng trưởng dư nợ của NamA Bank mới đạt mức 23% và dự kiến sử dụng hết dư địa còn lại trong những tháng cuối năm 2013 khi nhu cầu vốn của khách hàng, tăng trong mùa kinh doanh cuối năm là cơ hội để phát triển tín dụng.

Cũng có nhận định tương tự, ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc NH Phát triển Mê Kông (MeKong Bank), cho rằng, nhu cầu về vốn mặc dù tăng chậm nhưng vẫn có dấu hiệu tăng trong năm 2013. Đáng chú ý là thời điểm cuối năm, cận Tết, nhu cầu về các khoản vay theo mùa của DN được dự báo sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, các DN cần nghiên cứu môi trường kinh doanh tổng thể trước khi quyết định đầu tư cho dài hạn. Đánh giá về tình hình thị trường và DN nửa đầu năm 2014, ông Chong cho hay, nền kinh tế của Việt Nam đang được cải thiện, mặc dù lạm phát được tiết chế nhưng tốc độ tăng trưởng GDP còn chậm.

"Nền kinh tế đang trên đà ổn định nhưng vẫn chưa chắc chắn. Ngành NH, bất động sản, tàu biển và các công ty nhà nước vẫn đang khó khăn", ông Chong nhận định. Theo ông Chong, triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa có gì nổi bật.

Vì vậy, các DN sẽ có sự cải thiện dần dần, nhưng DN thuộc các ngành khác nhau sẽ có mức độ hồi phục và cải thiện khác nhau. Và nếu Việt Nam có thể thu hút FDI trong giai đoạn này nhiều hơn, thì đó cũng có thể là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, cũng có nhận định lạc quan về môi trường kinh doanh, tình hình đầu tư. Tuy nhiên, phải mất một, hai năm nữa thì tình hình kinh tế mới thực sự được cải thiện.

Năm 2014, VAMC mới bán nợ

VAMC đặt ra mục tiêu mua 35.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. Hiện tại, VAMC đã thành lập bộ phận rà soát và tiến hành phân loại nợ, nhưng không thể cùng lúc làm tất cả mọi việc, nên ít nhất phải sang năm 2014, VAMC mới bán nợ.

Vì thế, trước mắt khó kỳ vọng tín dụng tăng nhanh, nhưng một hai năm tới tình hình sẽ được cải thiện hơn nhiều khi "sức khỏe" của DN tốt lên.

Người đứng đầu Eximbank cho hay, khả năng tăng trưởng tín dụng của Eximbank trong năm nay chỉ có thể đạt mức hơn 10% so với chỉ tiêu đưa ra là 15%. Song điều này cũng phù hợp với tình hình khó khăn và NH khó hạ chuẩn cho vay.

Thấp thỏm lo

Mặc dù các đánh giá được đưa ra cho rằng, triển vọng của DN sẽ tốt lên trong năm tới nhưng nợ xấu vẫn là mối lo lớn nhất đối với NH trong tăng trưởng tín dụng. Ông Lê Hùng Dũng cho rằng, quan điểm của NH là không hạ chuẩn cho vay để hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Vì thực tế, nợ xấu đã không ngừng gia tăng trong các khoản vay cũ trước đây, cho dù NH đã kiểm soát chặt chất lượng tín dụng khoản vay mới khiến lợi nhuận NH teo tóp trong năm 2013 khi trích lập tăng.

Vì thế, dù tín dụng tăng trưởng ở mức thấp và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng theo lãnh đạo các NH, để tạo được nền tảng và tiền đề trong hoạt động một cách an toàn thì không thể nới lỏng điều kiện tín dụng, nợ xấu tăng là điều nguy hiểm.

Để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, NHNN đã ban hành Công văn 7558 cho phép các NH hỗ trợ vốn DN có nợ xấu, nhưng có dự án kinh doanh sản xuất khả thi để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Nhưng đến nay sau hơn một tháng công văn trên được ban hành, chưa một NH nào dám cho DN có nợ xấu vay, vì lo ngại nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao hơn trước.

Ông Tay Han Chong cho biết, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát một cách chặt chẽ. Vì thế, với sản phẩm vay có rủi ro cao như cho vay mua xe máy nay đang đóng góp khoảng 10% tổng dư cốt lõi, trái ngược với 15% của năm ngoái.

Các danh mục tín dụng tốt hơn như cho vay nông nghiệp và vay cá nhân tiếp tục phát triển đều đặn. Tuy nhiên, theo ông Chong, để hạn chế nợ xấu thì đòi hỏi trước hết đối với NH là phải kiểm soát được chất lượng tín dụng.

Tín dụng năm sau được kỳ vọng sẽ cải thiện tốt hơn, với mục tiêu tăng trưởng dự kiến 14 - 15%. Theo nhận định của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, để đẩy mạnh được tăng trưởng dư nợ đòi hỏi trước hết là phải giải quyết được tồn kho, cải thiện sức mua và xử lý nợ xấu.

Nhưng để xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), mà còn cần các DN, NH và cả cơ chế chính sách mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chạy đua nước rút tăng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO