Ngáy có vui nhà?

BS. TRẦN THANH TRÁC Khoa Tai Mũi Họng - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare| 03/09/2010 00:44

Có một giấc ngủ ngon, ngủ sâu và có một tinh thần thoải mái khi thức dậy vào mỗi sớm mai luôn là mong ước của mọi người. Thế nhưng, có những “kẻ thù” của giấc ngủ len lỏi hằng đêm quấy rối giấc mơ này, thậm chí những biến chứng khó lường có thể gây tử vong.

Ngáy có vui nhà?

Có một giấc ngủ ngon, ngủ sâu và có một tinh thần thoải mái khi thức dậy vào mỗi sớm mai luôn là mong ước của mọi người. Thế nhưng, có những “kẻ thù” của giấc ngủ len lỏi hằng đêm quấy rối giấc mơ này, thậm chí những biến chứng khó lường có thể gây tử vong.

“Thợ cưa” bất đắc dĩ

Với các đôi vợ chồng, việc người chồng hay vợ “cưa gỗ” trong lúc ngủ hình như đơn giản chỉ là sự khó chịu trong sinh hoạt. Tiếng ngáy “khò khò” hằng đêm thật sự được quan tâm theo đúng nghĩa là một bệnh lý, trong khi “thợ cưa” lại không biết mình đang là bệnh nhân. Theo thống kê, khoảng 70% nam giới có tật ngáy khi ngủ, tỷ lệ này ở phụ nữ khoảng 50%.

Ngáy là do sự rung động của những cơ ở phần sau họng khi có không khí đi qua. Lúc tỉnh, tuy vẫn thở đều nhưng người bệnh không ngáy vì những cơ này được điều khiển bởi hoạt động của não bộ, nhưng khi ngủ, các cơ này được thả lỏng tạo ra những âm thanh khi thở ra - hít vào.

Tiếng ngáy to hay nhỏ, kéo đều đều hay đứt quãng tùy thuộc vào tốc độ thở, đặc trưng của các cơ vòm họng, vào độ tuổi cũng như thể trạng của từng người. Một bác sĩ đã ví von việc ngủ ngáy như “gió qua khe cửa”, khi gió càng mạnh, khe cửa càng hẹp thì tiếng ngáy càng to, càng rít và khi khe cửa quá chặt, gió sẽ không lọt qua được.

Lúc đó, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái ngưng thở khi ngủ, dẫn đến những biến chứng khó lường có thể gây tử vong trong lúc ngủ. Người ngáy ngủ thường bị ngưng thở một thời gian khá lâu trong khi ngủ do các phần mềm và niêm mạc của họng làm nghẹt đường thở.

Quá trình trao đổi khí tại phổi bị gián đoạn, lượng khí oxy trong cơ thể giảm và lượng khí carbonic tăng lên. Khí carbonic tăng sẽ kích thích trung khu hô hấp ở não bộ, khi đó, não sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở các cơ của đường thở, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường.

Lúc này, người bệnh sẽ giật mình tỉnh giấc, sau đó lại rơi vào trạng thái ngủ mê, lại tiếp tục ngáy và lại giật mình... chu kỳ này có thể lặp lại đến hơn 300 lần trong một đêm. Hậu quả là bộ não không được nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày làm việc, khiến người bệnh trở nên bần thần, mệt mỏi vào sáng hôm sau. Nghiêm trọng hơn là sóng điện não bị xáo trộn, làm người bệnh giảm trí nhớ, năng suất làm việc giảm, mệt mỏi, khó tập trung và hay ngủ gật vào ban ngày...

Ai ai cũng phải thở ra, hít vào

“Cưa gỗ” hay xảy ra ở những độ tuổi trung niên (từ 30 - 50 tuổi), nhưng bệnh cũng khá phổ biến ở thanh niên và những người có dị tật bất thường như lưỡi quá to hoặc quá dày; viêm amidan hay amidan quá to...

Trẻ con đôi khi cũng ngáy nên khi đó cần phải kiểm tra lại vòm họng hoặc khám bác sĩ xem có bất thường hay viêm nhiễm gì về amidan hoặc VA (Vegetation adenoid - sùi vòm họng). Người béo phì, có thể trạng nặng nề, quá cân hoặc lớp mỡ tích tụ quanh vùng họng nhiều là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh ngủ ngáy.

Bên cạnh đó, những người đang mắc bệnh tai mũi họng hoặc cơ địa dị ứng với môi trường cũng dễ mắc chứng này. Khi bạn bị nghẹt mũi và phải thở bằng miệng, bạn sẽ ngáy nhiều hơn khi ngủ. Vào mùa Đông hoặc có những thay đổi về khí hậu, chúng ta thường bị cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng... khiến hô hấp khó khăn trong khi ngủ dẫn đến ngáy.

Tư thế nằm trong lúc ngủ cũng phần nào ảnh hưởng đến việc ngáy ngủ, với tư thế ngủ không đúng, vòm họng sẽ “đóng” nhiều hơn và cản trở quá trình hô hấp, gây nên tiếng ngáy. Một số người mắc chứng mất ngủ và thường mượn rượu hoặc các loại thuốc an thần để tự ru ngủ. Tuy nhiên, cũng giống như rượu, việc sử dụng nhiều các loại thuốc ngủ, thuốc an thần sẽ gây nên giảm trương lực của các mô mềm của họng. Kết quả là những loại thuốc này giúp ngủ nhanh hơn nhưng lại làm bạn ngáy trong đêm.

- Nếu bạn là người dễ dị ứng với môi trường, thời tiết hoặc đang có vấn đề về tai mũi họng thì không nên quá chủ quan và cho rằng việc ho cảm, sổ mũi, viêm mũi... sẽ tự khỏi sau vài ngày, vài tuần. Ngay khi chớm bệnh, hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa, nhận tư vấn kịp thời trong điều trị.

- Hãy luôn kiểm soát cân nặng vì thừa cân là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngáy khi ngủ do mỡ có ở thành họng đã cản trở không khí vào bên trong phổi.

- Tuyệt đối không uống rượu hoặc tạo giấc ngủ giả bằng việc sử dụng các loại thuốc an thần.

- Thay đổi tư thế nằm trong lúc ngủ. Nếu bị ngủ ngáy, bạn đừng nên nằm ngửa, tốt nhất hãy nằm sấp. Nằm sấp giúp lưỡi đẩy về phía trước, tạo điều kiện cho không khí vào phổi dễ hơn và nên duỗi dài chân khi ngủ, tránh tư thế co quắp, cong queo trong lúc ngủ.

Nếu không quen tư thế nằm sấp, hãy thay gối nằm bằng một gối khác có độ cao phù hợp, giúp nâng cao hơn phần đầu hoặc nằm nghiêng về một bên trong lúc ngủ. Xem lại phòng ngủ cùng giường, nệm, các điều kiện liên quan đến giấc ngủ có thật tốt chưa, bố trí hoặc thay đổi lại nội thất trong phòng ngủ của mình để có một không gian thích hợp nhất cho giấc ngủ.

- Cuối cùng, hãy đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khi tất cả những cách trên không cải thiện được tình hình, có thể phải dùng đến vài thủ thuật nhỏ hoặc phẫu thuật cho vòm họng của bạn thật sự “thông thoáng”, tạo điều kiện tốt nhất cho không khí đi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngáy có vui nhà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO