Làm gì trước “cơn bão” mất an toàn thực phẩm?

KIM SƠN/DNSGCT| 14/05/2016 08:55

Ngộ độc do thực phẩm nhiễm kim loại nặng, sử dụng bừa bãi chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe cộng đồng

Làm gì trước “cơn bão” mất an toàn thực phẩm?

Ngộ độc do thực phẩm nhiễm kim loại nặng (crôm, thủy ngân, arsenic, cyanur,…) từ nước thải ra biển, kênh rạch, nước thải bệnh viện thải ra cống chung, sông ngòi,… Sử dụng bừa bãi chất cấm trong chăn nuôi: thuốc an thần, kháng sinh, chất kích thích tăng trọng như clenbuterol, salbutamol trong chăn nuôi heo, sẽ gây ảnh hưởng trên sức khỏe cộng đồng về lâu dài như thế nào? Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm VN)

Đọc E-paper

Chất kháng sinh tiêm chích (trừ trường hợp thải ra hết) nếu còn tồn dư trên thịt gia súc, gia cầm, người ăn vào sẽ làm cho những con vi khuẩn đang tồn tại trong cơ thể dung hòa. Cứ tưởng tượng là nó tạo thành “bạn thân” với nhau. Khi cơ thể người bị bệnh nhiễm trùng, thì kháng sinh lại không còn tác dụng tiêu diệt vi khuẩn nữa vì nó đã làm bạn với nhau, gọi là vi khuẩn kháng thuốc vì đã có quá trình sử dụng thực phẩm có kháng sinh này. Và lúc đó kháng sinh không có tác dụng chữa bệnh cho con người nữa.

Chất tăng trọng (chất tạo nạc) salbutamol (chữa hen) người hen tất nhiên phải uống thuốc này nhưng thuốc có tác dụng phụ như làm dãn phế quản, dãn phế nang, dãn các cơ trơn, như vậy sẽảnh hưởng đến tim mạch. Nếu cứ dãn thường xuyên (người không có hen mà dùng thực phẩm có thuốc hen lâu dài) sẽ mắc bệnh tim mạch – một bệnh dẫn đến chết người rất nhanh.

Kim loại nặng: trong quá trình sản xuất chất thải có kim loại nặng có thể làm ô nhiễm môi trường và bám vào bề mặt cá tôm, hoặc cá tôm ăn phải thức ăn có kim loại nặng thì người ăn cá tôm đó bị nhiễm kim loại nặng.

Kim loại nặng đương nhiên gây khó tiêu, khó đào thải và tồn tại trong cơ thể, mà tích lũy càng nhiều thì tốc độ gây bệnh càng nhanh. Đầu tiên là bệnh thần kinh, bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh tiêu hóa, các bệnh mãn tính viêm gan viêm phổi, viêm thận, xơ gan… Cuối cùng, tích lũy nhiều ngày nhiều tháng thì có thể gây ung thư về sau này.

Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm VN)

* Lãnh đạo một số tỉnh miền Trung đã đi tắm biển, ăn cá, nhưng nếu kim loại nặng còn trầm tích dưới biển thì cá tôm vẫn tiếp tục bị nhiễm, và người ăn kim loại nặng tích lũy bao nhiêu thì sẽ gây bệnh?

- Hiện nay chưa có nghiên cứu, nước ngoài cũng chưa có nghiên cứu tích lũy bao nhiêu sẽ gây bệnh, nhưng họ có bản đồ quan trắc về môi trường, định vị môi trường vùng nào an toàn, vùng nào không, vùng nào bị ô nhiễm ra sao… và thông báo vùng nào được đánh cá, vùng nào không. Họ có những chỉ tiêu nhất định, nếu không an toàn thì không cho đánh bắt.

* Có người nói việc lấy mẫu và phân tích đơn giản, nhưng sau nhiều ngày, hải lưu có thể làm pha loãng, trôi đi các chất, nay làm sao đánh giá?

- Chuyện lấy mẫu, phân tích không khó. Có thể khoa học VN chưa đạt tới trình độ và chuyện môi trường biển với ta là vấn đề mới nên chưa có đủ điều kiện đánh giá sâu sắc như nước ngoài. Cho nên mời nước ngoài tham gia đánh giá độc lập để xem những nguồn nào, nguyên nhân nào dẫn tới, để có kết luận rõ ràng. Mình học họ cách tìm ra nguyên nhân.

* Nhưng sau gần một tháng xảy ra vụ cá chết đột ngột hàng loạt, mẫu nước biển tại khu vực Vũng Áng không còn như ngày đầu?

- Đương nhiên khi xảy ra sự cố thì chúng ta phải lấy mẫu ngay và lấy mẫu lưu tại nhiều thời điểm, ở nhiều vị trí khác nhau, nếu không thì mất cơ hội. Chuyện lấy mẫu không khó và chúng ta lưu lại. Nhưng nếu cơ quan quản lý nhà nước không lấy được mẫu lưu thì đó là một thiếu sót.

* Các chất thải ra sông, ra biển, ra cống chung. Trong cống chung có nước thải của một số bệnh viện, vậy tác hại như thế nào?

- Trên nguyên tắc, các chất thải đều phải xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường thì mới được xả thải ra hệ thống chung. Nếu không xử lý, không kiểm soát được, thì những chất thải độc hại, chất nguy hiểm trong đó là vô tận. Nước thải của bệnh viện, ngoài các hóa chất độc hại còn có cảvi trùng theo ra.

Cơ sở đã sử dụng hóa chất gì để sản xuất, súc rửa thì nó sẽ theo ra môi trường, các độc chất và kim loại nặng sẽ bám trên rau dưới nước, trên da cá, tôm… ngoài kim loại nặng, các hóa chất độc hại, còn có một số virus và vi khuẩn gây bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa, bệnh thương hàn… Do vậy, phải tuân thủ tuyệt đối quy định tất cả các chất thải đều phải xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường mới được xả thải ra hệ thống chung.

Tác hại của độc chất và kim loại nặng tích lũy trong cơ thể tùy theo điều kiện môi trường sống của mỗi người, tùy theo sức chịu đựng của mỗi người. Khảo sát dịch tễ sẽ thấy được tình trạng sức khỏe chung, các tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ ung thư. Việt Nam chúng ta chưa có khảo sát, chưa thống kê, chưa khẳng định được.

Nhưng các nước tiên tiến đã có như khảo sát dịch tễ về tỷ lệ như mỗi năm có bao nhiêu người nằm bệnh viện so với số dân, bao nhiêu người chết vì ung thư… so tỷ lệ môi trường như thế nào.

* Hiện nay, có những nơi cơ quan quản lý khá “dễ dãi”, có nơi giao cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tự quan trắc, tự lấy mẫu đi kiểm rồi báo cáo định kỳ ba tháng, sáu tháng, kể cả những ngành sản xuất đặc thù gây ô nhiễm. Khi đi kiểm thì lại báo trước… thì làm sao phát hiện?

- Quản lý chất thải nói chung có hai vấn đề: 1/ Cơ sở đó phải tự kiểm tra trước, thường xuyên, liên tục để đảm bảo nước thải ra an toàn, đó là trách nhiệm của anh. Luật đã quy định.2/ Cơ quan quản lý kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.Trách nhiệm cơ quan quản lý mà chờ đơn vị lấy mẫu hoặc tự đưa mẫu lên kiểm tra là không đúng.Nếu doanh nghiệp tự lấy mẫu gửi lên chỉ để tham khảo chứ không lấy mẫu đó làm kết luận.

Tất cả những doanh nghiệp sản xuất liên quan đến môi trường đương nhiên phải có biện pháp xử lý chất thải, nhưng đầu ra là của “ông” quản lý nhà nước. Ở nước ngoài người ta quản lý chặt đến mức độ có bản đồ quan trắc về môi trường và định vị đầu ra luôn.

Cho nên, phải cải tiến lại cách lấy mẫu đầu ra: tất cả chất thải phải thải ra hai đầu, một đầu do công ty, một đầu do nhà nước có thể lấy mẫu kiểm tra bất cứ lúc nào. Nơi đó nhà nước độc quyền kiểm soát, thậm chí bí mật kiểm tra. Đi kiểm tra mà cả đoàn phải trình giấy cho bảo vệ, chỉ 5 phút, người ta đã có thể thay van, đảo chiều xong rồi! Do cách quản lý của mình, nhà nước tự làm mất quyền kiểm soát môi trường.

* Theo y học dự phòng: mình phải dự báo trước khi cho đặt nhà máy, những biện pháp xử lý chất thải phải an toàn tối đa mới cho đi vào sản xuất, cả dự phòng hậu quả xảy ra, khả năng ứng phó của mình tới đâu… Ở đây cơ quan quản lý Nhà nước khá lúng túng, thụ động trước sự cố gây thảm họa biển chết. Vấn đề đặt ra trong quản lý: sự lỏng lẻo, bất lực trước sự cố và cuối cùng là quá chậm chân. Thực phẩm bẩn như heo chứa chất tạo nạc, kháng sinh, tẩm ướp hương liệu, hóa chất dùng trong công nghiệp… được ví như cơn bão tấn công sức khỏe người tiêu dùng. Điều gì sẽ xảy ra cho sức khỏe con người trong nhiều thế hệ?Theo bác sĩ, người tiêu dùng làm cách nào để tự bảo vệ sức khỏe?

- Thực tế, bản thân người tiêu dùng không thể nào phân biệt được, biết được chất nào đã nhiễm vào thực phẩm thịt, rau quả… và nguy hiểm ra sao. Quan trọng nhất là cơ quan nhà nước phải có cơ chế quản lý chặt và nghiêm, có thông báo thường xuyên và liên tục cho người dân để họ nhận thức được – ví dụ người trồng rau phải ý thức trồng rau sạch, người tiêu dùng dựa vào đó biết rau nào đã được nhà nước quản lý, chứ nhìn bên ngoài bó rau thì không thể nào biết đó là rau an toàn hay không. Một số thiết bị xét nghiệm nhanh được quảng cáo nhưng sử dụng không hiệu quả.

Với cơ sở sản xuất, như tôi đã phân tích ở trên, hệ thống xả thải phải bố trí thế nào để nhà nước có điều kiện lấy mẫu thuận lợi 24/24 giờ, không liên quan đến và không cần xin phép công ty. Người ta còn đặt camera giám sát ở cả bốn góc họng xả thải để làm bằng chứng khách quan và cũng giống như camera phạt nguội.

Cần có bản đồ quan trắc về định vị môi trường.Bờ biển VN trải dài – là một ưu thế vô cùng quý giá của “rừng vàng biển bạc”. Với nước ngoài họ quý lắm, không chỉ về quân sự, khí hậu thiên nhiên, tài nguyên kinh tế, khoáng sản, du lịch… Thiết nghĩ chúng ta nên có chế độ quan trắc định kỳ và phải có bản đồ chất lượng nước biển VN, và có thể thông báo rộng rãi cho ngư dân. Tuy có tốn kém, nhưng rất cần thiết, đó là vấn đề sống còn về sức khỏe của nhiều thế hệ người Việt.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

>Chuỗi thực phẩm sạch: Đầu tư trong vòng đua 3F

>Ai chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm gì trước “cơn bão” mất an toàn thực phẩm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO