Bước tiến trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng

LÊ PHAN| 13/04/2017 08:31

Ngày 28/3 vừa qua, Dự thảo Luật Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu được NHNN đưa ra lấy ý kiến.

Bước tiến trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Ngày 28/3 vừa qua, Dự thảo Luật Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.

Đọc E-paper

Dự thảo với các quy định cụ thể và chi tiết về phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các biện pháp hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng được quyết định cho phục hồi, mở rộng cơ chế đặc thù cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đặc biệt là tại các tổ chức tín dụng yếu kém. 

Theo NHNN thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2016 đã giảm còn 2,46%, tuy nhiên nếu tính luôn nợ xấu đã bán cho VAMC thì tỷ lệ này lên đến 8,86%. Trong khi đó, với các tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm những tổ chức tín dụng NHNN đã mua lại vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, tiến độ phục hồi rất chậm do thiếu các cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai các giải pháp hỗ trợ từ nhà điều hành. Đối với các tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi thì các quy định pháp lý hiện nay chưa trao quyền cho NHNN giải thể bắt buộc.

Do đó, Dự thảo Luật quy định về việc đánh giá thực trạng và xây dựng phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém với thời hạn đánh giá và đề xuất là 6 tháng thuộc trách nhiệm tổ chức tín dụng và Ban Kiểm soát đặc biệt NHNN.

Nội dung đánh giá bao gồm thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ trên cơ sở báo cáo kiểm toán độc lập, thực trạng quản lý, điều hành, thực trạng hoạt động. Sau đó, Ban Kiểm soát đặc biệt sẽ trình NHNN quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định chủ trương xử lý dựa trên bảng đánh giá thực trạng đơn vị, bao gồm 3 lựa chọn: phục hồi, xử lý pháp nhân hoặc mua bắt buộc.

Đối với các tổ chức tín dụng được quyết định cho phục hồi thì trách nhiệm xây dựng phương án phục hồi sẽ do chính tổ chức tín dụng đó và Ban Kiểm soát đặc biệt xây dựng, với thời hạn một tháng sau khi có quyết định chủ trương xử lý.

Nội dung bao gồm phương án tăng vốn và thời hạn thực hiện, phương án kinh doanh trong từng giai đoạn, phương án cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành, phương án xử lý các tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục các vi phạm pháp luật, phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi và tiền vay của tổ chức tín dụng khác; biện pháp hỗ trợ cần áp dụng và thời hạn thực hiện phương án phục hồi.

>>"Mở" cơ chế xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém

Một nội dung đáng lưu ý là NHNN có thể giúp tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ phục hồi, bao gồm các biện pháp hỗ trợ hoạt động và hỗ trợ tài chính. Theo đó, tổ chức tín dụng yếu kém trong thời hạn kiểm soát đặc biệt không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro mà được phép thực hiện theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Việc xác định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được thực hiện dựa trên vốn điều lệ hoặc số vốn được góp thêm vào tổ chức tín dụng yếu kém, trong khi việc trích lập dự phòng rủi ro có thể được kéo giãn ra nhiều năm cho phù hợp với kết quả lợi nhuận trong từng thời kỳ.

Với các biện pháp hỗ trợ tài chính, NHNN cho phép tổ chức tín dụng yếu kém có thể bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên cho VAMC, được vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt, được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ với giá trị ghi sổ nhưng tối đa không quá 10 năm.

Tất cả những giải pháp hỗ trợ trên sẽ phụ thuộc vào phương án phục hồi mà các tổ chức tín dụng xây dựng và được duyệt.

Đối với các tổ chức tín dụng khi không xây dựng được hoặc không đươc phê duyệt phương án hoặc không thực hiện được phương án phục hồi, hoặc khi có quyết định chủ trương của NHNN hoặc Chính phủ thì sẽ được áp dụng phương án xử lý pháp nhân.

Theo đó, nội dung của phương án này bao gồm hình thức xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản), nội dung cụ thể tương ứng với từng hình thức xử lý, phương án chi trả tiền gửi của cá nhân bao gồm cả mức chi trả, nguồn chi trả đối với hình thức phá sản, các biện pháp hỗ trợ cần áp dụng, thời hạn thực hiện phương án.

>>Nghịch lý tín dụng: Kẻ ăn không hết, người lần không ra!

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể điều kiện áp dụng giải thế bắt buộc đối với tổ chức tín dụng không có khả năng phục hồi và có đủ điều kiện giải thể.

Đối với phương án mua bắt buộc thì điều kiện mua sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp NHNN mua bắt buộc hoặc chỉ định tổ chức tín dụng mua bắt buộc. Trình tự, thủ tục mua bắt buộc đối với trường hợp NHNN mua bắt buộc là xác định giá trị thực của vốn điều lệ và nhu cầu bổ sung vốn điều lệ, yêu cầu tăng vốn, thời hạn hoàn thành, xây dựng phương án mua bắt buộc trình Chính phủ quyết định, chỉ định ngân hàng hỗ trợ quản trị, điều hành.

Dự thảo Luât cũng quy định miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cán bộ, công chức NHNN, thành viên Ban Kiểm soát đặc biệt, nhân sự của tổ chức tín dụng được NHNN chỉ định tham gia hỗ trợ.

Dự thảo Luật cũng bổ sung một số trường hợp xét đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, như mất khả năng thanh toán, mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro và đáng lưu ý là đối với người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật thì cũng có khả năng đặt tổ chức tín dụng đó vào diện kiểm soát đặc biệt.

Đối với tiến độ xử lý nợ xấu chậm chạp tại VAMC do vướng phải những hạn chế, bất cập tại các quy định nằm ở các điều luật khác (quyền thu giữ tài sản đảm bảo của VAMC, quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...) thì NHNN đã xây dựng, sửa đổi trong Dự thảo Luật ban hành nhằm tháo gỡ tất cả các vướng mắc trên để giúp VAMC có điều kiện thuận lợi và nhiều quyền hơn trong việc xử lý thu hồi nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bước tiến trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO