Tâm hại thân

NGUYỄN LỮ| 07/01/2010 08:29

Lo nghĩ là ý thức của con người bình thường. Thế nhưng, chứng “cả nghĩ” ở nhiều người có thể biến chứng thành một dạng tâm bệnh, nếu không điều trị kịp thời sẽ trở thành nỗi ám ảnh cả đời...

Tâm hại thân

Lo nghĩ là ý thức của con người bình thường. Thế nhưng, chứng “cả nghĩ” ở nhiều người có thể biến chứng thành một dạng tâm bệnh, nếu không điều trị kịp thời sẽ trở thành nỗi ám ảnh cả đời...

Thành viên của một trang web trẻ thơ than thở trên nhật ký của mình: “Đôi khi em ước có thể quên đi tất cả bởi vì cuộc sống quá nhiều lo lắng. Nghĩ đến chồng, sợ mất chồng. Nghĩ về con, nơm nớp sợ bệnh tật, tai ương. Nghĩ về mẹ, lo lắng ngày nào không còn mẹ nữa. Nghĩ về công việc, lo năm sau không suôn sẻ như năm nay. Nghĩ đến bản thân, liệu ngày mai sẽ gặp gì bất trắc?...”.

Những lo lắng, sợ sệt “liên tu bất tận” kiểu này không hiếm, ngược lại, khá nhiều người mắc phải như một chứng bệnh đời sống thời công nghiệp. Bệnh không phát, không biểu hiện cụ thể, tưởng đơn giản nhưng hậu quả khá trầm kha. Trong cuốn Câu chuyện thầy lang, bác sĩ Nguyễn Ý Đức cho rằng: “Lo âu là phản ứng bình thường của con người khi gặp khó khăn, căng thẳng, hoàn cảnh ngang trái, hoặc bị đe dọa.

Lo âu đôi khi cũng có lợi. Nó giúp người ta vượt qua khó khăn, hoặc đề phòng hoàn cảnh hiểm nguy có thể xảy ra. Nhưng nếu quá lo âu, nghĩ ngợi đến nỗi mất ăn, mất ngủ, không làm công việc hằng ngày được thì là bất thường và có thể là bị bệnh”. Điều đáng nói là ít ai nghĩ “lo âu“ lại là một căn bệnh cần được điều trị. Tại Hoa Kỳ, lo âu đứng hàng đầu trong số các tâm bệnh, nhưng chỉ 25% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị.

Cũng theo bác sĩ Đức, “bệnh lo âu” rất phức tạp với nhiều biểu hiện khác nhau. Có thể là “hoảng sợ”: người bệnh thường bị trầm cảm, buồn phiền, xa lánh mọi người. Khi thì “lo âu toàn diện”: người bệnh luôn ở trong tình trạng căng thẳng, sợ hãi bâng quơ (không có nguyên nhân). Không ít người lại “ám ảnh sợ hãi” với nỗi sợ thái quá những sự việc thường xảy ra và những nơi thường lui tới. Nghe chuyện này mới nhớ chị Hà “vô trùng” ở cơ quan. Nhiều người đến mệt với bệnh “thích rửa tay” của chị. Một ngày chị đi tới đi lui, rửa tay hàng chục lần. Chị né người khác chạm vào tay, tóc mình “như phải hủi” khiến nhiều người mếch lòng... Chị nói mọi người thông cảm vì chị rất sợ bị nhiễm virus!

Tại buổi nói chuyện về chuyên đề: “Giải độc cơ thể” cuối tháng 11 qua, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cũng cho rằng: “Lo âu phát sinh từ chính cuộc sống và môi trường xã hội. Chẳng hạn, trẻ từ 12 tuổi đã chứng kiến các vụ giết người, hành động bạo lực trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì thế, hàng trăm ngàn trẻ 8 - 12 tuổi được kê toa điều trị trầm cảm hằng năm tại Mỹ. Trong môi trường gia đình, mỗi trẻ em 2 tuổi Việt Nam phải nghe 432 lời tiêu cực mỗi ngày, nhưng chỉ nghe được 32 câu tích cực...”.

Bác sĩ Hưng cho rằng, đa số bệnh tật có nguồn gốc từ tâm chuyển qua thân, chiếm 75 - 95%. Đơn cử, chúng ta có thể tự nhận thấy ý nghĩ tiêu cực tạo nên các phản ứng nhạy cảm của toàn cơ thể, như sợ đứng tim, tiếc đứt ruột, lo điên đầu... Trong khi đó, stress tạo các phản ứng thần kinh, hormone bất lợi cho cơ thể, tạo hàng loạt độc tố hủy hoại tế bào.

Chăm sóc tinh thần trong cuộc sống hiện đại là một nhu cầu quan trọng. Do đó, cần có những biện pháp làm giảm bớt phiền muộn, giúp con người sống tốt hơn. Để giải độc cho tâm hồn, liệu pháp tập luyện của bác sĩ Hưng khá đơn giản: Chỉ cần co, duỗi kết hợp thở sâu, phương pháp này có tác dụng giúp giảm stress, căng cơ, căng thẳng, tăng lượng oxy vào cơ thể, tăng đào thải carbon và độc chất, chất thải chuyển hóa.

Trong cuộc sống có rất nhiều tiêu cực xung quanh chúng ta, từ hành vi, cảm xúc, ý nghĩ của người khác đến tiêu cực xã hội, các rắc rối, trở ngại, các tình huống trái ngang trong cuộc sống, công việc... Bác sĩ Hưng khuyên là không nhất thiết phải dung nạp tất cả, hay nói đúng hơn là không nên trở thành “thùng chứa rác”, điều gì đến với bạn không quan trọng, bạn nghĩ về chúng như thế nào mới quan trọng. Đã không là thùng chứa rác thì càng không nên là nơi sản xuất “rác”: Hãy để quá khứ là quá khứ. Điều gì đã qua, bạn không thể thay đổi dù nó xảy ra cách đây chỉ năm phút”.

Bao nhiêu lần chúng ta ngồi gặm nhấm những nỗi buồn, bệnh tật, những thất bại trong quá khứ. Người khác nói những lời sỉ nhục bạn, vậy mà bạn lặp lại bao nhiêu lần trong đầu. Tha thứ cho họ thực chất là giải thoát, chỉ giữ lại những kinh nghiệm và không lặp lại sai lầm. Qua tìm hiểu, 85% nỗi lo lắng sẽ không xảy ra nếu bạn bình tĩnh nhìn thẳng vào những rắc rối, vì chúng sẽ nhỏ dần và biến mất.

Tương lai là kết quả của hành động bây giờ. Do đó, mỗi người cần thay đổi tiếng nói bên trong, biến nó thành người bạn tốt nhất thay vì là kẻ thù nguy hiểm nhất. Chúng ta nên chỉ thấy những điều tốt đẹp, chỉ nghe những điều có giá trị, chỉ nói những điều mang lại lợi ích. “Nhận biết kho báu vô hạn bên trong, phát triển nó bằng cách ban tặng nó và có lòng trân quý bản thân”, bác sĩ Kim Hưng kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tâm hại thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO