Áp lực thị trường ngoại hối đã giảm

LÊ PHAN| 11/01/2017 01:34

Thị trường ngoại hối đã có những phiên tăng giảm khá lớn theo sự biến động của đồng USD trên thị trường thế giới.

Áp lực thị trường ngoại hối đã giảm

Thị trường ngoại hối đã có những phiên tăng giảm khá lớn theo sự biến động của đồng USD trên thị trường thế giới, mặc dù cung cầu trong nước đã ổn định trở lại kể từ nửa cuối tháng 12/2016 trở lại đây.  

Đọc E-paper

Tỷ giá trung tâm USD/VND ngày 7/1/2016 ở mức 22.154đ, giảm 5 đồng, tương đương 0,02% so với cuối tháng 12/2015. Tuy nhiên, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng và thị trường tự do đầu tháng 1/2017 đã giảm mạnh hơn, với mức giảm gần 1% so với cuối năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỷ giá có xu hướng điều chỉnh ngay từ đầu năm.

Cầu ngoại tệ giảm

Đồng USD trên thị trường thế giới yếu đi trong 2 phiên ngày 5 và ngày 6/1, theo đó chỉ số USD Index đã giảm đến 1,7% trong 2 ngày này, là một trong những yếu tố đã tác động đáng kể lên diễn biến tỷ giá USD/VND trong những ngày đầu năm nay.

Đồng USD đã tăng mạnh trong năm vừa qua, nhưng hiện tại đang thiếu vắng những thông tin hỗ trợ đồng bạc xanh tiếp tục tăng, do đó có thể chịu áp lực điều chỉnh từ đỉnh cao như hiện nay.

Trong khi đó, cầu ngoại tệ trong nước đã giảm bớt áp lực từ cuối tháng 12 đến nay. Sau khi FED tăng lãi suất vào ngày 15/12, VND chỉ mất giá ở mức thấp so với USD. Cụ thể tỷ giá trung tâm USD/VND chỉ tăng 24 đồng, tương đương 0,1% so với ngày 15/12.

Điều này không như kỳ vọng của giới đầu tư, khi hầu hết cho rằng tỷ giá USD/VND có thể tăng mạnh nếu FED tăng lãi suất, và nhất là khi Ngân hàng Nhà nước trong những năm trước đây thường điều chỉnh mạnh tỷ giá vào cuối năm. Nhưng thực tế điều này đã không xảy ra trong cuối năm vừa qua.

Chính điều này đã dần triệt tiêu động lực đầu tư và đầu cơ tỷ giá trên thị trường. Dòng tiền VND gửi ngân hàng chuyển sang USD lướt sóng tỷ giá đã có sự chuyển dịch ngược lại, giúp cầu đầu tư ngoại tệ đã giảm bớt áp lực. Trong khi đó, các ngân hàng cũng đã chốt lời trên thị trường ngoại hối trong nửa cuối tháng 12, khiến nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước cho biết có thể bán ngoại tệ để can thiệp và ổn định thị trường.

>>Triển vọng của đồng USD

Nhu cầu nhập khẩu hiện nay và dự báo cho thời gian tới đã phần nào giảm so với cao điểm cuối năm vừa qua, do đó cầu ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu cũng giảm áp lực.

Bên cạnh đó, với nhu cầu chi trả tiền hàng nội địa, lương, thưởng cho người lao động cuối năm có thể đã kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ để lấy VND, nhất là khi triển vọng tăng giá ngắn hạn của đồng USD trong nước là không còn cao như trước đây.

Một số ngân hàng cũng đã tăng lãi suất VND từ nửa cuối tháng 12 đến nay, khiến việc gửi ngân hàng cũng tăng sức hấp dẫn hơn. Với việc tỷ giá trung tâm USD/VND chỉ tăng 1,2% trong suốt năm 2016 và dự báo có thể tăng tối đa 3 - 4% trong năm 2017, thì gửi ngân hàng bằng VND với lãi suất bình quân 7% kỳ hạn một năm rõ ràng có lợi hơn nhiều.

Ngược lại, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, quý III/2016 thặng dư gần 3 tỷ USD, nâng mức thặng dư 9 tháng năm 2016 lên hơn 9,6 tỷ USD.

Bất chấp tỷ giá trung tâm

Theo cập nhật mới nhất, tỷ giá trung tâm USD/VND trong ngày 9/1 đã bất ngờ tăng 14 đồng so với cuối tuần trước, và tăng 9 đồng so với đầu năm nay. Tuy nhiên, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại vẫn trong xu hướng giảm. Mức tăng của tỷ giá trung tâm trên chủ yếu bắt nguồn từ sự phục hồi của đồng USD trên thị trường thế giới. Cụ thể, chỉ số USD Index đã tăng trở lại trong ngày cuối tuần trước, với mức tăng 0,8%.

Thị trường lao động của Mỹ tiếp tục cải thiện là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong phiên cuối tuần qua. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng 4,7%, trong khi mức lương tăng 2,9% so với tháng 12/2015.

>>Tín hiệu thất vọng từ thị trường lao động Mỹ

Như đã nói, hiện tại cung cầu ngoại tệ đã ổn định trở lại, do đó những biến động của tỷ giá trung tâm hiện nay chủ yếu chịu sự tác động của đồng USD trên thị trường thế giới. Với việc FED có thể tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm nay, dự kiến tỷ giá USD/VND trong nước có thể có những giai đoạn biến động trước mỗi kỳ họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).

Thông thường FOMC họp định kỳ 8 lần trong một năm, tức khoảng 6 tuần/lần. Diễn biến năm vừa qua cho thấy các cuộc họp vào tháng 4, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 là những thời điểm đồng USD biến động khá mạnh do giới đầu tư kỳ vọng lãi suất cơ bản đồng USD có thể điều chỉnh tăng trong những lần họp này.

Do đó, dự kiến năm 2017 điều này có thể tiếp tục diễn ra, tức tỷ giá USD/VND có thể chịu áp lực vào những thời điểm như đã nêu khi đồng USD có thể tiếp tục đi lên trên thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực thị trường ngoại hối đã giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO