Dinh dưỡng an toàn: Hãy ăn nhạt nhất có thể

BS-CK1. ĐÀO THỊ YẾN THỦY - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM| 10/09/2014 03:39

Natri có trong muối ăn lấy từ biển, có tác dụng điều hòa thành phần nước trong cơ thể, nhưng không phải "càng nhiều càng tốt".

Dinh dưỡng an toàn: Hãy ăn nhạt nhất có thể

Natri (Na) có trong muối ăn lấy từ biển, có tác dụng điều hòa thành phần nước trong cơ thể, nhưng không phải "càng nhiều càng tốt". Còn purin là chất có trong tất cả mô của cơ thể, đặc biệt nhiều trong phủ tạng động vật. Sự phân hủy purin sản sinh ra acid uric - nguyên nhân gây ra bệnh gút.

Đọc E-paper

Ăn mặn và khát nước

Ngoài muối ăn lấy từ biển (kể cả muối iốt), Natri còn có trong nước mắm, nước tương, bột canh, hạt nêm, bột ngọt... Cũng có rất nhiều loại thực phẩm chứa nhiều muối Na, như mắm các loại, dưa mắm, dưa món, cải chua, dưa chua, cà muối, chanh muối, tắc muối, các loại xí muội, khô bò, khô mực, giò lụa, lạp xưởng, xúc xích, thịt muối, thịt xông khói, đồ hộp, cá khô, tôm khô... và gói bột nêm trong mì gói.

Một phân tử Na vào cơ thể thì cần một phân tử nước để đi kèm thành một cặp. Khi Na dư thừa được thải ra khỏi cơ thể cũng đi thành cặp như vậy để cân bằng và ổn định nước - điện giải.

Đấy là nhờ hoạt động hoàn hảo của hai quả thận còn tốt. Có nghĩa nếu thận suy yếu thì rắc rối sẽ xảy ra, Na và nước ứ trệ trong cơ thể sẽ gây tăng lượng máu và tăng huyết áp, phù thũng ở mí mắt, bụng, hai chân...

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa chế độ ăn nhiều muối Na trong thời tuổi trẻ có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp, xơ cứng động mạch vào tuổi trung niên. Ngược lại, những người ăn nhạt và nhiều Kali (muối từ tro, trái cây như chuối, nho, cam, quýt...), ít Na thì ít bị cao huyết áp hơn.

Ăn nhiều muối cũng làm tăng thải chất khoáng Canxi qua đường nước tiểu. Vì vậy, ăn quá mặn kéo dài có thể gây ra mất Canxi và loãng xương.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, mỗi ngày một người khỏe mạnh bình thường chỉ nên ăn từ 6 - 10g muối (khoảng dưới 2 muỗng cà phê muối một ngày) - tính tổng lượng muối nhập vào cơ thể từ thực phẩm ăn vào (tự nhiên và tẩm ướp), mắm, đồ hộp, món canh, xào, kho, thức ăn chế biến sẵn, mắm muối chấm trên bàn ăn, nước uống có muối...

Tuy nhiên, các điều tra khẩu phần ăn gần đây của Viện Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy, rất nhiều người Việt Nam có thói quen ăn mặn. Lượng muối sử dụng trung bình một ngày của một người lên đến 14 - 17g, gấp 2 - 3 lần nhu cầu khuyến cáo.

Quan niệm ăn mặn để "chắc da chắc thịt", "săn dạ con" (cho thai phụ sau sinh) còn khá phổ biến trong người dân. Thật ra, ăn muối nhiều sẽ giữ thêm nước, gây "bọng nước" hơn.

Không chỉ phụ nữ sau sinh mà bất cứ người trưởng thành nào ăn mặn cũng có thể bị "lên tăng xông". Còn đối với người đã bị tăng huyết áp, chỉ cần giảm nửa muỗng cà phê muối một ngày là huyết áp có thể giảm 4 - 8 mmHg. Dùng thuốc lợi tiểu thải muối ở người cao huyết áp cũng giúp giảm huyết áp.

Các cách thông dụng để giảm muối:

- Không để thêm muối, mắm, nước chấm trên bàn ăn.

- Nêm thức ăn nhạt dần dần.

- Hạn chế các món mắm, đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn...

Thức ăn không có muối thì không ngon, nhưng có nhiều muối quá thì không tốt cho sức khỏe. Vì vậy hãy ăn nhạt nhất ở mức có thể, để vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, ngon miệng nhưng lượng muối ăn vào là ít nhất.

Purin - "kẻ thù” của bệnh nhân gút

Acid uric được tạo ra từ nhân purin có trong thực phẩm. Khi cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric hoặc thải acid này ra nước tiểu quá ít thì nồng độ acid uric trong máu tăng lên, sự chuyển hóa acid uric thành muối urat tăng theo, dẫn tới sự lắng đọng những tinh thể muối urat sắc nhọn hình kim tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da, gây ra viêm sưng đau ở khớp và các cục lắng đọng gần khớp có thể vỡ ra da và chảy dịch trắng trong lợn cợn đục, gọi là bệnh gút.

Nguyên nhân làm tăng acid uric có thể do bẩm sinh hoặc thứ phát do tiêu thụ nhiều loại thức ăn có chứa nhiều purin (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua); uống nhiều rượu, bia; bệnh đa hồng cầu, ung thư máu, ung thư hạch hoặc do giảm thải acid uric qua thận (viêm thận mạn tính, suy thận)...

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân gút

Nên kiêng hoặc hạn chế các thực phẩm chứa nhiều nhân purin như phủ tạng động vật (gan, thận, não, tụy...), các loại thịt có màu đỏ, các loại hải sản, trứng gia cầm nói chung, nhất là các loại trứng đang phát triển thành phôi như trứng vịt lộn.

Các loại đạm thực vật như nấm, đậu hũ, sữa đậu nành thì ít nhân purin hơn. Bệnh nhân gút có tầm vóc trung bình 50kg không nên ăn quá 100g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày.

Nên ăn nhiều rau trái: táo, lê, dưa hấu, nho, dưa leo, củ sắn, cà chua, rau xanh, súp lơ, cải xanh, rau cần, các loại cà như cà pháo, cà bát, cà tím..., cải bắp, củ cải, khoai tây, bí xanh, bí đỏ, đậu đỏ…

Nên giảm các thực phẩm giàu chất béo no, như mỡ, da động vật, thức ăn chiên, quay, thực phẩm chế biến với các chất béo no như mì tôm, thức ăn nhanh.

Nên uống nhiều nước (tối thiểu 2,5 đến 3 lít nước lọc mỗi ngày). Tuyệt đối không uống bất kỳ một dạng chất cồn nào như rượu, bia, nước cơm rượu, nếp than. Hạn chế đồ uống có gas, nước uống ngọt nhiều đường vì sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, một trong những yếu tố tăng nặng bệnh gút.

Giảm các đồ uống có tính acid như nước cam, chanh, nước trái cây giàu vitamin C vì làm tăng nguy cơ kết tinh urat ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận.

Sữa bò là loại thực phẩm bổ dưỡng giàu chất đạm, nhiều nước và chứa rất ít nhân purin, là thứ nước uống lý tưởng cho bệnh nhân bị bệnh gút cả cấp tính và mạn tính.

Ngoài ra, việc điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý, tập luyện các bài tập rèn sức bền như đi bộ, đạp xe đạp... vừa có tác dụng tăng cường sức khỏe chung, giảm cân và điều hòa quá trình trao đổi chất, nhưng cần nghỉ tập trong giai đoạn cấp của bệnh.

>Bệnh gout và cách chữa trị
>Viêm khớp gout: Dễ chữa, khó khỏi
>
Gout – Đừng quá sợ!
>Mười một loại thực phẩm cho xương chắc khỏe

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dinh dưỡng an toàn: Hãy ăn nhạt nhất có thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO