Bao nhiêu, bao lâu?

THANH GIANG| 28/03/2012 03:31

Hơn 500 triệu USD vốn ngoại đã làm cho thị trường bừng tỉnh, kéo dài chuỗi tăng điểm liên tiếp. Vấn đề là lực đẩy của dòng vốn ngoại có đủ mạnh và đủ dài để tạo nên sự ổn định bền vững.

Bao nhiêu, bao lâu?

Hơn 500 triệu USD vốn ngoại đã làm cho thị trường bừng tỉnh, kéo dài chuỗi tăng điểm liên tiếp. Vấn đề là lực đẩy của dòng vốn ngoại có đủ mạnh và đủ dài để tạo nên sự ổn định bền vững.

Ước tính đã có hơn 500 triệu USD vốn ngoại rót vào TTCK Việt Nam - Ảnh: Quý Hòa

“Mua ròng” đến “mua vét”

Theo thống kê của CTCK Bản Việt (VCSC), tính riêng trong hai tháng đầu năm, các NĐT nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu Việt Nam giá trị gần 80 triệu USD.

Các thống kê cho thấy đây là mức độ tham gia tích cực nhất kể từ tháng 10/2010, tương đương 95% giá trị mua ròng trong cả năm 2011 từ khối ngoại.

Sang tháng 3 khi thị trường tăng mạnh, NĐT nội địa hưng phấn, mức độ tham gia của khối ngoại giảm xuống chút ít nhưng vẫn ở mức cao, riêng tuần trước khối ngoại mua ròng gần 20 triệu USD.

Ấn tượng đậm nét nổi bật hiện nay là các nhà đầu tư Nhật Bản với một loạt các giao dịch lớn: Trong lĩnh vực thực phẩm, ngay sau khi công ty chuyên về bánh kẹo và thực phẩm Ezaki Glico mua 14 triệu cổ phần của Công ty CP Kinh Đô mức giá gần gấp đôi trên sàn, đến lượt Tập đoàn Thực phẩm Nichirei vừa công bố mua 19% cổ phần của Công ty CP Thực phẩm Cholimex.

Vào tháng 2, Quỹ Đầu tư công nghiệp DI Châu Á (DIAIF) công bố mua 31% vốn cổ phần của Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật ngay sau khi Tập đoàn Tama Home loan báo trở thành cổ đông chiến lược của Cotecland với việc sở hữu 20% cổ phần. Cả hai công ty Việt Nam đều bán cổ phần cho đối tác chiến lược bằng mệnh giá.

Sau khi trở thành đối tác chiến lược của Y tế Việt Nhật và Nutifood, ông Shinichiro Hori, Tổng giám đốc Dream Incubator Việt Nam (công ty đang quản lý Quỹ Đầu tư DIAIF, vốn 70 triệu USD) tiết lộ trong năm nay, dự kiến sẽ tìm kiếm cơ hội 1-2 cơ hội khác tại Việt Nam.

Dự kiến quỹ sẽ giải ngân từ 3 - 15 triệu USD/khoản đầu tư. Lĩnh vực được ưu tiên sẽ là thực phẩm và đồ uống.

Ông Shinichiro cho biết, với chức năng tư vấn đầu tư, Dream Incubator nhận thấy sự quan tâm rất lớn đến thị trường Việt Nam của giới đầu tư Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và bán lẻ. Dự báo xu hướng này tiếp tục tăng lên trong năm 2012.

Trong nửa cuối tháng 3, tin tức khiến giới đầu tư chứng khoán nội địa thực sự chú ý việc một quỹ ETF (quỹ đầu tư chỉ số) mới đang được xúc tiến thành lập, đầu tư vào TTCK Việt Nam. Công ty quản lý quỹ Blackrock iShare đưa ra ý tưởng này và đã nộp đơn lên UBCK Mỹ.

Đây là “ông trùm” trong ngành quản lý quốc tế và hiện đang quản lý nhiều quỹ ETF tài sản tới hàng tỷ USD. Dù quy mô ban đầu của quỹ đầu tư vào Việt Nam mới mức khiêm tốn ở mức 10 triệu USD nhưng vẫn khiến giới nội địa hưng phấn: Trong quá khứ, một số quỹ ETF đang hoạt động tại Việt Nam khác như The Market Vector Vietnam ETF, FTSE Vietnam Index cũng bắt đầu theo cách tương tự.

Sau một thời gian thăm dò tài sản đã gia tăng lên tới hàng trăm triệu USD như hiện nay. Sau thời gian khô hạn, vốn ngoại “đâm chồi” trở lại trên TTCK Việt Nam?

Lợi thế tương quan

Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Việt Nam (VFM) nhật xét, do suy thoái kinh tế kéo dài nên lãi suất tại Nhật Bản hiện rất thấp, ở mức 2 - 4%.

Nếu khấu trừ mức biến động tỷ giá VND dự phóng trong năm nay (khoảng 3%), thì các khoản đầu tư vào trái phiếu hay cổ phiếu hưởng cổ tức có tỷ suất sinh lời danh nghĩa từ 12 - 14% đã cho mức sinh lời thực tế trên 8% cho giới đàu tư quốc tế. Con số này thực sự hấp dẫn và khiến thị trường vốn Việt Nam biến thành thỏi nam châm hút các NĐT Nhật Bản.

Cùng quan điểm này ông Marc Djandji, Trưởng bộ phận Phân tích Bản Việt nhận xét, tỷ giá ổn định và áp lực phá giá VND trong tương lai chỉ ở mức thấp cộng với các biến chuyển vĩ mô thúc đẩy khối NĐT nước ngoài gia tăng giao dịch.

Theo quan sát của ông Marc, cả ba nhóm NĐT tổ chức nước ngoài đều đã và đang hành động. Đầu tiên là một số gương mặt quỹ mới, họ mở tài khoản từ năm ngoái và nhận thấy bức tranh vĩ mô đang dần ổn định: lạm phát theo năm đang giảm dần, chênh lệch cán cân thanh toán thu hẹp...

Bây giờ là cơ hội chín muồi để hành động khi chứng khoán còn khá rẻ. Kế tiếp là một số quỹ đầu tư tới hạn giải thể vào năm ngoái nhưng đã đạt được sự đồng thuận với các cổ đông chuyển đổi thành quỹ mở.

Quý I là thời điểm họ quay trở lại giải ngân vào thị trường sau khi bán ròng cơ cấu danh mục cuối năm ngoái. Và cuối cùng, theo ông Marc là các quỹ đầu tư lâu năm, các gương mặt cũ nói chung hạn chế về nguồn lực do sự đi xuống của thị trường những năm qua nhưng các quỹ ETF vẫn thường xuyên thực hiện tái cơ cấu danh mục mạnh mẽ.

“Giá chứng khoán Việt Nam đang rẻ. Tâm lý NĐT nước ngoài lại được hỗ trợ bởi các nhận định lạc quan về kinh tế và TTCK Việt Nam từ nhiều tổ chức quốc tế như Fitch Rating, HSBC... dần thay đổi cái nhìn bi quan về TTCK Việt Nam vài quý trước đây và thúc đẩy khối ngoại hành động”, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital đã lý giải như vậy trước xu hướng mua ròng của khối ngoại vừa qua.

Ông Tuấn đánh giá, so sánh tương quan các TTCK khu vực, chứng khoán Việt Nam hiện đang có các chỉ số định giá hấp dẫn: Một nửa cổ phiếu trên sàn hiện nay có hệ số P/E thấp hơn 5 lần và gần 80% đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách (P/B).

Theo dự báo của Dragon Capital, 50 cổ phiếu hàng đầu đang được giao dịch với P/E khoảng 9 lần và dự phóng cho năm 2012 khoảng 8 lần, trong khi mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của nhóm này tới 15,5 %.

Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital dẫn một nghiên cứu tại về TTCK tại 25 quốc gia, theo đó, việc mua cổ phiếu với chỉ số P/B dưới 1,3 lần sẽ cho lợi nhuận bình quân từ 30 - 160% nếu nắm giữ cổ phiếu đó trong 1 năm.

Hiện tại chỉ số P/B của VN Index đang giao dịch ở mức 1,3 lần và của HNX là 0,7 lần. Vì vậy, ông Tuấn dự báo xu hướng mua ròng của khối ngoại vẫn sẽ tiếp diễn và trạng thái hưng phấn tiếp tục kéo dài ít nhất vài tháng tới đón đầu xu thế phục hồi của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bao nhiêu, bao lâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO