Cẩn trọng với các chiêu trò "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp

GIA LÊ| 21/03/2018 03:33

Việc nâng định giá giá trị của doanh nghiệp khi tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hoặc phục vụ cho các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng phổ biến trong thị trường tài chính ngày nay.

Cẩn trọng với các chiêu trò

Ảnh minh họa: Quý Hòa

Có khá nhiều thủ thuật, chiêu trò khi định giá dẫn đến giá trị doanh nghiệp bị thổi phồng quá mức so với giá trị thực cũng như tiềm năng tăng trưởng.

Về cơ bản hiện nay có 5 phương pháp định giá chính, bao gồm phương pháp giá trị tài sản thuần, phương pháp chiết khấu luồng cổ tức, phương pháp chiết khấu lợi nhuận, phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và phương pháp tỷ số giá/thu nhập (P/E). Trong đó phương pháp DCF và P/E được sử dụng phổ biến nhất.

Cụ thể, DCF là phương pháp xác định giá trị của doanh nghiệp dựa trên khả năng sinh lời trong dài hạn và dòng tiền kỳ vọng trong tương lai của công ty, trong đó hệ số chiết khấu được sử dụng là chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC). Nếu như hệ số chiết khấu càng được xác định thấp thì giá trị doanh nghiệp sẽ càng được đẩy lên cao, tuy nhiên vấn đề là nhiều tổ chức định giá sử dụng một lãi suất chiết khấu cho suốt cả thời kỳ là không phù hợp.

Do việc sử dụng mô hình định giá tài sản vốn (CAMP) để xác định lãi suất chiết khấu, trong đó lãi suất phi rủi ro được tính theo lãi suất trái phiếu kho bạc nhà nước thời hạn 5 năm là bất hợp lý trong bối cảnh lãi suất tại Việt Nam có nhiều biến động.

Link bài viết

Như gần đây lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm đã ở mức thấp 3% khiến định giá nhiều công ty khi đánh giá lại có thể tăng mạnh hơn, tuy nhiên mức thấp 3% ấy có thể chỉ mang tính thời điểm chứ khó có thể đại diện cho cả một chu kỳ dài, do đó sử dụng khi định giá doanh nghiệp sẽ vô tình đẩy giá trị của doanh nghiệp tăng rất cao so với giá trị thực.

Trong khi đó, việc xác định giá trị dòng tiền tương lai có thể trở nên lạc quan quá mức khi nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng doanh số, thu nhập ở mức cao liên tục đến mức bất khả thi. Đó là chưa nói đến môi trường kinh doanh có thể thay đổi nhanh hơn, nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời có thể gây sức ép cạnh tranh lớn hơn khiến kế hoạch kinh doanh dài hạn không còn sát với thực tế.

Nhiều doanh nghiệp cũng có các chiêu trò thổi phồng doanh thu bằng cách tăng doanh thu nhờ giao dịch với các bên liên quan, trong khi những hợp đồng mua bán nội bộ giữa các bên luôn tiềm ẩn rủi ro về chuyển giá cũng như chuyển lợi nhuận chứ khó có thể là hiệu quả thực chất. Các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng điều khoản bán và giữ, tức bán trước nhưng chưa giao hàng, nhằm đẩy doanh thu của kỳ sau lên ghi nhận sớm vào kỳ trước để nâng giá trị trong thời điểm hiện tại.

Nếu kế hoạch doanh thu cố tình đẩy lên cao thì kế hoạch chi phí lại được xác định duy trì ở mức thấp đến mức thiếu hợp lý. Theo đó, nhiều doanh nghiệp hoặc tổ chức định giá không đánh giá rủi ro và khả năng phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu nói chung và khoản phải thu khó đòi nói riêng. Các khoản trích lập giảm giá hàng tồn kho, trích lập các khoản lương thưởng, chi phí khấu hao cũng có thể bị lờ đi hoặc trích không đủ.

Việc xác định giá trị tài sản vô hình cũng có thể gây nhiều tranh cãi do bị bơm phồng quá mức. Giá trị tài sản vô hình thông thường là sáng chế, tên thương hiệu, chất lượng hoạt động hay danh tiếng của ban quản trị, vị trí, phương thức kinh doanh, dữ liệu khách hàng hay "đẳng cấp" trên thị trường. Những tài sản vô hình này góp phần đáng kể vào giá trị tổng thể của công ty, tuy nhiên ít khi nào được đánh giá đúng với giá trị thực tế hoặc thậm chí còn nâng khống.

Đối với phương pháp P/E có ưu điểm là cho phép ước lượng nhanh giá trị công ty, tuy nhiên, với một thị trường chứng khoán chưa phát triển thì tính chính xác của con số đưa ra là hạn chế, chưa là cơ sở đáng tin cậy để so sánh nên dễ làm sai lệch kết quả. Vì nhiều tổ chức có thể lấy những doanh nghiệp cùng ngành có hệ số P/E cao để làm cơ sở khi định giá, trong khi thực tế doanh nghiệp đang được định giá có hiệu quả hoạt động cũng như tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn là không tương xứng với doanh nghiệp hoặc ngành được tham chiếu.

Nói chung hầu hết các phương pháp định giá có thể sử dụng mô hình từ đơn giản đến phức tạp để xác định giá trị công ty, tuy nhiên vấn đề chính là các thông số đầu vào phải được xác định phù hợp và tăng trưởng ở mức hợp lý, trong đó tổ chức hoặc cá nhân thực hiện định giá có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy việc lựa chọn những doanh nghiệp định giá có uy tín là rất cần thiết trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cẩn trọng với các chiêu trò "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO