Khớp khô khó khỏi

BS. BẠCH LONG| 13/12/2014 03:44

Khô khớp gối hay khô khớp xương nói chung là hiện tượng các khớp khi vận động phát ra tiếng kêu lạo xạo.

Khớp khô khó khỏi

Khô khớp gối hay khô khớp xương nói chung là hiện tượng các khớp khi vận động phát ra tiếng kêu lạo xạo. Khô khớp có thể chỉ biểu hiện đơn độc, nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác của bệnh khớp như sưng, nóng, đỏ, đau, hạn chế vận động.

Đọc E-paper

Khô khớp xương thường xảy ra ở người lớn tuổi (ngoài 50), khi xương khớp có dấu hiệu thoái hóa, song nhiều người ở độ tuổi còn trẻ cũng có thể mắc hiện tượng này. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, bệnh có thể có những biến chứng khó chữa.

Quá trình dẫn đến bệnh khô khớp

Ở các khớp bao giờ cũng có một lớp sụn giúp khớp trơn tru, dễ dàng vận động, chịu được sức nén. Lớp sụn này luôn được đổi mới, mòn đến đâu phục hồi đến đấy. Quá trình này kéo dài cho đến tuổi già, khi cơ thể còn đáp ứng với việc phá hủy. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng ngày một yếu đi, vì thế sụn khớp cũng ngày càng mỏng đi, nứt nẻ.

Bên cạnh đó, ngoài lớp sụn, để khớp hoạt động tốt, cần phải có một chất hoạt dịch (hay còn gọi là dịch nhầy, dịch khớp) có tác dụng bôi trơn các đầu khớp xương và sụn.

Tuổi tác càng cao, lượng dịch nhầy tiết ra giữa các khớp càng giảm. Điều này khiến những khớp xương hoạt động không trơn tru và phát ra tiếng kêu.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khô khớp xương

Do lão hóa: Ở những người cao tuổi, sụn khớp bị bào mòn gây ra hiện tượng rách bao sụn và biến dạng tổ chức sụn. Xương khi không còn lớp sụn bảo vệ sẽ cọ xát vào nhau gây ra hiện tượng khô khớp.

Với khô khớp ở lứa tuổi thiếu niên có thể là do sự phát triển không đồng đều của các dây chằng, gân, cơ, và xương trong thời kỳ khớp đang lớn.

Do thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp do tuổi già, do bị chấn thương gãy xương vùng khớp gối, bệnh lý thấp khớp, gút, đứt dây chằng không chữa kịp thời.

Thường xuyên ở trong một số tư thế như ngồi xổm, gác chân, khiêng vác quá nặng cũng có thể thúc đẩy quá trình hư, khô khớp diễn ra nhanh hơn.

Thoái hóa khớp làm lớp sụn bị bào mòn và mất dần tính chất mềm mại, trở nên cứng rắn (hóa xương), gây chèn ép, cọ xát lên lớp màng xương ở các đầu xương, gây ra tiếng lạo xạo và kèm theo đau.

Khô khớp còn do viêm khớp (viêm đa khớp tiến triển), bệnh thống phong, vẩy nến, do vôi hóa ở ổ khớp (sự lắng đọng canxi ở ổ khớp gây trở ngại cho hoạt động của khớp, làm khớp bị khô) do trật khớp sau chấn thương, do căng giãn quá mức gân cơ khiến các khớp bị lệch vị trí và tạo ra sự cọ xát, do béo phì (trọng lượng cơ thể đè nén lên ổ khớp), do chạy nhảy, di chuyển với tốc độ nhanh.

Phòng ngừa và hạn chế bệnh khô khớp

Chế độ ăn uống: Bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và khoáng chất. Hạn chế đồ uống có cồn, bỏ thuốc lá, thuốc lào, các thực phẩm gây kích ứng đến khớp.

Sinh hoạt hằng ngày: Cần tránh các tư thế ngồi xổm, hạn chế lên xuống cầu thang, tránh cúi xuống nhấc vật nặng hay ngồi hàng giờ cong vẹo người khi thêu thùa, may vá, viết lách.

Không nên tập thể hình hoặc mang vác tạ quá nặng ở tư thế đứng hay ngồi.

Tránh va chạm mạnh khi chơi các môn thể thao đối kháng như đá bóng, bóng rổ.

Cần làm hằng ngày: Tập thể dục đều đặn. Những lúc nghỉ giải lao giữa giờ làm việc, nên vươn người, co duỗi tay, chân tại chỗ, thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, tránh ngồi quá lâu một chỗ hay một tư thế.

Khi tập thể thao cần khởi động trước, tăng dần tần suất từ thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp.

Khi tập luyện, nên từ từ, không tập quá sức và không nên nôn nóng, đốt cháy giai đoạn.

Những môn thể thao có lợi cho xương khớp là đi bộ, đi xe đạp, bơi lội.

"Sống chung" với khô khớp xương

Khi đã bị khô khớp xương, cần xác định nguyên nhân qua các triệu chứng đi kèm.

Nếu chỉ thấy xuất hiện tiếng lạo xạo đơn thuần, không có triệu chứng kèm theo thì không nên ngừng hoạt động, bởi khớp bất động kéo dài càng làm cho tình trạng thêm nặng.

Cần kiểm tra trọng lượng cơ thể để hạn chế sự tiến triển thoái hóa khớp và giảm nguy cơ chấn thương.

Có thể kết hợp dùng thuốc với các bài tập luyện về xương khớp.

Sử dụng các thực phẩm có lợi cho xương khớp như tôm, cua, sò, hàu, dầu cá, chất béo 3-Omega. Bổ sung thêm: vitamin D, B, K, folic acid trong các loại rau xanh.

Hạn chế việc gấp duỗi gối, đặc biệt tránh động tác ngồi xổm, ngồi gập gối quá 90 độ làm tăng áp lực lên khớp bánh chè đùi.

Đặc biệt không nên bẻ các khớp ngón tay, chân, hay vặn xương sống. Tuy các động tác này sẽ giúp giảm mỏi nhất thời song nếu thực hiện thường xuyên sẽ càng làm cho khớp khô hơn, lâu dần sẽ tăng thoái hóa.

Nếu các khớp khô và kèm theo viêm, sưng, tấy đỏ và đau nhức, nên đến chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

>Bệnh thoái hóa khớp: Vận động thường xuyên và vừa sức
>Viêm khớp: Đáng lo hay đáng sợ?
>
Chọn collagen nào cho khớp?
> Điều trị viêm xương khớp: Thể dục là hàng đầu
>
Điều trị đau cơ - xương - khớp bằng liệu pháp Shiatsu
>Khớp khỏe - sống vui
>
“Bảo trì” xương khớp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khớp khô khó khỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO