Phòng mạch mini

Bác sĩ CAO THANH NGỌC| 06/06/2009 00:21

Tôi năm nay 35 tuổi, lập gia đình được hai năm, hiện đang mang thai cháu đầu tiên. Thời gian gần đây, tôi thường thấy chóng mặt, hoa mắt và nhịp tim tăng mặc dù không vận động nhiều, huyết áp đo được 150/90mmHg. Tôi có nghe nói đến tăng huyết áp và ảnh hưởng của tăng huyết áp trong thai kỳ, xin bác sĩ tư vấn giúp, cho biết thêm thông tin và cách điều trị. Phạm Ngọc Uyên - Quận 2 - TP.HCM

Tôi năm nay 35 tuổi, lập gia đình được hai năm, hiện đang mang thai cháu đầu tiên. Thời gian gần đây, tôi thường thấy chóng mặt, hoa mắt và nhịp tim tăng mặc dù không vận động nhiều, huyết áp đo được 150/90mmHg. Tôi có nghe nói đến tăng huyết áp và ảnh hưởng của tăng huyết áp trong thai kỳ, xin bác sĩ tư vấn giúp, cho biết thêm thông tin và cách điều trị.
Phạm Ngọc Uyên - Quận 2 - TP.HCM

- Bạn không nói rõ hiện tại tuổi thai của bạn là bao nhiêu tuần và trị số huyết áp trước khi mang thai nên chúng tôi xin cung cấp vài thông tin về vấn đề tăng huyết áp (THA) trong thai kỳ cho bạn rõ.

THA trong thai kỳ có thể được chẩn đoán dựa vào trị số huyết áp đo được hoặc dựa vào sự THA tương đối so với trước khi mang thai. Khi huyết áp tâm thu trên 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90mmHg thì được gọi là THA. Nếu huyết áp tâm thu tăng trên 30mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai thì cũng được gọi là THA trong thai kỳ.

Các loại tăng huyết áp trong thai kỳ

Tăng huyết áp mạn tính: Thai phụ đã bị THA trước khi mang thai. Có thể thai phụ biết mình bị THA trước đó hoặc đã bị THA nhiều năm mà không biết cho đến khi đo huyết áp tình cờ khi khám thai. Nếu những thai phụ này được kiểm soát huyết áp tốt thì quá trình mang thai vẫn có thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu THA nặng (huyết áp tâm trương trên 110mmHg) trước tuần thứ 20 của thai kỳ thì nguy cơ tiền sản giật tăng lên đến 46% và sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Tiền sản giật và sản giật: Thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thời kỳ thai nghén và gây tổn thương ở nhiều cơ quan. Trước đây, người ta chẩn đoán tiền sản giật dựa vào ba triệu chứng: THA, phù và protein niệu nhưng quan niệm hiện đại thì cho rằng, chỉ cần có THA thai nghén kèm với protein niệu nhiều là đủ để chẩn đoán tiền sản giật. Thai nhi có nguy cơ chậm phát triển trong buồng tử cung và bị đẻ non.

Tăng huyết áp thai kỳ: Là khi THA xảy ra vào nửa sau của thai kỳ ở các phụ nữ có số đo huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường, không kèm theo protein niệu nhiều (trên 0,3g/24h) và các dấu hiệu của tiền sản giật. Tình trạng này biến mất hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản. Nguy cơ tiền sản giật là 15-26%. Nếu THA xuất hiện vào tuần thứ 36 của thai kỳ thì nguy cơ chỉ còn 10%.

Điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ

Những phụ nữ bị THA trước khi mang thai cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ những nguyên nhân gây THA thứ phát như bệnh lý thận, nội tiết; đánh giá hiệu quả điều trị huyết áp và chỉnh liều thuốc để đạt hiệu quả hạ áp tối ưu; cần tư vấn cho họ về nguy cơ xuất hiện tiền sản giật và việc phải thay đổi một số thuốc nếu muốn mang thai an toàn. Phần lớn những phụ nữ bị THA đều có thể mang thai và sinh nở bình thường nếu họ được kiểm soát huyết áp tốt và được theo dõi chặt chẽ.

Đối với tiền sản giật và sản giật: Việc điều trị tùy thuộc nhiều vào trị số huyết áp, xét nghiệm đạm niệu, các triệu chứng ở mẹ và tuổi thai. Các trường hợp THA nhẹ cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi chặt chẽ. Đối với trường hợp THA nặng, điều trị hạ huyết áp không có tác dụng ngăn chặn tiền sản giật, chỉ đình chỉ thai nghén mới có tác dụng trong trường hợp này, nhưng điều trị hạ huyết áp lại có thể làm giảm biến chứng chảy máu nội sọ. Điều trị THA nặng bao gồm kiểm soát tốt huyết áp bằng các thuốc hạ áp đường tĩnh mạch và cố gắng duy trì quá trình thai nghén đến mức tối đa mà không gây ảnh hưởng gì đến mẹ và thai nhi.

Những trường hợp THA thoáng qua lúc gần sanh thì không cần phải điều trị, nhưng bệnh nhân vẫn phải được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.

Tóm lại: Tất cả phụ nữ mang thai đều cần thiết được theo dõi chặt chẽ mọi biến đổi của cơ thể, trong đó có vấn đề huyết áp. Nếu có những biểu hiện THA thì cần đến các trung tâm sản khoa và tim mạch để được điều trị phù hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phòng mạch mini
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO