Ai là chủ nhân của 5.500 tỉ đồng?

05/03/2014 06:18

Tiếp nối các phiên tăng mạnh hồi đầu năm, giá trị giao dịch trên cả hai sàn tại phiên ngày 20/2 vừa qua đã vọt lên gần 5.500 tỉ đồng.

Ai là chủ nhân của 5.500 tỉ đồng?

Tiếp nối các phiên tăng mạnh hồi đầu năm, giá trị giao dịch trên cả hai sàn tại phiên ngày 20.2 vừa qua đã vọt lên gần 5.500 tỉ đồng. Phiên giao dịch kỷ lục trong lịch sử là phiên ngày 23/10/2009 khi giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt gần 10.000 tỉ đồng.

Giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đã tăng vọt lên gần 5.500 tỉ đồng trong phiên ngày 20/2.
Xét về giá trị, có thể phiên ngày 20/2 mới chỉ bằng một nửa, nhưng tính trên khối lượng giao dịch trong phiên lại nhiều gấp đôi với 408 triệu cổ phiếu. Vậy động lực nào đã khiến thị trường tăng đột biến và số tiền 5.500 tỉ đồng đến từ đâu?

> Điểm mặt cổ phiếu tăng giá khủng

Tiền nội là chính

Giá trị giao dịch toàn thị trường có xu hướng tăng mạnh từ cuối năm qua. Nhưng đến đầu tháng 2.2014, những phiên có giá trị lớn bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Phiên ngày 20/2 là đáng chú ý nhất khi giá trị giao dịch tăng gần 70% so với các phiên liền trước và gấp gần 4 lần giá trị giao dịch trung bình của năm 2013.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự hưng phấn này, nhưng theo chuyên gia tài chính Hoàng Thạch Lân, lý do chính là kỳ vọng về quy định nới room (giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài).

Cuối tháng 9 năm ngoái, đã xuất hiện thông tin về dự thảo nới room từ 49% lên mức 60%. Quá trình tăng điểm của thị trường cũng bắt đầu từ tháng 11/2013 trên sàn TP.HCM; còn ở sàn Hà Nội thì sớm hơn 1 tháng. Nhưng động lực đẩy thị trường lên cao trào như phiên kỷ lục vừa rồi lại xuất hiện từ đầu năm nay khi có thông tin cho rằng quy định nới room có thể sẽ được ban hành trong tháng 2/2014. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sau khi nới room, tiền của khối ngoại sẽ đổ vào chứng khoán nhiều hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Yun Hang Jin, Giám Đốc Khối Thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (KIS) của Hàn Quốc, cho biết các thông tin về kinh tế vĩ mô cũng hỗ trợ không ít. Điều này đã thu hút một lượng đáng kể vốn ngoại, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2013. Nhưng theo ông, nhà đầu tư ngoại không hẳn đã góp mặt nhiều trong phiên 20/2. Trong phiên này, họ chỉ mua ròng khoảng 160 tỉ đồng.

Nhà đầu tư nội mới là người tham gia chính trong phiên đột biến nói trên. Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS), chứng khoán hiện được xem là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, nên dòng tiền đầu tư chủ yếu đổ vào đây. Khi thị trường tăng điểm, sẽ xảy ra tình trạng “vơ bèo vạt tép”, nghĩa là khi cổ phiếu tốt tăng giá thì sẽ có cổ phiếu yếu kém tăng theo do đầu cơ, kéo toàn thị trường đi lên.

Dòng tiền từ margin (vay ký quỹ) cũng góp phần lớn vào việc thị trường tăng đột biến hôm 20/2. Ông Khánh cho rằng: “Có khoảng 40% giá trị của phiên ngày 20.2 đến từ nguồn tiền margin”. Dòng tiền từ margin đã tăng mạnh từ cuối năm 2013 khi nhiều công ty chứng khoán thông báo hạ lãi suất cho vay margin. Hơn nữa, số nhà đầu tư chấp nhận rủi ro đi vay thêm bên ngoài cũng không phải là ít.

Một nhà đầu tư (không muốn nêu tên) tại sàn Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) chia sẻ, bạn ông là chủ một doanh nghiệp đã dùng tiền vay ngân hàng hơn 23 tỉ đồng (dành cho sản xuất), nhưng chưa đến hạn trả, rót hết vào chứng khoán. Người này cũng vay margin thêm. Bởi vậy, khi thị trường vừa có dấu hiệu giảm điểm, người này đã bán ra hết cổ phiếu nắm giữ để lấy tiền trả nợ.

Mất dần lợi thế giá rẻ

Sau các phiên tăng mạnh, giá trị giao dịch toàn thị trường đã giảm nhiều. Kèm theo đó là lo ngại về áp lực bán ra chốt lời từ những nhà đầu tư đã trót mua vào ở phiên đột biến.

Theo ông Khánh, MSBS, dòng tiền chốt lời phiên 20/2 trước sau gì cũng quay lại thị trường. Tuy nhiên, sau phiên giảm điểm với khối lượng giao dịch đột biến này, thị trường có thể sẽ điều chỉnh giảm nhẹ vài phiên trước khi tăng tiếp.

Nhìn vào lịch sử giao dịch, ông Hoàng Thạch Lân nhận xét đầu năm tăng mạnh nên cuối năm có thể khó lặp lại hoặc có thể bị giảm. “Để tiếp sức cho những phiên tăng ấn tượng như đầu năm, cần có những thông tin tốt có sức tác động mạnh”, ông nói.

Ông Yun, KIS, thì lưu ý, lợi thế giá cổ phiếu rẻ của Việt Nam đang giảm dần. Chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) của thị trường Việt Nam đã liên tục tăng từ năm 2011 đến nay. P/E của Việt Nam tháng 2.2014 là 12 lần, xấp xỉ thị trường Thái Lan và cao hơn Trung Quốc khá nhiều (8 lần).

Tuy nhiên, xu hướng thị trường năm 2014 vẫn được đánh giá là tăng điểm. “Thị trường sẽ còn nhiều phiên tăng điểm mạnh với khối lượng giao dịch lớn hơn nữa”, ông Khánh đánh giá. Ông dự báo VN-Index có thể đạt 600-630 điểm, thậm chí 700 điểm vào cuối năm nay. Ông còn nói tháng 3.2014 là lúc toàn thị trường sẽ tăng điểm trở lại.

Ông Yun cũng lạc quan khi cho biết cuối năm rồi, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ra khỏi nhiều thị trường mới nổi nhưng vẫn rót thêm tiền vào Việt Nam. Triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô và các chính sách hỗ trợ ngày càng nhiều sẽ là động lực để họ tiếp tục mua ròng. “VN-Index có thể đạt 600 điểm trong năm 2014, nhưng theo tôi, nhà đầu tư chỉ nên chọn mua những cổ phiếu có nền tảng tốt”, ông nói.

Đầu tư vào cổ phiếu tốt, đứng đầu ngành cũng là quan điểm của ông Khánh, MSBS. Theo ông, thị trường chỉ tăng điểm mạnh khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt này tăng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai là chủ nhân của 5.500 tỉ đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO