Chắc thì bán, nán lại phải chờ

MINH TRIỆU| 05/09/2013 08:50

Từ mốc 470 điểm cuối tháng 6, VN - Index phải mất gần 2 tháng để tăng lên 510 điểm, nhưng chỉ sau 2 tuần điều chỉnh, VN - Index đã trở lại khu vực 470 điểm. Chỉ số này kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 với việc tăng 4,15 điểm lên 472,7 điểm.

Chắc thì bán, nán lại phải chờ

Từ mốc 470 điểm cuối tháng 6, VN - Index phải mất gần 2 tháng để tăng lên 510 điểm, nhưng chỉ sau 2 tuần điều chỉnh, VN - Index đã trở lại khu vực 470 điểm. Chỉ số này kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 với việc tăng 4,15 điểm lên 472,7 điểm.

Đọc E- paper

Việc những thành quả của VN - Index được gầy dựng trong thời gian dài bị "san phẳng" chỉ trong chục phiên giao dịch đã tạo ra những tâm lý bi quan nhất định. Tác nhân và cũng là nguyên nhân cho đợt sóng tăng rồi giảm vừa rồi chính là nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường.

Đầu tháng 7, GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) có giá khoảng 58.000 đồng/CP, đến gần cuối tháng tăng lên 65.000 đồng nhưng sau đó lại nhanh chóng điều chỉnh về 62.000 đồng. Cùng với diễn biến của GAS, VN - Index cũng tiến sát ngưỡng 500 điểm sau đó điều chỉnh nhẹ.

Tưởng như GAS không thể tăng thêm và VN - Index cũng không thể vượt 500 điểm thì diễn biến thị trường trong nửa đầu tháng 8 lại có nhiều bất ngờ khi GAS vượt mốc 70.000 đồng vào ngày 15/8 và góp phần đáng kể để VN - Index chinh phục ngưỡng 500 điểm.

Theo dõi giao dịch của GAS, không khó để nhận ra, ngoài dòng tiền khối ngoại, còn có sự tham gia của dòng tiền trong nước. Có những phiên GAS tăng mạnh, nhưng lượng mua của nhà đầu tư nước ngoài không nhiều, điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư trong nước cũng ưa chuộng cổ phiếu này.

Kinh doanh ổn định, tăng trưởng tốt, cổ phiếu có vốn hoá lớn, tất nhiên GAS hay những cổ phiếu tương tự sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Trong sự đa dạng về "người chơi" thì việc cổ phiếu tiếp nhận cả những dòng tiền theo xu hướng đầu tư ngắn hạn, sử dụng margin cũng là điều bình thường.

Điều này có thể giúp cho giá cổ phiếu biến động mạnh, khi tăng thì tăng "rất bốc" nhưng đến khi giảm cũng tương ứng như vậy. Và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho VN - Index trong những ngày cuối tháng 8 đã có những phiên lao dốc đáng ngại.

Khối ngoại rút tiền, khối ngoại bán ròng được xem là nguyên nhân chủ đạo khiến thị trường chao đảo trong 10 phiên gần nhất. Quả thực đã có những tin tức về việc các quỹ rút bớt vốn trên các thị trường chứng khoán mới nổi, một số phiên khối ngoại cũng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, khi VN - Index tăng từ 470 điểm lên sát ngưỡng 500 điểm, sự tham gia của khối ngoại cũng không quá "đậm đặc". Có người còn cho rằng, khi khối ngoại tham gia không thật sự mạnh nên khả năng thị trường tăng tiếp khó khả thi. Nhưng rốt cuộc VN - Index vẫn vượt 500 điểm, khối ngoại lúc này có gia tăng giao dịch nhưng cũng không đáng kể.

Từ đầu năm đến nay, blue chip chứ không phải những cổ phiếu penny hay midcap là nhóm tăng mạnh nhất thị trường. Nếu trong xu hướng tăng của blue chips, dòng tiền margin có tham gia thì lúc điều chỉnh cũng sẽ rất mạnh. Mà blue chips đã điều chỉnh mạnh thì VN - Index cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng blue chips là những cổ phiếu tốt nên khả năng giảm sâu hay lao dốc "quá mạng" cũng khó xảy ra, thay vào đó là việc sẽ tìm được điểm cân bằng, tiến đến tích luỹ và từ từ xác lập xu hướng tăng khác.

Như vậy, động lực của thị trường trong thời gian qua xuất phát nhiều từ dòng tiền trong nước, tập trung vào những cổ phiếu như GAS, VNM, PVD, FPT... Liệu một vài phiên bán ròng của khối ngoại có thể khiến thị trường "sợ hãi" hay không? Câu trả lời là vừa có và vừa không.

Thống kê về khối lượng giao dịch trên thị trường khi VN - Index vượt ngưỡng 500 điểm cho thấy sự gia tăng về dòng tiền so với thời gian trước đó.

Nếu như trước khi VN - Index vượt 500 điểm, khối lượng giao dịch chỉ đạt trên dưới 35 triệu cổ phiếu mỗi phiên thì khi ngưỡng này được chinh phục, con số đã tăng lên 50-60 triệu đơn vị/phiên và phải đến khi thị trường giảm mạnh trong tuần rồi thì thanh khoản mới sụt giảm trở lại.

Những thống kê này chỉ ra rằng, một dòng tiền đã vào thị trường khá gấp gáp, một phần do kỳ vọng VN - Index vượt 500 điểm sẽ tạo ra một xu hướng mới khả quan cho những tháng cuối năm; nột phần khác do đã "lỡ" khá nhiều sóng cổ phiếu trong 2-3 tháng vừa qua nên cũng tham gia trở lại một cách gấp gáp khi xu hướng tăng được xác lập (theo một số nhận định).

Dòng tiền bên mua gia tăng, cũng chính là thời cơ thuận lợi để bên bán chốt lãi giá cao. Một loạt những cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong 2-3 tháng qua như BMP, DHG, VNM, GAS, PVD với mức tăng từ 20-50%, vậy nên những ai đã mua ở giá đáy thì khi bán ở đỉnh cho dù đó là giá trần, hay giá sàn cũng đều lãi rất lớn.

Đặc biệt, khi thị trường lại xuất hiện những thông tin liên quan đến khối ngoại thì nhiều người có thể hành động theo kiểu bán cho chắc, có gì tính tiếp. Chưa kể, những ai sử dụng margin để mua vào và lãi lớn, thì việc chốt lời còn được thực hiện tức tốc hơn nữa.

Đối với dòng tiền tham gia thị trường khi VN - Index tiến sát 500 điểm, nếu sử dụng margin nhằm tranh thủ cơ hội sinh lời, khi gặp tình huống không thuận lợi thì việc bán ra để thu hồi vốn còn được nhà đầu tư và công ty chứng khoán thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Chính những điều này đã tạo ra áp lực bán rất lớn trên thị trường trong nửa cuối tháng 8. Từ đây, cũng có thể đặt vấn đề: Lý do khối ngoại rút tiền là tác nhân, hay chỉ là cái cớ khi thị trường tăng, những cổ phiếu vốn hóa lớn tăng, đến một ngưỡng nào đó thì phải giảm, muốn giảm thì phải có lý do.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chắc thì bán, nán lại phải chờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO