Ăn canh bù ngót mơ về cố hương

P.H tổng hợp| 30/08/2010 01:38

Lá bù ngót dùng để nấu canh ăn rất ngon, bổ và dùng trị bệnh rất công hiệu, nhất là các bệnh của phụ nữ.

Ăn canh bù ngót mơ về cố hương

Cây rau ngót còn được nhân dân gọi là bù ngót hoặc bồ ngót. Ban đầu bù ngót là cây mọc hoang, về sau do biết được công dụng của bù ngót người dân trồng khắp nơi từ ven bờ ruộng đến mé mương trong vườn.

Mời các bạn theo dõi Món ăn bài thuốc “Ăn canh bù ngót mơ về cố hương” do Kim Quy trình bày.

Bù ngót là cây dễ trồng, chỉ cần chọn thân cây tốt chặt ra từng khúc khoảng chừng 20 - 30 cm rồi đem cắm ở bờ ruộng, quanh mé mương, giữ ẩm là chồi non sẽ mọc ra, người dân thu hái quanh năm, dùng nấu canh ăn hoặc làm thuốc trị một số bệnh thông thường.

Lá bù ngót dùng để nấu canh ăn rất ngon, bổ và dùng trị bệnh rất công hiệu, nhất là các bệnh của phụ nữ. Theo Đông y, bù ngót vị ngọt, tính mát, hơi lạnh, có công dụng giải độc, giải nhiệt, bổ huyết, sát khuẩn, tiêu viêm loét và ngăn chặn chứng táo bón.

Món canh bù ngót dù nấu suông hay nấu với thịt, cá đều là vị thuốc bổ, giúp tăng cường sức khỏe với người bệnh mới khỏi, người già yếu hoặc phụ nữ sau khi sinh. Đặc biệt, với những phụ nữ sắp sinh con, hàng ngày nếu được ăn canh bù ngót nấu với mồng tơi sẽ giúp tăng sức cho các bắp thịt, giúp việc sinh nở dễ dàng hơn.

Bù ngót còn có tác dụng trị dị ứng, tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh, trị đổ mồ hôi trộm, chứng đái dầm ở trẻ em. Với chứng đái dầm ở trẻ em, chỉ cần 40g lá bù ngót tươi rửa sạch, đâm nát, sau đó cho một ít nước nấu sôi để nguội vào, rồi khuấy đều, để lắng và lược lấy nước. Phần nước lược được chia làm hai lần để uống, mỗi lần uống cách nhau khoảng 10 phút. Bài thuốc này không chỉ trị chứng đái dầm ở trẻ em mà còn trị được bệnh dị ứng, trị sót nhau. Với chứng tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh, lá bù ngót tươi rửa sạch, đâm nát lấy nước bôi đều lên lưỡi vài lần là khỏi. Trẻ em ăn canh bù ngót còn trị được chứng đổ mồ hôi trộm, táo bón, không những bổ dưỡng mà còn là vị thuốc kích thích ăn uống với những trẻ chán ăn.

Người mắc phải chứng tiểu đường hoặc đi tiểu bí thì lấy một nắm lá bù ngót tươi sắc, ngày uống 3 lần (sáng, trưa, tối), uống liên tục đến khi hết bệnh. Khi mắt bị đau, sưng đỏ và nhức có thể dùng bài thuốc sau: bù ngót tươi 50g, lá chanh 10g, rau má, lá tre, cà gai, lá dâu, cỏ xước, mỗi thứ 30g, cho tất cả các vị trên vào ấm sắc uống nhiều lần trong ngày sẽ khỏi.

Lúc nông nhàn người dân mới tính đến việc làm mương (mương cạn, vét bùn quăng lên liếp vườn). Bùn vừa ráo nước, người ta chặt cây bù ngót ra từng khúc rồi cắm ven mép mương. Cây bù ngót bén rễ và cho lá non xanh mượt, người ta cứ ngắt ngang đọt với nhiều lá non mà dùng, cây bù ngót sẽ đâm chồi cho lá mới.

Canh bù ngót là món ăn quen thuộc của người miền quê: Lá bù ngót non vò qua cho mềm; thịt heo nạt số xắt mỏng, số bằm nhỏ, cho vào nước nấu sôi (tùy lượng người ăn), cho bù ngót vào nêm gia vị vừa đủ. Người kiêng thịt thì nấu canh bù ngót với cá lóc hoặc cá rô đồng: cá lóc con vừa, lam sạch, cắt khúc đầu và khúc đuôi nấu canh, khúc giữa cắt khoanh kho tiêu; cá rô đồng làm sạch để nguyên con, số nấu canh, số kho tiêu.

Ngày nay cây bù ngót được trồng đại trà và được chăm sóc công nghiệp, nhưng với người ly hương, tô canh được nấu từ lá non của cây bù ngót cắm ở mé mương sau nhà vẫn mang hương vị ngọt ngào gợi nhớ cố hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ăn canh bù ngót mơ về cố hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO