Các quỹ “tiếp lửa” cho thị trường

19/03/2012 04:01

Tỷ trọng mua - bán trên 2 sàn thứ cấp của nhiều quỹ đầu tư đang gia tăng đáng kể trong hơn 1 tháng trở lại đây.

Các quỹ “tiếp lửa” cho thị trường

Tỷ trọng mua - bán trên 2 sàn thứ cấp của nhiều quỹ đầu tư đang gia tăng đáng kể trong hơn 1 tháng trở lại đây.

Đồng thời, sự tham gia tích cực của quỹ ETF sẽ tạo sóng thu hút NĐT cá nhân giao dịch sôi động trở lại.

Kịch tính phiên giao dịch buổi chiều cuối tuần trước để lại cảm xúc khó tả cho các NĐT khi vào đợt đóng cửa, một loạt blue-chip được xả ồ ạt, rớt về giá sàn, kéo VN-Index giảm 3,33 điểm. So với đỉnh trong phiên, chỉ số giảm 11 điểm.

Nhìn bảng giao dịch hiện rõ khối ngoại xả hàng, còn trên các diễn đàn, ở nhiều chat room, NĐT kháo nhau “khối ngoại dọn ổ”, “ETF tháo hàng”…

Tuy vậy, không thấy sự lo lắng vốn có mỗi khi thị trường giảm điểm bởi lệnh bán tung ra, lệnh đối ứng được đưa vào nhịp nhàng, cuối phiên phần lớn các mã chịu áp lực xả hàng vẫn có dư mua. Tính cả tuần, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 711 tỷ đồng.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của Dragon Capital cho biết, không có chuyện quỹ này mạnh tay xả hàng bằng mọi giá nhằm thu tiền mặt về. Tuy nhiên, ông này cũng cho hay, trong hơn 1 tháng trở lại đây, tỷ trọng mua - bán trên sàn của Dragon Capital tăng rất mạnh.

Giao dịch của quỹ này không hướng đến việc tạo ra lợi nhuận ngay trong các chu kỳ T+4 hoặc trong tuần, mà nhằm hướng đến việc tái cơ cấu danh mục sang các mã có triển vọng hồi phục nhanh hơn, chắc chắn hơn. “Chúng tôi tìm kiếm lợi nhuận trong trung hạn. Với những giao dịch hiện nay, chúng tôi mong đợi kết quả tốt trong khoảng thời gian sau 6 tháng - 1 năm”, vị lãnh đạo của Dragon Capital nói.

Dự báo chỉ số P/E của TTCK Việt Nam so với khu vực năm 2012

Chưa thể tiết lộ các con số về huy động vốn mới tổ chức này đang thực hiện, song đại diện của Dragon Capital cho hay, NĐT mới đang quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam.

Có thể hiểu phần nào lý do của sự chuyển biến trên qua các con số VinaCapital tính toán. Cụ thể, giá chứng khoán trên thị trường Việt Nam rẻ nhất so với các thị trường khu vực (P/E ước tính năm 2012 là 7 lần, trong khi các thị trường khác trung bình là 13-14 lần).

Các khoản đầu tư tư nhân còn hấp dẫn hơn nhiều bởi chúng có thể được mua với giá thấp hơn 25-30% so với chứng khoán niêm yết. “Thị trường Việt Nam không đắt và các nhà đầu tư tổ chức đang bận rộn mua bán các cổ phiếu có thị giá dưới giá trị”, VinaCapital trao đổi với các cổ đông.

Trong các quỹ của tổ chức này, VOF có quy mô lớn nhất với tài sản tính đến tháng 2/2012 là 716 triệu USD, tron đó tiền mặt chiếm tỷ trọng 8,7%, cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng 34,9%. Năm 2011, VOF đã bán lượng lớn cổ phiếu Phở 24 và Bệnh viện Hoàn Mỹ, năm nay họ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để thoái bớt các cổ phiếu đã đầu tư, lấy tiền mặt giải ngân cho các khoản đầu tư mới, tập trung vào những cổ phiếu niêm yết đã giảm sâu và các thương vụ M&A giá hời.

Các quỹ đóng gia tăng giao dịch, các quỹ ETF cũng tạo ra sự sôi động đáng kể cho thị trường với những thông báo mua-bán hàng chục triệu cổ phiếu ở mỗi mã chứng khoán trong danh mục họ nắm giữ. Đơn cử, từ giữa tháng 1 đến tháng 5, Vietnam ETF đăng ký giao dịch số lượng khủng (13-18 triệu cổ phiếu) các mã PPC, VCG, KLS, PVX, OGC, STB...

Động thái của các quỹ đầu tư chỉ số không chỉ thu hút quan tâm của nhà đầu tư cá nhân mà hiện nay các quỹ đóng cũng đang theo dõi sát sao. Cổ phiếu nào được ETF tăng tỷ trọng trong danh mục có khả năng tăng giá và có sóng lớn. Diễn biến giá của STB trong tuần qua là một ví dụ.

Thị trường sôi động nhưng không hẳn mọi nhà đầu tư đều dễ dàng kiếm lợi. Nhìn lại cổ phiếu PVX, một trong những mã thanh khoản nhất trên HNX để thấy, so với phiên đầu tiên của tháng 3, giá cổ phiếu PVX sau những sóng lên – xuống hiện chỉ tăng 600 đồng/cổ phiếu (thị giá PVX đóng cửa ngày 16/3 đạt 10.100 đồng).

Không ít NĐT cá nhân thời gian qua chọn đúng cổ phiếu STB để lướt sóng nhưng sóng tăng - giảm quá mạnh đã khiến họ không dám chắc tay, cắt lỗ cổ phiếu và rồi lại tiếc nuối. Với những nhà đầu tư mới, có tiền nhàn rỗi, nếu không có điều kiện bám thị trường, chắt lọc những mã an toàn thuộc những ngành ít gặp bão, doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt để bỏ vốn và đặt ngưỡng đầu tư trung hạn có lẽ là hướng đi “nương” theo các quỹ phù hợp nhất hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các quỹ “tiếp lửa” cho thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO