Độc thoại tích cực và chìa khóa tâm lý để thành công

LÂM THU HƯƠNG (Tổng hợp)| 03/08/2016 04:32

Hãy suy nghĩ về những điều bạn tự nói với bản thân trong ngày hôm nay. Đó có phải là những lời chỉ trích? Hay là những lời tử tế và có ích? Bạn cảm thấy như thế nào sau cuộc độc thoại như thế này?

Độc thoại tích cực và chìa khóa tâm lý để thành công

Hãy suy nghĩ về những điều bạn tự nói với bản thân trong ngày hôm nay. Đó có phải là những lời chỉ trích? Hay là những lời tử tế và có ích? Bạn cảm thấy như thế nào sau cuộc độc thoại như thế này?

Đọc E-paper

Khi thực hiện các hoạt động thường ngày, con người có xu hướng suy nghĩ và tự diễn giải lại tình hình xung quanh mình. Giống như có một giọng nói trong đầu quyết định cách thức chúng ta nhìn nhận vấn đề. Tâm lý học gọi giọng nói bên trong này là "self-talk", độc thoại.  Đó là hành động bao gồm suy nghĩ có ý thức và niềm tin, nhận định vô thức. Cảm xúc và tâm trạng của bạn bắt nguồn từ suy nghĩ của bản thân thông qua việc độc thoại. Độc thoại có thể dẫn đến kết quả tích cực hay tiêu cực. Chúng ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ về bản thân cũng như cách ứng phó với hoàn cảnh sống.

Độc thoại diễn ra như thế nào?

Dù đối với một số người, độc thoại tích cực có thể là một năng khiếu bẩm sinh, nhưng hầu như ai cũng cần phải luyện tập để trau dồi cách suy nghĩ tích cực và xua tan suy nghĩ tiêu cực.

Độc thoại tích cực là một công cụ đắc lực trong việc nâng cao sự tự tin và hạn chế cảm xúc tiêu cực. Những người có khả năng thực hiện các cuộc độc thoại tích cực có xu hướng tự tin, ít căng thẳng, có động lực và làm việc có năng suất hơn. Những câu nói khẳng định và có tính động viên tinh thần chính là độc thoại tích cực. Hãy so sánh hai câu độc thoại sau:

Câu 1: "Tôi nhất định phải phát biểu trong buổi họp hôm nay để đóng góp ý kiến quan trọng".

Câu 2: "Tôi không muốn nói gì trong buổi họp đâu, sẽ thật xấu hổ nếu tôi nói sai gì đó”.

Câu thứ nhất là một kế hoạch với thái độ tích cực; câu thứ hai hoàn toàn đối lập, đó chính là độc thoại tiêu cực.

Độc thoại tiêu cực xảy ra khi bạn cứ tua đi tua lại trong đầu những suy nghĩ u sầu hoặc những khoảnh khắc xấu hổ. Suy nghĩ về các vấn đề để cải thiện tình hình là một việc tốt, nhưng nếu bạn cứ giày vò bản thân mãi thì vấn đề dù nhỏ cũng hóa ra nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, việc này lặp lại thường xuyên có thể khiến bạn rơi vào tình trạng suy nhược, dẫn đến trầm cảm.

Sử dụng ngôn ngữ trong độc thoại

Trong một báo cáo khoa học năm 2014 từ APA -  Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu cho biết ngôn ngữ sử dụng trong độc thoại đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Mấu chốt nằm ở việc sử dụng đại từ nhân xưng. Khi luyện tập độc thoại tích cực, thay vì xưng bản thân là "tôi", bạn hãy sử dụng ngôi thứ ba (như "anh ấy", "cô ấy"), hay  tên của chính mình để đề cập đến bản thân. Brene Brown, giáo sư tại Đại học Houston và là diễn giả truyền cảm hứng, đã gọi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu mình là "lũ yêu tinh". Bằng cách đặt tên như vậy, bà đã có thể tránh xa và thậm chí trêu ghẹo những suy nghĩ đó.

Báo cáo cho biết, với việc sử dụng ngôi thứ ba trong độc thoại, bạn có thể suy nghĩ khách quan hơn khi nhớ đến các sự kiện trong quá khứ hay các dự định tương lai. Điều này rất có lợi trong việc giảm căng thẳng và lo lắng.

Luyện tập độc thoại tích cực

Trước hết, cần lắng nghe tiếng lòng mình. Bạn đang động viên hay chỉ trích bản thân? Bạn có thoải mái không nếu những lời đó là dành cho người thân? Vấn đề này có lặp lại thường xuyên không? Hãy ghi ra một danh sách các suy nghĩ tiêu cực này.

Tiếp theo, xem lại danh sách vừa lập và đặt các câu hỏi cho chính mình: Mình có nghiêm trọng hóa vấn đề? Mình có rút ra kết luận dựa trên ý kiến chủ quan? Mình có khiển trách bản thân nặng nề quá? Suy nghĩ này có bao nhiêu phần trăm là đúng với thực tế? Mình có đạt được mục tiêu mong muốn bằng những suy nghĩ này?...

Cuối cùng, thay đổi lời độc thoại sang chiều hướng tích cực. Nghe có vẻ khó khăn lúc mới bắt đầu nhưng nếu luyện tập thường xuyên sẽ trở thành thói quen. Nên cân nhắc ngôn ngữ bạn dùng khi độc thoại. Đừng nói với bản thân những lời mà mình không bao giờ nói với người khác, nên dùng những lời động viên có ích. Nếu suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, hãy dùng lý trí để nhận định vấn đề và phản ứng lại bằng những câu nói khẳng định bản thân.

Đẩy lùi những lời chỉ trích và học cách độc thoại tích cực hoàn toàn ích lợi đối với mỗi người. Việc luyện tập này có thể nhanh có kết quả với một số người, trong khi một số người khác phải dành nhiều thời gian và công sức hơn. Dù vậy, sự nỗ lực này không phí phạm, làm chủ được những suy nghĩ trong đầu chính là một bước tiến quan trọng trong việc trau dồi bản thân, cải thiện sức khỏe tinh thần và thành công trong cuộc sống.

>Mùi sô-cô-la tác động tích cực đến tâm tính

>Cần tránh thái độ “cảnh giác” tiêu cực 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Độc thoại tích cực và chìa khóa tâm lý để thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO