Ứng phó kịp thời với bệnh viêm phổi ở trẻ em

TÚ UYÊN (Tổng hợp)| 29/12/2016 04:55

Viêm phổi là tình trạng tổn thương cấp tính ở phổi do sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng. Thời điểm giao mùa, nhiều trẻ bị mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, chiếm tỷ lệ khoảng 30%.

Ứng phó kịp thời với bệnh viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi là tình trạng tổn thương cấp tính ở phổi do sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng. Thời điểm giao mùa, nhiều trẻ bị mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, chiếm tỷ lệ khoảng 30%.

Đọc E-paper

Ai cũng có thể mắc bệnh viêm phổi nhưng bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, trẻ sống ở nơi đông đúc và chật chội, điều kiện vệ sinh kém và có cha mẹ hút thuốc lá. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ mùa nào trong năm nhưng thường tập trung vào thời điểm giao mùa.

Tác nhân và triệu chứng thường gặp

Tùy theo độ tuổi, cơ địa của trẻ mà tác nhân gây bệnh có khác nhau. 

Độ tuổi sơ sinh. Trẻ mắc bệnh do lây từ người mẹ, người đỡ khi sinh, nhân viên chăm sóc và dụng cụ bị nhiễm khuẩn. Sau vài ngày đầu chào đời, trẻ bắt đầu có biểu hiện khó thở, nhịp thở nhanh (trên 60 lần/phút), cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức, liên sườn. Do khả năng đề kháng quá yếu nên có khoảng 50% trẻ sẽ tử vong dù được tích cực điều trị.

Trẻ từ 13 - 18 tháng tuổi. Vào mùa lạnh, trẻ thường mắc bệnh viêm phổi do bị nhiễm vi khuẩn phế cầu. Dấu hiệu khởi phát gồm có các triệu chứng ho, sổ mũi, ngạt mũi, chán ăn, trẻ đột ngột sốt cao, quấy khóc, bứt rứt, vật vã, thở nhanh, khò khè, cánh mũi phập phồng, vã mồ hôi, tím tái. Trong khi đó, tụ cầu cũng là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 1 tuổi, kèm theo diễn tiến nhanh và trầm trọng hơn. Bên cạnh các biểu hiện viêm phổi do phế cầu và Hemophilus Influenzae (vi trùng thuộc loại cầu trực khuẩn), trẻ còn xuất hiện tình trạng viêm da, mụn nhọt, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Trẻ dưới 4 tuổi. Với triệu chứng tương tự như bị nhiễm phế cầu, Hemophilus Influenzae là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp ở trẻ độ tuổi này.

Trẻ từ 4 - 5 tuổi. Liên cầu khuẩn là tác nhân gây viêm phổi ở trẻ. Khởi đầu với một hay nhiều ổ nhiễm trùng ở da, mô mềm, trẻ đột ngột sốt cao, lạnh run, suy hô hấp, rối loạn tri giác, sốc và tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Nhìn chung, ở trẻ em có hơn 80% trường hợp viêm phổi là do vi rút. Chỉ sau vài ngày đầu có biểu hiện nhiễm siêu vi như: sốt, ho, sổ mũi, đau họng, trẻ bắt đầu thở mệt, nhịp thở nhanh, co kéo khoang liên sườn. Nếu không được điều trị thích hợp, trẻ có thể tử vong nhanh chóng do suy hô hấp. Ngoài những vi khuẩn và vi rút gây bệnh thường gặp, nấm và ký sinh trùng có thể là nguyên nhân gây viêm phổi ở những trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng và suy giảm hệ miễn dịch. Những trẻ có tình trạng rối loạn phản xạ bú nuốt, có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, rò khí thực quản, khóc hay cười giỡn trong khi ăn uống có thể bị viêm phổi do sặc và hít phải cháo, sữa, dịch dạ dày vào phổi. Sau khi hít phải các chất này một thời gian ngắn, trẻ có biểu hiện viêm phổi với các triệu chứng, như sốt cao, thở khò khè, khó thở.

Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị bệnh

Ngay khi phát hiện trẻ có biểu hiện viêm phổi, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện hay cho trẻ điều trị tại nhà. Thời gian điều trị khoảng 1 - 2 tuần lễ hoặc dài hơn, tùy vào nguyên nhân và diễn tiến của bệnh.

Không nên cho trẻ kiêng cữ ăn uống. Khuyến khích trẻ ăn uống bình thường để bù lại năng lượng bị thiếu hụt.

Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều bữa trong ngày.

Nếu ngạt mũi có thể gây khó khăn cho việc ăn uống và hô hấp của trẻ, hãy dùng nước muối sinh lý hay nước biển sâu để vệ sinh mũi thường xuyên. Thỉnh thoảng có thể dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch dịch mũi ứ đọng trong hốc mũi, giúp trẻ dễ thở và ít ho hơn.

Cho trẻ nằm nghỉ trong phòng ít ánh sáng, yên tĩnh và thoáng mát.

Giữ ấm cho trẻ là cần thiết, nhưng tránh ủ ấm quá mức vì sẽ làm trẻ ngột ngạt, khó chịu và khó hạ nhiệt khi sốt cao.

Tránh cho trẻ bị bệnh tiếp xúc với những trẻ khác.

Để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh, người lớn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước ấm, đặc biệt trước và sau khi đi vệ sinh, chăm sóc hay cho trẻ ăn uống. Tuyệt đối không hút thuốc lá vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn làm cho tình trạng bệnh của trẻ ngày càng xấu hơn.

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ, việc chăm sóc tích cực sẽ giúp trẻ mau chóng hồi phục. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu tình trạng của trẻ không cải thiện hay trở nặng, nhất là khi trẻ khò khè, thở nhanh, co kéo nhiều, tím tái.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Người mẹ cần ăn uống đầy đủ khi mang thai, khám thai đều đặn để bảo đảm thai phát triển tốt, giảm thiểu nguy cơ sinh non, nhẹ cân hay mắc các dị tật và bệnh lý bẩm sinh.

Cho trẻ tiêm chủng chống lại nhiễm trùng phế cầu khuẩn. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, tất cả trẻ từ 2 tháng tuổi cần một mũi tiêm chủng phòng phế cầu khuẩn, còn gọi là PCV13. Các mũi tiêm tiếp theo vào lúc 4, 6 và 12 cho đến 15 tháng tuổi.

Giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh.

Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.

>>Dị ứng thực phẩm: Bệnh thường gặp ở trẻ em

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng phó kịp thời với bệnh viêm phổi ở trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO