Cân bằng trạng thái huy động và cho vay

THÙY CHI| 07/04/2016 01:56

Giới chuyên môn dự báo tăng trưởng tín dụng có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2016, thị trường vốn sẽ đứng trước áp lực lớn về thanh khoản và lãi suất VND sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao từ nay cho đến cuối 2016.

Cân bằng trạng thái huy động và cho vay

Lãi suất bình quân liên ngân hàng (NH) trong những tháng đầu năm 2016 dao động ở mức cao, lãi suất huy động liên tục tăng trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40%, nhiều người lo ngại điều này sẽ tác động lên thanh khoản của hệ thống NH. Thế nhưng, giới lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) không tỏ ra bi quan vì NHNN cam kết thực hiện linh hoạt việc bơm tiền và hút tiền để điều tiết thanh khoản. 

Đọc E-paper

Nếu tính từ đầu qúy IV/2015, nguồn vốn VND trên thị trường liên NH vẫn trong trạng thái dư thừa, lãi suất liên NH giữ ở mức ổn định và dao động trong biên độ hẹp.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 11/2015 tỷ giá USD/VND tăng đột biến, nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao cộng với việc các NH tái đầu tư danh mục trái phiếu chính phủ dài hạn dẫn đến thanh khoản VND gặp nhiều khó khăn và lãi suất liên NH VND biến động mạnh - tăng hơn 1%/năm, vượt mức 5% (kỳ hạn qua đêm), 5,2% (kỳ hạn 1 - 3 tuần), 5,3% (kỳ hạn 1 - 3 tháng).

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến doanh số giao dịch trên thị trường mở (OMO) trong tháng 12/2015 lên đến hơn 137.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 624 tỷ đồng phát sinh trong tháng 11/2015.

Đến nửa đầu tháng 1/2016, lãi suất liên NH giảm nhẹ (0,225 - 0,1%) so với trước đó, nhưng thanh khoản của hệ thống NH cũng xuất hiện dấu hiệu căng thẳng thể hiện lãi suất kỳ hạn qua đêm vẫn duy trì ở mức cao 4,675%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần ở mức 4,86%/năm và lãi suất 1 tháng ở mức 4,9%/năm.

Cùng thời điểm đó, một số NHTM đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2 - 0,5%/năm.

Bước sang nửa đầu tháng 3, lãi suất bình quân liên NH tăng mạnh, khoảng 0,78 - 2,18% ở các kỳ hạn qua đêm đến 1 tháng. Theo đó, lãi suất qua đêm ở mức 4,21%, lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng lên mức 4,325%/năm và lãi suất 1 tháng ở mức 4,6%/năm.

Cùng với diễn biến đó, một số NHTM bắt đầu tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, chủ yếu là kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Theo công bố của NHNN vào ngày 22/3, lãi suất bình quân liên NH qua đêm giảm xuống mức 3,71%/năm, kỳ hạn 1 tuần còn 3,88%/năm, kỳ hạn 2 tuần 3,96%/năm nhưng kỳ hạn 1 tháng đã tăng lên 4,67%/năm.

Giới chuyên môn dự báo tăng trưởng tín dụng có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2016, thị trường vốn sẽ đứng trước áp lực lớn về thanh khoản và lãi suất VND sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao từ nay cho đến cuối năm 2016, nếu NHNN không có sự hỗ trợ mạnh mẽ.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ đang có nhiều dấu hiện khởi sắc, kết thúc năm 2015 Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 233.675 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 93% kế hoạch 250.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý IV/2015, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 100.985 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khối lượng phát hành trong quý III/2015.

Điều này là do số lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn trong các tháng cuối năm nên các NH có nhu cầu mua vào để tái đầu tư danh mục.

Ngoài ra, trong tháng 11, Quốc hội đã cho phép Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm, càng góp phần làm cho thị trường sơ cấp và cả thứ cấp giao dịch sôi động hơn.

Thừa nhận rằng thị trường vốn đang diễn biến phức tạp thể hiện ở sự thiếu hụt, song một lãnh đạo phòng kinh doanh vốn của Sacombank không đánh giá điều này sẽ làm mất thanh khoản hệ thống như nhiều người dự đoán.

Bởi trước hết, việc mất cân đối trong việc thực hiện tỷ lệ cho vay và huy động đang ở mức khá thấp. Cụ thể, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tháng 1/2016 của khối NHTM có vốn nhà nước là 99,11%, khối NH TMCP đạt 79,5%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 97,22% và 78,49% so với cuối năm 2015.

Cũng theo vị này, trong năm 2015, người ta nhìn thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng mạnh hơn tốc độ huy động vốn. Cụ thể, huy động vốn tăng khoảng 13,59% so với cuối năm trước, nhưng tăng trưởng tín dụng đạt đến 18%. Tuy nhiên, người ta không nhận thấy rằng nguồn vốn huy động của NH chưa được tính cộng dồn từ nhiều năm trước để lại.

Đồng thời, chỉ tiêu quan trọng là hiện nay các NH đều cho biết kết quả huy động vốn luôn cao, kỳ hạn huy động cũng được kéo dài so với trước.

Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Thu Thảo - Phó tổng giám đốc Eximbank, kỳ hạn gửi được ưa chuộng nhất trong 3 tháng đầu năm 2016 là 12 - 15 tháng.

Ông Võ Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Dong A Bank cho biết, nhu cầu vốn liên NH tăng cao có nhiều lý do. Đơn cử, một số NH đang trong tình trạng tái cơ cấu nên một số nghiệp vụ bị thu hẹp, từ đây, các NH dựa vào nguồn vốn liên NH để hoạt động.

Một số NH khác quy mô nhỏ nên cạnh tranh huy động yếu hơn, có điều họ có đối tác, khách hàng lớn vay vốn, họ chọn giải pháp tìm nguồn vốn từ thị trường liên NH hoặc kênh hỗ trợ vốn của NHNN như OMO. 

Ngược lại, những NH lớn đang đầu tư mạnh và trái phiếu chính phủ cũng cần vốn. Tất cả điều này lý giải vì sao thị trường vốn thời gian gần đây biến động mạnh.

Tuy nhiên, đây chỉ là diễn biến nhất thời vì các NH đang có tỷ lệ huy động tốt. Bên cạnh đó, việc cho vay bất động sản đã được các NHTM kiểm soát chặt theo Thông tư 36 sửa đổi mới đây của NHNN.

Tình trạng thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn hiện tại cũng đã được cải thiện vì người dân gửi tiền đã chọn kỳ hạn dài, tập trung ở kỳ hạn 12 - 15 tháng.

Chưa kể, phía NHNN mới đây cho biết, sẽ thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra và hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.

Với những cam kết này của NHNN, rõ ràng các NHTM kỳ vọng thị trường thanh khoản cho toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục ổn định trong suốt năm 2016 này.

>“Siết” lãi suất huy động USD để phá băng găm giữ?

>Lãi suất liên ngân hàng đồng loạt tăng mạnh

> Giảm lãi suất: “Chìa khóa” nằm ở kiềm chế lạm phát?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cân bằng trạng thái huy động và cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO