Áp lực từ mục tiêu tăng trưởng tín dụng

ANH KHOA| 18/08/2017 09:00

Với quyết tâm đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên cao hơn, ít nhất là 20%. Liệu mục tiêu này có khả thi?

Áp lực từ mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Diễn biến tích cực từ đầu năm

Cần phải nói rằng việc cho vay của các ngân hàng đã thể hiện sự tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ những tháng đầu năm nay. Nếu như những năm trước đây tăng trưởng tín dụng thường rất thấp hoặc thậm chí sụt giảm trong quý I và chỉ tăng trở lại trong quý II, thì đã tăng mạnh trở lại ngay từ tháng đầu năm nay, đáng lưu ý là tăng mạnh ở cả dư nợ VND và ngoại tệ.

Mạch tăng trưởng tín dụng cao tiếp tục duy trì trong suốt những tháng qua, cho thấy nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế đã bước dầu phục hồi trở lại. Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 đạt 9,3%, tương đương 51,6% của kế hoạch 18% đặt ra cho năm 2017. Đáng lưu ý đây cũng là mức tăng tín dụng mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây.

Đã có nhiều nguyên nhân lý giải về tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian vừa qua, như nhu cầu vay USD của doanh nghiệp tăng mạnh trở lại, hay việc các ngân hàng tích cực đẩy mạnh các khoản cho vay ngắn hạn ngay từ đầu năm để tối ưu hóa vòng quay vốn cũng như đáp ứng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Với mặt bằng lãi suất thời gian qua tương đối ổn định ở mức hợp lý cùng với thị trường bất động sản, chứng khoán tăng trưởng tích cực có thể đã thúc đẩy vay vốn đầu tư vào các kênh này. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cũng tăng trưởng tích cực so với giai đoạn trước đây khi gói ưu đãi cho vay 100.000 tỷ đồng đã được ban hành theo định hướng của Chính phủ.

Những yếu tố hạn chế

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới tối thiểu ở mức 20% thì trong 5 tháng còn lại của năm nay, ngành ngân hàng phải tăng trưởng thêm ít nhất 10,7%. Thông thường việc cho vay các tháng cuối năm tăng khá mạnh, tuy nhiên để có thể đạt con số tăng trưởng như trên không phải dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.

Điều đầu tiên cần lưu ý là cho vay trong quý III thường khá chậm, đặc biệt khi rơi vào tháng 7 âm lịch vì kinh doanh thường chững lại do tập quán, nên nhu cầu vay vốn khá thấp. Thống kê cũng cho thấy nếu như đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,06% thì đến cuối tháng 7 là 9,3%, tức chỉ tăng thêm 0,24% trong vòng một tháng, rất chậm nếu so với các tháng quý I và quý II. Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ chủ yếu dồn vào trong quý IV, nhất là hai tháng cuối năm.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới tối thiểu ở 20%, thì trong 5 tháng còn lại của năm nay, ngành ngân hàng phải tăng trưởng thêm ít nhất 10,7%. Thông thường việc cho vay các tháng cuối năm tăng khá mạnh, tuy nhiên để có thể đạt con số tăng trưởng như trên không phải dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, nếu như cho vay USD sôi động trong những tháng đầu năm là một trong những yếu tố giúp tín dụng chung tăng trưởng mạnh, thì thời gian cuối năm có thể sẽ diễn tiến theo chiều ngược lại, tức các khoản vay USD hết hạn sẽ làm hạn chế mức tăng trưởng tín dụng chung. Trong khi đó, theo Thông tư 31/2016/TT-NHNN của NHNN thì cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chính thức hết hạn vào cuối năm nay và không được gia hạn thêm, do đó các khoản vay ngoại tệ bắt buộc phải được hoàn trả trước khi kết thúc năm 2017.

Thứ ba là các khoản vay ngắn hạn thời điểm đầu năm càng về cuối năm đáo hạn càng cao, do các khoản vay này thông thường có thời hạn từ 6 - 9 tháng. Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngắn hạn những tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với tín dụng trung, dài hạn, cụ thể tín dụng ngắn hạn ước tăng trên 12%, trong khi tín dụng trung, dài hạn ước tăng gần 7%, do đó nếu các khoản vay ngắn hạn này đáo hạn và khách hàng không tiếp tục vay lại cũng sẽ làm hạn chế mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm nay.

Thứ tư là độ nóng sốt thị trường bất động sản đã giảm trở lại sau khi xuất hiện hàng loạt cảnh báo từ giới chuyên gia cũng như phát ngôn chính thức từ chính quyền thành phố về khả năng quy hoạch các huyện ngoại thành tại TP.HCM, do đó nhu cầu vay vốn đầu tư vào nhà đất có thể chững lại. Với diễn biến thị trường chứng khoán đang chịu áp lực điều chỉnh thì nhu cầu vay kinh doanh chứng khoán cũng giảm trở lại.

Cuối cùng, việc các ngân hàng đang tích cực thu hồi nợ xấu cũng góp phần hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành, do mỗi khoản nợ xấu xử lý, thu hồi được đương nhiên sẽ làm số dư nợ bị giảm xuống. NHNN vừa yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, do đó việc xử lý, thu hồi nợ xấu sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực từ mục tiêu tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO