Cần thêm thời gian

MINH HẰNG| 25/06/2012 08:52

Trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mức tăng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng bình quân khoảng 2%/tháng trong sáu tháng cuối năm, để dư nợ tín dụng cả năm 2012 đạt khoảng 12-13%.

Cần thêm thời gian

Trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mức tăng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng bình quân khoảng 2%/tháng trong sáu tháng cuối năm, để dư nợ tín dụng cả năm 2012 đạt khoảng 12-13%.

Đọc E-paper

Như vậy, sau khi trần lãi suất huy động liên tiếp giảm, tăng trưởng dư nợ tín dụng từ mức âm trong những tháng đầu năm đã bắt đầu dương trong thời gian qua.

Cùng với kế hoạch đưa vốn nhà nước vào nền kinh tế từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng khoảng 21 ngàn tỷ đồng, người ta hy vọng rằng sẽ làm tăng sức mua, giúp các doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực hơn nữa và cũng để thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, thực hiện các giải pháp xử lý nhanh nợ xấu của các doanh nghiệp cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Song song đó là giải quyết nhanh các thủ tục để doanh nghiệp thực sự tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn mà vẫn bảo đảm chuẩn tín dụng.

Tất nhiên là giới doanh nghiệp vui mừng khi đón nhận những thông tin tích cực trên, vì họ có hy vọng sẽ được hỗ trợ cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn việc tiếp cận vốn vay giá rẻ từ ngân hàng. Nhưng sự vui mừng đó đang nhuốm màu lo lắng khi một cuộc chạy đua huy động lãi suất dài hạn đã chính thức diễn ra.

Trước đây, trần lãi suất tiền gửi cả ngắn hạn lẫn dài hạn được khống chế, những ngân hàng muốn “lách” phải cân nhắc trước sự đánh đổi. Nay thì họ được phép làm điều đó với khoản tiền huy động dài hạn.

Chủ trương bỏ trần huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên mới bắt đầu có hiệu lực từ 11/6 thì đến 14/6, lãi suất huy động dài hạn của nhiều ngân hàng đã lên trên 10%/năm (trần lãi suất huy động ngắn hạn là 9%/năm) và còn tiếp tục tăng.

Ở kỳ hạn 13 tháng, con số cao nhất tại một ngân hàng thương mại đã là 14%/năm, và không có gì đảm bảo rằng đó sẽ là con số cuối cùng.

Việc dỡ bỏ trần lãi suất dài hạn là một bước đi được đánh giá là tích cực, giúp các ngân hàng - và qua đó là nền kinh tế - chủ động hơn trong việc huy động vốn dài hạn và cân đối nguồn vốn dài hạn của mình. Tuy nhiên, những biểu hiện về một cuộc đua lãi suất mới làm dấy lên sự lo ngại.

Thứ nhất, điều này chứng tỏ việc “ứ đọng vốn” không phải là tình trạng chung của các ngân hàng thương mại. Vẫn còn nhiều ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, nên khi có điều kiện họ lập tức mở cuộc đua để thu hút khách hàng gửi tiền.

Như một vòng luẩn quẩn, khi một số ngân hàng nâng lãi suất huy động, các ngân hàng “cùng nhóm” cũng phải nâng theo, nếu không muốn khách hàng đang gửi tiền ở ngân hàng của mình rút tiền đem sang ngân hàng khác gửi để hưởng lãi suất cao hơn.

Có thể nói, cuộc chạy đua lãi suất mới của một số ngân hàng hiện nay là hệ quả của việc họ vẫn nhận được sự bảo đảm “an toàn” từ phía Ngân hàng Nhà nước. Những công cụ mang tính hành chính như quy định trần lãi suất dĩ nhiên không phải là tốt về lâu về dài.

Nhưng việc thả nổi lãi suất huy động - dù chỉ là kỳ hạn trên 12 tháng - nên đi cùng điều kiện là chấp nhận cho phá sản ngân hàng yếu kém. Khi ấy, các ngân hàng “phá rào” sẽ bị người gửi tiền nghi ngờ và không dễ huy động vốn dù đưa ra mức lãi suất cao.

Còn nếu người gửi tiền biết rằng sẽ không có ngân hàng nào phải phá sản như hiện nay, họ có khuynh hướng tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao để gửi tiền và như thế có thể tiếp tục có những cuộc chạy đua lãi suất mới.

Một khi lãi suất huy động được đẩy lên, thì lãi suất cho vay cũng sẽ cao lên tương ứng và hy vọng về việc có thể tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ của doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Vậy nên, cần thêm thời gian để các doanh nghiệp biết họ có thực sự được “đồng hành” từ phía các ngân hàng hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần thêm thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO