Kẻ nghiến - người ê

Ý LỮ| 18/12/2009 09:27

Nghiến răng khi ngủ không chỉ gây khó chịu cho người xung quanh mà còn gây hại cho khổ chủ, làm mòn răng, vỡ men răng...

Kẻ nghiến - người ê

Nghiến răng khi ngủ không chỉ gây khó chịu cho người xung quanh mà còn gây hại cho khổ chủ, làm mòn răng, vỡ men răng...

Sau khi nhận phòng nghỉ ở một khách sạn cùng với chị T. Dung - Giám đốc Công ty X., chị Minh Thu - Công ty Y., hy vọng sẽ có một đêm ngon giấc. Nhưng vừa ngủ được một lát, chị bỗng bị thức giấc bởi tiếng nghiến răng ken két kéo dài cả tràng của chị Dung. Kể từ lúc đó, cứ khoảng nửa tiếng, chị Thu lại “được” nghe những tiếng nghiến răng tưởng chừng đến trẹo quai hàm của bạn. Trong lúc chị bị mất ngủ thì chị Dung vẫn vô tư ngủ và cùng với việc trở mình là kéo theo những tràng nghiến răng, có khi liên tục từ 6 - 8 phút, đôi lúc lại đổi “tông” nhai nhóp nhép đền 5, 7 giây.

Sớm hôm sau, vừa ăn sáng chị vừa trách yêu bạn: “Gớm, cậu làm tớ cả đêm mất ngủ, tớ nghe mà ê hết cả hàm răng!”. Chị Dung vừa mắc cỡ, vừa thanh minh: “Tớ bị tật này từ nhỏ. Bác sĩ nói tật này chẳng ảnh hưởng gì, có thể do bị căng thẳng thần kinh, bị nhiễm giun kim hoặc khớp cắn chưa ổn định, cũng có thể do bệnh dịch tả, động kinh, viêm não... Lớn sẽ hết. Vậy mà càng lớn tuổi, tớ lại càng bị nặng hơn”.

Nghe đất Hà thành có nhiều cụ lang vườn chữa bệnh gia truyền hoặc mẹo vặt khá hay, chị Dung rỉ tai bạn đi tìm. Lần mò mãi, cuối cùng họ cùng tìm được nhà của một cụ lang ở phố hàng Bông. Sau khi nghe cụ giảng giải nguồn cơn của tật này, đại để đây là tật của nhiều nguyên nhân, như rối loạn khớp cắn, yếu tố tâm lý (stress, lo âu, căng thẳng…) và yếu tố bệnh lý thần kinh...

Tuy không nguy hại đến sức khỏe nhưng do tác động lên răng theo những góc độ bất thường nên dễ gây hư răng và kéo dài suốt đêm nên thường làm răng bị mòn, bị sâu, có người vì nghiến răng mà răng cửa bị mòn đến tận lợi. Thậm chí, nghiến răng có thể bị nhức đầu, đau cơ mặt, rối loạn khớp thái dương, khớp hàm dưới. Đặc biệt, cơ nhai bị ảnh hưởng rõ ràng và dễ thấy nhất là cơ cắn, do vậy, khổ chủ thường sẽ có cảm giác đau âm ỉ hai bên vùng má, gần góc hàm...

Chị Dung nóng lòng hỏi tiếp: “Nhưng chữa thế nào cho dứt được tật này, thưa cụ?”. Cụ lang chậm rãi trả lời: “Theo cách chữa Tây y thì thông thường, các bác sĩ cho người bị nghiến răng đeo hàm nhựa. Nếu đeo miếng chống nghiến răng mà vẫn tiếp tục nghiến trong khi ngủ thì cũng sẽ không gây tiếng động cho người ngủ bên cạnh và hai hàm răng cũng không gặp nhau được để mà nghiến nhau nên răng cũng ít bị lệch hơn, ít bị mòn hơn. Nhưng cách này đôi khi cũng không ăn thua vì nhiều người vô thức tự gỡ hàm nhựa ra”.

Theo cụ lang, người mắc tật này có thể do giấc ngủ không sâu, do đó cần tạo giấc ngủ sâu bằng cách chuẩn bị phòng ngủ yên tĩnh, thoáng đãng, trước khi ngủ đi bách bộ và có thể tắm nước ấm hoặc đặt một chiếc khăn ấm ở một bên mặt... Riêng Đông y hoặc dân gian thì thường chữa bằng món ăn bài thuốc. Phổ biến là bài thuốc: dùng 2, 3 cái đái lợn đực (cả dương vật) rửa sạch, bóp giấm và muối, luộc chín lên ăn liên tục 2 - 3 ngày có thể khỏi, nhưng phải ăn hết “cái” (vì có người chỉ ăn cái lõi bên trong sẽ không khỏi). Nếu một thời gian sau lại có hiện tượng trở lại, lại ăn như trên sẽ hết.

Liệu pháp dùng dụng cụ nẹp răng vào ban đêm không chỉ giúp giảm chứng nghiến răng mà trong một số trường hợp còn giúp chữa khỏi hoàn toàn chứng bệnh này. Phần lớn các bác sĩ nha khoa chuộng loại nẹp này hơn là loại lắp được cho mọi người vốn thường được làm bằng nguyên liệu mềm hơn.

Ngoài nẹp răng, chứng nghiến răng còn có thể được chữa bằng một số phương pháp khác như châm cứu, xoa bóp, thôi miên và tiêm chất botox vào cơ nhai (masseter muscle) để làm dịu cơ này giúp tránh co giật.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kẻ nghiến - người ê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO