Ăn chay đúng cách

LỮ NHI| 20/05/2009 02:06

Ngày càng có nhiều người chọn ăn chay như một cách làm “nhẹ” cơ thể, tinh thần và phòng, chữa bệnh. Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều đến chế độ ăn để ăn chay vừa ngon miệng, vừa giúp giữ gìn sức khỏe một cách hiệu quả.

Ăn chay đúng cách

Ngày càng có nhiều người chọn ăn chay như một cách làm “nhẹ” cơ thể, tinh thần và phòng, chữa bệnh. Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều đến chế độ ăn để ăn chay vừa ngon miệng, vừa giúp giữ gìn sức khỏe một cách hiệu quả.

Ăn chay thật tốt

Thực khách chọn món tại tiệm cơm chay Thanh Lương

Ăn chay theo quan niệm của người VN là chế độ ăn không có đạm động vật, nhưng với người phương Tây thì có đến ba nhóm ăn chay.
Nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm rau, đậu, hạt, trứng và bơ, sữä. Nhóm thứ hai là lacto cũng có chế độ ăn uống như nhóm ovo-lacto, nhưng không ăn trứng. Nhóm thứ ba là vegan, hoàn toàn không ăn đạm động vật. Nhiều người cho rằng ăn chay có thể bất lợi cho sức khỏe của xương. Nhưng theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn thì nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, ăn chay không ảnh hưởng tiêu cực đến xương, ngược lại, ăn nhiều chất đạm động vật có thể là yếu tố dẫn đến nguy cơ loãng xương và gãy xương.

Một nghiên cứu do các bác sĩ thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện tại TP.HCM năm ngoái cũng cho thấy, không có sự khác biệt nào về mật độ xương giữa người ăn chay và người ăn mặn. Cũng theo bác sĩ Tuấn, rất nhiều nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua đều khẳng định, ăn chay có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường và ung thư do sử dụng nhiều rau quả chứa ít chất béo và cholesterol.

Ths.BS Lê Hoàng Sơn cho biết: “Ngoài việc giảm cân, giảm huyết áp, bệnh động mạch vành, nguy cơ ung thư, sỏi thận, giảm triệu chứng bệnh xương khớp..., người đang ăn mặn khi chuyển sang ăn chay thường thay đổi cả lối sống, sự nhận thức về sức khỏe và môi trường. Họ có khuynh hướng tăng hoạt động thể lực, hướng đến việc tập yoga, thiền, tránh khói thuốc lá, rượu, giữ cho tâm hồn và cơ thể được nhẹ nhàng. Mới đây, tại hội thảo “Ăn chay - dưỡng chất, dưỡng tâm” do Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM tổ chức, BS Nguyễn Thị Kim Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định: “Ăn chay đúng cách không những vẫn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể mà còn giúp phòng chống và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở một số bệnh như mạch vành, cao huyết áp và béo phì”.

Ăn chay "phối hợp"

Chế độ ăn chay thường cung cấp ít năng lượng do có ít chất béo và mau làm no bụng do nhiều chất xơ. Mặt khác, thức ăn thực vật giàu đạm lại thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysine (gạo, bắp, lúa mì), threonine (gạo), tryptophan (bắp) và methionine (các loại đậu). Theo Ths. Bs Lê Ngọc Diện, tình trạng mất cân đối giữa các acid amin sẽ không xảy ra nếu chúng ta biết cách phối hợp các loại đạm thực vật, chẳng hạn: Rau, đậu và các loại hạt như cháo với mè và đậu; ngũ cốc và họ rau đậu; ngũ cốc và sản phẩm từ sữa, như bánh mì với sữa, cơm hoặc mì sợi với phô-mai.

Tại các nước tiên tiến, thiếu máu do thiếu chất sắt ở người ăn chay ít xảy ra do họ ăn nhiều rau, quả (đặc biệt là cam, chanh, dưa đỏ, ớt, cà chua, bông cải xanh...) có nhiều vitamin C, giúp tăng cường hấp thu sắt và lấn át cả tác dụng ngăn cản hấp thu của acid phytic, acid oxalic, acid tannic... Tuy nhiên, ở nước ta, người ăn chay thường là ăn chay tuyệt đối nên có thể bị thiếu sắt.

Đối với phụ nữ đang có thai, đang cho con bú, trẻ nhũ nhi, trẻ dậy thì, vận động viên hoặc người mất máu nhiều thì nên sử dụng viên sắt bổ sung, Vitamin B12, viên kẽm hoặc viên chứa kẽm... Như vậy, chúng ta có thể chọn bất cứ kiểu ăn chay nào, nhưng điều quan trọng là phải biết cách bù đắp các chất dinh dưỡng một cách hợp lý. Có lẽ tốt nhất là nên ăn chay định kỳ vì vừa hưởng được lợi ích của ăn chay, giúp ngăn ngừa một số bệnh, vừa tránh được tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng do ăn chay trường gây nên. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ăn chay đúng cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO