2 nhân tố đặc biệt nhà đầu tư cần lưu tâm

TUẤN THÀNH| 06/01/2018 03:34

Đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng là một công việc kỳ lạ. Ở đó, nhà đầu tư phải sử dụng những số liệu, những nhân tố trong quá khứ và hiện tại để dự đoán kết quả xảy ra trong tương lai. Nhưng cũng chính vì sự kỳ lạ này mà đầu tư trở thành một lĩnh vực vô cùng thu hút.

2 nhân tố đặc biệt nhà đầu tư cần lưu tâm

Khi tìm ra được những nhân tố quan trọng, những điểm nhìn đúng để thấy được tiềm năng trong mỗi thương vụ đầu tư, xác suất dự đoán chính xác tương lai của nhà đầu tư sẽ ngày càng tăng.

Dựa trên những quan điểm, kinh nghiệm, góc nhìn của các chuyên gia đầu tư hàng đầu thế giới, dưới đây là 2 điểm nhìn quan trọng mà nhà đầu tư nên đặc biệt lưu tâm.

Dòng tiền

Nếu xem doanh nghiệp là một cơ thể sống thì dòng tiền chính là máu trong cơ thể đó. Dòng tiền giúp doanh nghiệp duy trì các hoạt động của mình, đáp ứng kịp thời các chi phí, giải quyết các vấn đề công nợ… Và với Poonkulali Thangavelu - chuyên gia đầu tư chứng khoán và cây bút chuyên về đầu tư cho các trang như Yahoo! Finance, Fox Business, MSN Money… thì dòng tiền chính là một trong những nhân tố thể hiện rõ nhất sức khỏe thực sự của một doanh nghiệp.

Link bài viết

Cụ thể, một doanh nghiệp có dòng tiền mạnh là doanh nghiệp có thể phần nào tự chủ trong vấn đề kinh doanh hằng ngày và tránh được những ảnh hưởng của nợ vay. Với một doanh nghiệp có dòng tiền yếu, họ thường phải sử dụng nợ vay để tài trợ vốn lưu động và nếu sử dụng không hiệu quả thì lượng nợ vay họ sử dụng sẽ gia tăng theo thời gian. Qua đó khiến cho quyền lực đàm phán của doanh nghiệp trở nên yếu thế hơn so với những chủ nợ của mình. Điều này dễ dàng tạo ra xung đột, do mục tiêu của chủ nợ và doanh nghiệp thường rất khác biệt.

Phân tích sâu hơn, Poonkulali Thangavelu và các chuyên gia đầu tư đều cho rằng, một trong những lý do lớn khiến dòng tiền của doanh nghiệp trở nên cạn kiệt, ngoài việc kinh doanh sa sút, còn đến từ việc doanh nghiệp bị các đối tác chiếm dụng vốn quá lâu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang lệ thuộc quá nhiều vào một số khách hàng và tạo ra rủi ro tín dụng rất cao cho doanh nghiệp, mặt khác, cũng có thể việc theo dõi các khoản nợ của doanh nghiệp đang gặp vấn đề lớn.

“Có nhiều yếu tố quanh dòng tiền bạn có thể phân tích, nhưng hãy luôn nhớ, một doanh nghiệp không có khả năng quản lý dòng tiền một cách chính xác và phù hợp thì tương lai doanh nghiệp đó rất khó thành công”, Poonkulali Thangavelu chia sẻ.

Ngoài ra, có quá nhiều tiền mặt cũng là một điều không tốt, vì doanh nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội để đầu tư và tạo thêm thu nhập trong tương lai. Do đó, nhà đầu tư cũng cần xem xét sự cân bằng trong cấu trúc tài chính mà doanh nghiệp sở hữu.

Tiền mặt thực trên mỗi cổ phiếu

Nhân tố thứ hai được các chuyên gia đầu tư đề cập là tiền mặt thực trên mỗi cổ phiếu (net cash per share). Các chuyên gia đầu tư của trang Investopedia.com (website chuyên về đầu tư, có trung bình 2,5 triệu người truy cập hằng tháng và được định giá hơn 80 triệu USD) đặc biệt khuyên nhà đầu tư nên thận trọng khi so sánh giữa tiền mặt thực trên mỗi cổ phiếu và giá của cổ phiếu đó trên thị trường.

Để tính tiền mặt thực trên mỗi cổ phiếu, ví dụ đơn giản nhất, giả sử có 10 triệu cổ phiếu của công ty X đang lưu hành và giao dịch trên thị trường với giá 10.000 đồng/CP. Bảng cân đối kế toán mới nhất của công ty này cho thấy tiền mặt đang nắm giữ của công ty là 150 tỷ đồng và nợ vay 25 tỷ đồng. Như vậy, tiền mặt thực sự của doanh nghiệp (cash minus debt) là 125 tỷ (150 tỷ – 25 tỷ), và tiền mặt thực trên mỗi cổ phiếu (net cash per share) sẽ là 12.500 đồng/CP (125 tỷ/10 triệu cổ phiếu).

Nhiều nhà đầu tư cho rằng những cổ phiếu như của công ty X đang được bán với giá thấp hơn giá trị thực, nên đó là dạng cổ phiếu siêu tiềm năng để mua trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá cổ phiếu thấp hơn so với tiền mặt thực trên mỗi cổ phiếu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu thực sự tốt. Bởi việc cổ phiếu có giá thấp có thể là một dấu hiệu cho thấy đa số nhà đầu tư đang nghĩ rằng công ty có giá trị thấp, không có tiềm năng phát triển trong tương lai, các dự án đầu tư thiếu khả năng sinh lợi, hoặc nhà đầu tư nghi ngờ giá trị của báo cáo tài chính doanh nghiệp công bố…

“Nếu do thị trường đang giảm điểm, nhà đầu tư lo lắng, khiến nhiều cổ phiếu đồng loạt giảm giá, hoặc do công ty đó có mức vốn hóa nhỏ nên bị các nhà đầu tư và các phương tiện truyền thông bỏ qua, thì cổ phiếu như của công ty X mới thực sự là một lựa chọn tốt và ít rủi ro cho bạn”, các chuyên gia của Investopedia.com chia sẻ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, một doanh nghiệp nếu sở hữu các giá trị thực sẽ hiếm khi để giá cổ phiếu giao dịch thấp hơn giá trị thực trong một thời gian dài. Bởi một khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại, thị trường nhìn thấy tiềm năng của cổ phiếu, hoặc một công ty đối thủ cảm nhận rủi ro nên phải mua lại doanh nghiệp… thì giá của cổ phiếu chắc chắn sẽ sớm vượt qua tiền mặt thực trên mỗi cổ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 nhân tố đặc biệt nhà đầu tư cần lưu tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO