Bệnh giun sán ở người lớn và trẻ em

DƯƠNG QUÁN HẠ (Tổng hợp)| 21/04/2017 06:56

Nhiễm giun sán là bệnh lý rất phổ biến ở nước ta hiện nay. Theo ước tính, mỗi năm người Việt Nam mất 28,5 triệu lít máu để nuôi các loại ký sinh trong cơ thể.

Bệnh giun sán ở người lớn và trẻ em

Nhiễm giun sán là bệnh lý rất phổ biến ở nước ta hiện nay. Theo ước tính, mỗi năm người Việt Nam mất 28,5 triệu lít máu để nuôi các loại ký sinh trong cơ thể. Bệnh giun sán nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới một số bệnh lý khác như viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, thiếu máu nhược sắc, giảm protein máu kèm theo rối loạn tim mạch...

Nguyên nhân mắc bệnh giun sán

Thói quen ăn rau sống, hải sản, thịt tái, môi trường ô nhiễm, nuôi thú cưng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bị nhiễm ấu trùng giun sán trong máu, đặc biệt là ấu trùng giun đũa chó (sán chó) có tên khoa học là toxocara canis.

Các loại giun sán nguy hiểm, dễ gặp tùy thuộc theo vùng miền. Ở miền Bắc, người ta chủ yếu bị sán gạo lợn do thói quen ăn tiết canh. Hiện nay nhiều người cũng hay mắc sán chó/mèo nhưng các trung tâm y tế lại ít quan tâm đến vấn đề điều trị, nên dễ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đối với trẻ em, giun có thể bị nhiễm do ăn thức ăn không sạch hay nấu chưa chín, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau quả chưa được rửa sạch, tay bẩn, nguồn nước không vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất, nguồn không khí bị ô nhiễm. Trẻ cũng có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn, không rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh giun sán
Dấu hiệu mắc bệnh ở người lớn

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở người lớn khi bị giun sán là ngứa da. Nguyên nhân là do chất thải tiết của chúng có trong máu người và cơ thể ta nhận biết chất thải tiết đó là kháng nguyên lạ. Từ đó, cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại dị nguyên này khiến cho người bị nhiễm giun sán trong máu rất ngứa ngáy, nhiều người gãi mà không thể hết ngứa.

Không chỉ gây ngứa, mưng mủ, viêm da, mà nhiều trường hợp giun sán có thể di chuyển và phá hủy các bộ phân khác như não, cơ tim, mắt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ngứa, nổi mề đay chỉ là do cơ thể dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài như thực phẩm, lông chó, bụi, hóa chất..., nhưng một trong những nguyên nhân gây ngứa da có thể là do mắc bệnh ký sinh trùng giun sán, đặc biệt là bệnh sán chó. Đây là nguyên nhân khó nhận biết bằng những cách đơn thuần mà chỉ khi thực hiện xét nghiệm tình trạng nhiễm giun sán mới có thể phát hiện.

Dấu hiệu mắc bệnh giun sán ở trẻ em

Trẻ em bị nhiễm giun, sán thường biểu hiện không rõ nét như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính hay các nguy cơ khác, nên chưa được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức. Thế nhưng, cha mẹ có biết bệnh nhiễm giun sán đường ruột có thể gây ra nhiều tác hại nguy hiểm cho trẻ em như biếng ăn, chậm lớn, gây sa sút tinh thần và trí tuệ, hoặc giun chui vào các bộ phận của cơ thể gây tắc ruột, viêm túi mật, viêm vùng kín... Khi bị nhiễm giun sán, trẻ em có những biểu hiện:

- Tiêu hóa: Trẻ ăn uống kém, hoặc có trường hợp vẫn ăn tốt nhưng không tăng cân. Đau bụng vùng quanh rốn hoặc thành cơn ở hố chậu phải. Trẻ có nhiều giun đũa thì thường đau khi đói. Trẻ có thể nôn trớ, có thể có biểu hiện lợm giọng buồn nôn lúc buổi sáng ngủ dậy. Khi có quá nhiều giun trẻ có thể nôn hoặc đi tiêu ra giun...

- Trẻ có biểu hiện thiếu máu, da dẻ xanh xao.

- Trẻ kém ngủ, đêm ngủ hay trằn trọc, có thể hay nằm sấp, kém tập trung chú ý.

- Nếu bị nhiễm giun kim trẻ có thêm biểu hiện ngứa hậu môn, hậu môn có thể bị viêm đỏ, bé gái có thể bị viêm âm đạo.

- Một số trẻ có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, kém ăn do ấu trùng di chuyển ở phổi.

- Xét nghiệm phân thấy trứng giun.

Phòng bệnh

- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Giữ vệ sinh cá nhân như cắt móng tay, móng chân ngắn, sạch sẽ.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi, rau sống cần rửa thật kỹ và sạch trước khi ăn.

- Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.

- Vệ sinh môi trường xung quanh, không phóng uế bừa bãi.

Phương pháp điều trị

Có nhiều thuốc điều trị bệnh giun sán, tuy nhiên người bệnh cần phân biệt thuốc điều trị giun và trị sán.

- Thuốc điều trị giun gồm có các loại như thuốc piperazin (diethylen diamin) với tên biệt dược là piperazin citrat, piperal, antepar, piperol...; thuốc levamisol với tên biệt dược là levaris, decaris, solaskil...; thuốc mebendazole với biệt dược: fugacar, vermox, soltric...; thuốc albendazole với zenben, zentel, alzental...; thuốc pyrantel với antiminth, combantrin, panatel...; thuốc thiabendazole (mitezol); thuốc diethylcarbamazin với: banocid, DEC, notezin...

- Thuốc điều trị sán gồm có các loại như thuốc niclosamid với tên biệt dược là niclocide, yomesal, tamox...; thuốc praziquantel với: bilcitrid, pratez, cesol...

>>Chỉ ăn chín, uống sôi mới tránh được giun sán

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bệnh giun sán ở người lớn và trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO