Bài toán đẩy nhanh xử lý nợ xấu

LÊ PHAN| 01/06/2017 01:36

Từ khi thành lập vào năm 2013, việc mua nợ xấu của VAMC diễn ra đều đặn và khá nhanh, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu đã mua lại rất chậm.

Bài toán đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Sau 2 tháng lấy ý kiến đóng góp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.  

Trong khi đó, một dự thảo nghị quyết về việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu cũng đang được thảo luận trong kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa XIV.

Nợ xấu cao nhưng xử lý chậm

Tính đến 31/3/2017, nợ xấu theo báo cáo tài chính của các ngân hàng là 146.661 tỷ đồng, chiếm 2,56% tổng dư nợ của toàn hệ thống là 5.728.935 tỷ đồng, tuy nhiên nếu tính luôn phần nợ xấu đã bán cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 205.659 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ xấu theo giá trị sổ sách lên đến 6,15%.

Kể từ khi thành lập vào năm 2013, việc mua nợ xấu của VAMC diễn ra đều đặn và khá nhanh, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu đã mua lại rất chậm. Cụ thể, theo thống kê vào cuối năm 2016 cho thấy tổng nợ gốc VAMC đã mua là 272.755 tỷ đồng, nhưng số nợ xấu VAMC đã xử lý được chỉ có 42.856 tỷ đồng, tương ứng chiếm 15,7% giá trị nợ gốc đã mua, trong đó gồm thu hồi nợ xấu là 27.805 tỷ đồng, bán tài sản bảo đảm và thu hồi nợ là 11.359 tỷ đồng và bán nợ 3.692 tỷ đồng.

Còn theo một báo cáo đến 31/3/2017 thì nợ xấu VAMC đã mua là 282.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu đã xử lý được là 50.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ xử lý trên giá trị mua là 17,7%, trong khi mục tiêu của VAMC đến năm 2020 là phải xử lý được 150.000 tỷ đồng nợ xấu.

Những hạn chế và vướng mắc trong hoạt động của VAMC về việc xử lý tài sản bảo đảm, xác định giá thị trường của khoản nợ, của tài sản bảo đảm với bên bán nợ hoặc bên sở hữu tài sản bảo đảm cũng đã được nói đến nhiều trong thời gian qua. Do đó, Nghị định 61 ra đời là rất cần thiết vào thời điểm này, theo đó giúp VAMC được chủ động hơn trong việc thẩm định giá của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để có thể đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Từ thẩm định giá khởi điểm...

Việc thẩm định giá khởi điểm được áp dụng trong 3 trường hợp. Thứ nhất là những khoản nợ VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đảm bảo mà không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ về giá khởi điểm để đấu giá, thứ hai là nợ xấu mua theo giá trị thị trường và thứ ba là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm để đấu giá.

Về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, nếu VAMC không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ, bên sở hữu tài sản bảo đảm thì VAMC sẽ phải thông báo công khai trên website của Ngân hàng Nhà nước và website của chính VAMC để các doanh nghiệp thẩm định đăng ký tham gia.

Sau đó VAMC có thể quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá đảm bảo theo các nguyên tắc là doanh nghiệp đủ điều kiện thẩm định giá của Bộ Tài chính và không thuộc trường hợp không được thẩm định giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Giá khởi điểm lần đầu khi bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không được thấp hơn kết quả thẩm định giá. Đáng lưu ý là nếu đấu giá không thành công thì VAMC được phép giảm giá khởi điểm với điều kiện mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó. 

Đối với khoản nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn với giá khởi điểm từ 100 tỷ đồng trở lên, VAMC phải thành lập và ban hành quy chế hoạt động của hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, bao gồm các thành viên là Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC hoặc người được Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC ủy quyền, một đấu giá viên, một đại diện tổ chức tín dụng bán nợ, đại diện các đơn vị có liên quan.

Hội đồng đấu giá được phép truất quyền tham gia cuộc đấu giá và lập biên bản xử lý đối với cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá có hành vi gây rối trật tự cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc dừng cuộc đấu giá và báo cáo người có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng để xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá hoặc khi phát hiện người điều hành cuộc đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá.

... đến dự thảo nghị quyết đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Những ngày gần đây, các phiên thảo luận của kỳ họp thứ ba Quốc hội XIV cũng nóng lên với những ý kiến xoay quanh dự thảo nghị quyết đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Được biết dự thảo nghị quyết này bao gồm 18 điều khoản và sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/7/2017.

Theo đó, một số nội dung chính được thảo luận là các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, về mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoại bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá thị trường, cho phép các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức hoặc cá nhân. Có thể thấy nghị quyết tập trung vào xây dựng khung cho thị trường mua bán nợ thứ cấp. 

Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều cho rằng không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và yêu cầu bổ sung thêm ý kiến này vào nguyên tắc xử lý nợ xấu, cũng như bổ sung thêm nguyên tắc xử lý nghiêm trách nhiệm người và tổ chức gây ra nợ xấu. Tuy nhiên đề xuất này cũng gây ra những ý kiến trái chiều, vì để xử lý cần phải xác định rõ nợ xấu gây ra là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan và nếu do các yếu tố khách quan mà cũng xử lý thì có lẽ không còn ai dám quyết định hoặc phê duyệt cho vay nữa.

Một số ý kiến cũng băn khoăn về quy định của dự thảo nghị quyết chỉ được áp dụng với các khoản nợ xấu từ 2016 trở về trước, trong khi với các khoản nợ xấu hình thành từ ngày 1/1/2017 sẽ thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành. Tuy nhiên điều này có thể gây ra sự phân biệt với các khoản nợ xấu và theo đó có sự ưu ái cho các khoản nợ xấu đã phát sinh trước đây, do đó có đề xuất là mọi khoản nợ xấu dù phát sinh trước hay sau năm 2016 đều có thể được xử lý theo quy định của nghị quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài toán đẩy nhanh xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO