Bài tập phục hồi rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não

LYNH LAN| 25/09/2018 06:28

Khi gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não, người bệnh có thể luyện tập để phục hồi nhờ vào sự nỗ lực kiên trì của chính họ và sự hỗ trợ, động viên của người thân.

Bài tập phục hồi rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não

Tai biến mạch máu não xảy ra khi tế bào não không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng. Di chứng của bệnh vô cùng nặng nề: người bệnh có thể bị liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, mắt bị mờ… Muốn giảm tác hại của những di chứng này, cần có sự hỗ trợ của bác sĩ, duy chỉ có tình trạng rối loạn ngôn ngữ là có thể luyện tập để phục hồi được nhờ vào sự nỗ lực kiên trì của chính người bệnh và sự hỗ trợ, động viên của người thân.

Tình trạng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện qua tiếng nói của bệnh nhân, cụ thể là sự méo tiếng (mất nguyên âm cuối khi phát âm); mất đi nhịp điệu tiếng nói; bị chuyển giọng, chỉ có thể phát âm lơ lớ; nói lắp, nói không đúng ngữ pháp; đôi khi gặp khó khăn khi phát âm một từ nào đó, càng cố gắng càng khó phát âm.

Link bài viết

Khuyến khích bệnh nhân “tập nói” thường xuyên để có thể phục hồi tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Có thể tham khảo những bài tập sau:

– Khuyến khích bệnh nhân phát âm to, rõ các số tự nhiên, bảng chữ cái (tập trung nhiều ở những nguyên âm), phát âm các chữ có vần khó (ví dụ: tiểu nhị, khuyến khích, uyển chuyển…), đọc ngày tháng…

– Gọi tên và mô tả các đồ vật xung quanh, như: bàn màu xanh, ghế gỗ, quạt giấy, máy vi tính…

– Hát (kể cả hát karaoke) cũng là một bài tập thú vị cho bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ.

– Người thân hỗ trợ bệnh nhân chơi một số trò chơi về ngôn ngữ như: tìm từ ngược nghĩa, đoán vật hay người được mô tả là cái gì hay là ai, mô tả đồ vật theo danh mục (như tên một số loài trái cây, đồ dùng trong nhà bếp, hay một số loài vật…).

– Cho bệnh nhân đọc một số từ ngắn rồi dần dần đọc những từ dài hơn. Khi bệnh nhân có tiến bộ trong việc đọc từ dài thì khuyến khích đọc sách, báo; lưu ý không nên chỉ đọc bằng mắt mà nên đọc lớn, phát âm rõ chữ.

– Người thân đưa ra hình ảnh rồi bảo người bệnh mô tả đơn giản về nó. Nên đưa ra hình ảnh mà bệnh nhân ưa thích và biết rõ thông tin.

Một số điểm cần lưu ý khi tập luyện

– Người thân nên khuyến khích, động viên tinh thần bệnh nhân khi tập luyện, tránh bị thất vọng gây chán nản mà bỏ cuộc nửa chừng.

– Nên luân phiên các bài tập và thay đổi môi trường tập luyện để tránh sự nhàm chán.

– Không nên tập quá nhiều vào cùng một lúc mà chia ra nhiều lần trong ngày để tránh mệt mỏi, quá sức của bệnh nhân.

– Tập từ dễ đến khó dần. Khi tập cố gắng cho bệnh nhân nói to nhất có thể.

– Tập càng sớm càng có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài tập phục hồi rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO