Nhiễm HP và cách điều trị

TS-BS. VÕ XUÂN QUANG - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin| 27/11/2015 04:10

Nhiễm Helicobacter Pylori (HP) là một vấn đề lớn trong chuyên khoa tiêu hóa gan mật. Mỗi trường hợp nhiễm HP đều khác nhau nên việc chỉ định phương pháp điều trị sẽ không giống nhau.

Nhiễm HP và cách điều trị

Nhiễm Helicobacter Pylori (HP) là một vấn đề lớn trong chuyên khoa tiêu hóa gan mật. Mỗi trường hợp nhiễm HP đều khác nhau nên việc chỉ định phương pháp điều trị sẽ không giống nhau.

Đọc E-paper

Helicobacter Pylori là gì?

Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân chủ yếu gây viêm dạ dày mãn tính, gây loét dạ dày và là yếu tố nguy cơ sinh ung thư. Nguyên nhân nhiễm HP hầu hết do thức ăn, nước uống và trực tiếp từ người sang người.

Ở Mỹ, 30% dân số bị nhiễm HP (trong đó 50% ở độ tuổi 60). Nhiễm HP thường xảy ra hơn ở những nơi đông dân cư và điều kiện vệ sinh không tốt. Ở những nước có điều kiện vệ sinh kém, có tới 90% dân số nhiễm HP.

Khoảng 1/6 bệnh nhân nhiễm HP sẽ bị viêm loét dạ dày hoặc tá tràng. HP cũng liên quan tới ung thư dạ dày và một loại u đặc biệt liên quan đến các tế bào lympho: U MALT (MALT Lymphoma).

Triệu chứng nhiễm HP

Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng gì khi bị nhiễm HP. Một vài người có thể có đau bụng, buồn ói, ói... nhưng sẽ tự hết nhanh. Về lâu dài, khi có biến chứng viêm hay loét dạ dày xảy ra, bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn ói, ói, cảm giác mệt mỏi, ăn không ngon, đầy bụng, phân đen dính nếu có chảy máu, thiếu máu nếu có chảy máu mạn tính.

HP có lây?

Câu trả lời: Có. Vi khuẩn HP lây chủ yếu qua đường ăn uống (thức ăn, nước uống), từ người sang người. Sự xâm nhập của HP có thể gây bệnh hay không gây bệnh.

Tuân thủ các quy tắc vệ sinh, nhất là rửa tay, có thể giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm nhưng do tần suất quá cao trong môi trường, việc ngăn ngừa hoàn toàn nhiễm HP hầu như không thể thực hiện được, đặc biệt là chưa có vaccine phòng ngừa. Tóm lại, chưa có khuyến cáo cụ thể về cách thức phòng ngừa HP nhưng ba yếu tố chính nên ghi nhớ:

- Chỉ ăn thức ăn được chế biến hợp vệ sinh.

- Chỉ uống nước từ nguồn nước sạch và an toàn.

- Rửa tay thường xuyên trong những hoàn cảnh cần thiết.

Bệnh nhân có nhiễm HP không cần thiết phải ăn cách ly với người thân.

Chẩn đoán nhiễm HP

Một số phương pháp giúp chẩn đoán HP chính xác và đơn giản, bao gồm: tìm kháng thể trong máu, tìm urea trong hơi thở, tìm kháng nguyên HP trong phân và tìm HP trong mẫu sinh thiết qua nội soi.

Thử máu tìm kháng thể chống HP được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, kháng thể trong máu có thể tồn tại nhiều năm sau khi điều trị HP thành công bằng kháng sinh. Cho nên phương pháp thử máu để chẩn đoán nhiễm HP nhưng không xác định được là bệnh nhân có bị nhiễm không hay việc điều trị có thành công không.

Phương pháp thử urea trong hơi thở cũng an toàn và dễ dàng thực hiện để chẩn đoán chính xác HP trong dạ dày. Test hơi thở dựa vào khả năng của HP phá vỡ các liên kết hóa học trong urea và giải phóng carbon dioxide (CO2) từ dạ dày và được bài trừ ra ngoài qua hơi thở.

Khoảng 10 - 20 phút sau khi uống 1 viên thuốc chứa urea có chất đồng vị phóng xạ của carbon (C13 hay C14), mẫu hơi thở được lấy đi phân tích. Nếu có phóng xạ carbon dioxide trong hơi thở là dương tính. Test âm tính (không có dấu hiệu phóng xạ) cho thấy kết quả tốt sau khi điều trị vi khuẩn bằng kháng sinh.

Nội soi cũng là phương pháp chính xác để chẩn đoán HP. Nội soi còn quan sát được hình ảnh viêm và loét. Bác sĩ đưa ống soi qua miệng tới thực quản xuống dạ dày và tá tràng, lấy một mẫu niêm mạc dạ dày bỏ vào mẫu thử, một môi trường đặc biệt chứa urea. Nếu urea bị tác động bởi urease sinh ra do HP trong mẫu niêm mạc sẽ có sự đổi màu trong mẫu thử, tức là có nhiễm HP trong dạ dày.

Gần đây nhất là phương pháp chẩn đoán HP bằng mẫu phân. Phương pháp này sử dụng kháng thể để xác định sự tồn tại của kháng nguyên HP trong phân. Nếu có kháng nguyên HP trong phân tức là có HP trong dạ dày. Giống như phương pháp test hơi thở, bên cạnh tác dụng chẩn đoán nhiễm HP, phương pháp thử phân còn được dùng để xác định việc điều trị có hiệu quả hay không.

Tại sao phải điều trị HP?

Nhiễm HP mạn tính sẽ làm hệ thống bảo vệ chống lại acid dạ dày bị yếu đi. Các thuốc trung hòa acid (antacids) và các thuốc ức chế bơm proton (PPI) rất hiệu quả trong điều trị loét dạ dày trong nhiều năm qua bao gồm ranitidine, famotidine, cimetidine và nizatidine.

Nhóm ức chế bơm proton gồm Omeprazone, Lansoprazole, Rabeprazole, Pantoprazole và Esomeprazole. Tuy nhiên, các nhóm thuốc này không diệt được hoàn toàn HP trong dạ dày. Do đó, loét dạ dày có thể tái đi tái lại nhiều lần sau khi ngưng thuốc.

Người bệnh phải sử dụng thuốc mỗi ngày trong nhiều năm để ngăn chặn việc tái phát loét và những biến chứng như chảy máu, thủng và hẹp môn vị... Vì vậy chỉ cần tiêu diệt được HP thì sẽ ngăn chặn được loét và biến chứng loét.

Tóm lại, điều trị HP cũng quan trọng như việc điều trị các bệnh hiếm gặp khác của dạ dày. Điều trị tiệt trừ HP cũng được cho là ngăn ngừa tác động xấu gây ung thư.

Điều trị HP như thế nào?

Điều trị HP rất khó vì nó có khả năng chống lại nhiều loại kháng sinh thông thường. Vì vậy, cần có hai hoặc nhiều kháng sinh được phối hợp với PPI hoặc bismuth để tạo thành một phác đồ tiêu diệt HP (Bismuth và PPI có tác dụng chống lại HP). Ví dụ một số phác đồ điều trị HP có hiệu quả: PPI, amoxicillin và clarithromycin. PPI, metronidazole, tetracyline và bismuth subsalicylate.

Việc phối hợp các thuốc trên có thể điều trị hiệu quả 70 - 90% nhiễm HP. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân nào kháng clarithromycine trước đó thì cũng sẽ kháng các phác đồ có chứa clarithromycine.

Tương tự, những bệnh nhân kháng metronidazole trước đó cũng sẽ kháng các phác đồ có chứa metronidazole. Đối với những bệnh nhân này thì bác sĩ phải dùng kết hợp của những kháng sinh khác để điều trị HP. Việc kháng lại kháng sinh là nguyên nhân tại sao phải thận trọng trong việc sử dụng kháng sinh cho đúng cách và hợp lý.

Một số bác sĩ muốn kiểm tra lại HP sau khi điều trị bằng test hơi thở hoặc tìm kháng nguyên trong phân, đặc biệt đối với những bệnh nhân có biến chứng như thủng, chảy máu. Đây cũng là hai phương pháp chẩn đoán chính xác và xác định việc điều trị có hiệu quả hay không thay vì dùng nội soi (không cần thiết) và thử máu (không chính xác). Những bệnh nhân kháng với phác đồ thông thường thì sẽ được điều trị lại bằng kết hợp những kháng sinh khác.

Những ai nên điều trị HP?

Những bệnh nhân bị nhiễm HP và bị loét thì nên được điều trị. Mục đích của việc điều trị là diệt khuẩn, chữa loét và ngăn ngừa tái phát. Bệnh nhân có u MALT cũng nên được điều trị vì đây là một bệnh hiếm gặp nhưng khối u sẽ không phát triển nữa nếu việc điều trị HP thành công.

Trước đây người ta khuyên không nên điều trị HP nếu không có loét hoặc các triệu chứng kèm theo, vì sự kết hợp kháng sinh có thể có tác dụng phụ và việc điều trị này cũng không có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu về sau cho thấy nhiễm HP sẽ gây viêm teo mà viêm teo là tiền đề của ung thư dạ dày. Do đó, hiện nay các bác sĩ đều khuyên nên điều trị HP kể cả khi nhiễm HP mà không có loét hoặc các triệu chứng kèm theo.

Có sự liên quan giữa chứng khó tiêu và sự nhiễm HP. Do đó, những bệnh nhân có chứng khó tiêu nên đi kiểm tra và điều trị nếu có nhiễm HP.

>HPV - "Kẻ giấu mặt nguy hiểm"

>Ung thư dạ dày không phải bệnh “trời kêu ai nấy dạ”

>Hiểu đúng về vi khuẩn gây viêm loét và ung thư dạ dày

>Đau dạ dày có phải do vi khuẩn Helicobacter Pylori?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiễm HP và cách điều trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO