Trở về trước khi quá trễ

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG| 02/06/2008 06:02

Nếu không biết cách tận dụng cây cỏ quanh mình để làm phương thuốc chống chọi với bệnh tật, con người chắc đã bị diệt vong ngay từ ngày đầu của lịch sử tiến hóa. Liên tục trong nhiều thế kỷ, từ thời đại này qua thế hệ khác, con người đã từng bước thu thập kiến thức về cây thuốc và đúc kết kinh nghiệm thành qui luật ứng dụng

Trở về trước khi quá trễ

Nếu không biết cách tận dụng cây cỏ quanh mình để làm phương thuốc chống chọi với bệnh tật, con người chắc đã bị diệt vong ngay từ ngày đầu của lịch sử tiến hóa. Liên tục trong nhiều thế kỷ, từ thời đại này qua thế hệ khác, con người đã từng bước thu thập kiến thức về cây thuốc và đúc kết kinh nghiệm thành qui luật ứng dụng.

Đất nước nào cũng thế, dù dưới trời Đông hay tận phương Tây cũng đều có kho tàng kinh nghiệm riêng biệt về cách áp dụng dược liệu thiên nhiên. Dù quí hiếm như củ nhân sâm hay thông thường như lá rau tía tô, cây thuốc đã và đang là một phần không thể tách rời cuộc sống của con người.

Cho đến thập niên 50 của thế kỷ trước, 90% dược phẩm lưu hành ở châu Âu còn là thuốc được dẫn xuất từ cây cỏ, khoáng chất... Sau đó, trong nhiều thập niên liên tiếp, dược phẩm thiên nhiên càng lúc càng phải chịu lép vế trước tiến bộ nhảy vọt của công nghệ sản xuất dược phẩm từ hóa chất.

Kinh nghiệm bao ngàn năm bỗng lu mờ trước ánh sáng chói lòa của ngọn đèn thực nghiệm, không chỉ vì thuốc cây cỏ không hiệu quả bằng thuốc hóa chất mà còn vì đa số dược phẩm tổng hợp có giá thành thấp hơn. Khoa học đã mạnh nhưng đồng tiền còn mạnh hơn!

Cho đến gần cuối thế kỷ 20, người ta vẫn tưởng dược phẩm bào chế từ dược thảo phải cam phận lùi vào quá khứ. Nhưng không phải thế, từ hai thập niên gần đây, thuốc với hoạt chất thiên nhiên đã trở thành đề tài nghiên cứu hàng đầu của tất cả các đại gia trong kỹ nghệ làm thuốc.

Họ tất nhiên phải có lý do chính đáng và khẩn thiết nào đó. Đúng vậy! Thức lâu mới biết đêm dài. Các hãng thuốc lớn sở dĩ phải thay đổi chiến lược kinh doanh là vì không thể chối cãi một thực tế ngoài dự kiến. Đó là phản ứng phụ nghiêm trọng của nhiều loại thuốc tổng hợp bỗng bộc lộ sau thời gian dài áp dụng.

Thêm vào đó, dược phẩm có nguồn gốc từ dược thảo còn có thêm lợi điểm nhờ tác dụng cộng hưởng của nhiều hoạt chất sinh học trong cây thuốc.

Ngay cả khi phối hợp nhiều cây thuốc trong một chế phẩm thì phản ứng tương tác giữa các vị thuốc thừa kế từ công thức lưu truyền qua kinh nghiệm dân gian vẫn dễ kiểm soát hơn phản ứng khó lường giữa nhiều loại hóa chất tổng hợp trong cơ thể con người.

Nếu hiện tượng quay trở lại trị bệnh với thuốc cây cỏ không còn xa lạ với người dân Âu - Mỹ thì đáng tiếc vô cùng là nhiều người bệnh xứ mình vẫn chưa tìm về thiên nhiên. Ít ai ngờ nổi là đến 70% dược phẩm đang phổ cập ở nhiều nước châu Âu là thành phẩm dẫn xuất từ cây thuốc.

Không có gì khó hiểu, theo thống kê của viện thăm dò Allensbach ở Đức, có đến gần 80% người dân nước này mong muốn được điều trị bệnh với thuốc không có phản ứng phụ.

Thực trạng đó càng hợp lý khi không dưới 60% thầy thuốc Tây phương tin tưởng vào tác dụng của cây thuốc thông qua kết quả đáng tin cậy của hàng trăm công trình nghiên cứu qui mô. Nếu người bệnh muốn, lại thêm thầy thuốc cũng chịu thì thuốc được ưa chuộng là điều đương nhiên.

Trong khi ngành dược thảo liệu pháp (phytotherapy) không những hồi sinh mà còn tăng sinh ở nhiều nơi trên thế giới, thì dược phẩm được bào chế từ cây thuốc ở nước mình vẫn còn chịu cảnh hẩm hiu.

Vấn đề không còn ở chỗ tranh cãi liệu cây thuốc có tác dụng hay không. Điểm gút mắc hiện nay là liệu có bao nhiêu thầy thuốc sẵn sàng chấp nhận dùng thuốc cây cỏ vì sự an toàn của người bệnh?

Tất nhiên nếu người bệnh chưa được thông tin đúng mức về hiệu năng của dược thảo, nếu thầy thuốc chưa được thuyết phục qua kết quả rõ ràng của công trình nghiên cứu đúng bài bản thì biếu không cũng khó có người chịu uống thuốc.

Ngày nào vấn đề nêu trên chưa được giải đáp thỏa đáng, ngày đó người bệnh còn chịu thiệt thòi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trở về trước khi quá trễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO